Phòng bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa
ĐBP - Với thói quen ăn uống, sinh hoạt không điều độ, lành mạnh, mọi người dễ mắc phải các bệnh về tiêu hóa. Trong đó, bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa (hay còn gọi là nhiễm khuẩn tiêu hóa) là bệnh lý nguy hiểm cần được lưu ý. Vì các triệu chứng của bệnh thường không quá nghiêm trọng, nhưng nếu bỏ qua việc theo dõi và điều trị bệnh có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm, tùy theo từng tác nhân gây bệnh sẽ tiến triển theo nhiều mức độ khác nhau.
Người dân khám bệnh tại Trung tâm Y tế huyện Điện Biên.
Anh N.N.T., xã Thanh Nưa (huyện Điện Biên) sau khi ăn xong bữa cơm trưa, đến chiều tối xuất hiện các triệu chứng như đầy hơi, đau bụng, sốt, mệt, buồn nôn, tiêu chảy. Sau khi vào viện khám, được bác sĩ chẩn đoán bị nhiễm khuẩn đường tiêu hóa; với tình trạng nhẹ nên được kê thuốc về nhà và theo dõi thêm. Trường hợp của anh T. được bác sĩ cho biết khả năng do ăn phải thức ăn không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm dẫn đến nhiễm khuẩn tiêu hóa. Sau 3 ngày uống thuốc theo đơn, sức khỏe của anh đã ổn định. Bác sĩ đa khoa Hà Thị Liên, Khoa Nhi (Trung tâm Y tế huyện Điện Biên) cho biết: Nhiễm trùng tiêu hóa là tình trạng tiêu chảy cấp tính từng cơn dạng phân nước hoặc nhớt, diễn ra liên tục trong một vài ngày, cũng có trường hợp có biểu hiện như triệu chứng của kiết lỵ. Bệnh này có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do sự tấn công của các vi sinh vật, đặc biệt là vi khuẩn và nấm men vào cơ thể người, chúng tồn tại và phát triển ở rất nhiều nơi trong môi trường, trong đó dễ gây bệnh nhất là các sinh vật có trong thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn hoặc sử dụng nước bị ô nhiễm, chưa đun sôi, vệ sinh chân tay chưa sạch trước khi ăn; vi khuẩn gây bệnh còn có thể xuất hiện ở một số loại thịt cá với hàm lượng độc tố và thủy ngân cao. Các triệu chứng thường gặp là đau bụng, tiêu chảy, ăn uống không ngon miệng, sốt.
Đa số người bị mắc bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa sẽ cảm thấy đau bụng, đau từng cơn và co thắt vùng bụng; đau diễn ra liên tục, cứ 3 - 5 phút, tình trạng kéo dài sẽ gây mệt mỏi, khó chịu, không thể làm việc và sinh hoạt bình thường. Tiêu chảy là triệu chứng điển hình nhất, tác nhân gây bệnh hoạt động mạnh trong cơ thể sẽ khiến đường ruột bị kích thích, gây nên tình trạng tiêu chảy, nếu bị kéo dài sẽ khiến cơ thể mất nước và dễ dẫn đến tử vong. Cùng với chán ăn là cảm giác buồn nôn hoặc nôn. Ngoài ra, còn có thể bị rối loạn giấc ngủ, căng thẳng, lo âu, sa sút tinh thần.
Bác sĩ Liên cho biết phần lớn người bị nhiễm trùng tiêu hóa với biểu hiện đặc trưng là tiêu chảy đều có khả năng tự phục hồi mà không cần điều trị, chỉ cần đảm bảo cung cấp ngay, đầy đủ nước cho cơ thể. Nếu bị mất quá nhiều nước trong quá trình bị tiêu chảy, sốt, cần đến cơ sở y tế để được xử lý, truyền bù nước kịp thời hoặc bệnh nghiêm trọng sẽ ở lại viện để điều trị. Đặc biệt lưu ý, khi nghi ngờ bị nhiễm trùng đường tiêu hóa, người bệnh cần đến cơ sở chuyên khoa thăm khám càng sớm càng tốt, tránh những biến chứng nguy hiểm. Để phòng, ngừa các bệnh về tiêu hóa, mọi người cần vệ sinh chân tay sạch sẽ trước, sau khi ăn và ngay sau khi đi vệ sinh, lựa chọn các thực phẩm sạch, có nguồn gốc rõ ràng; khi chế biến thực phẩm cần rửa sạch sẽ, đảm bảo ăn chín, uống sôi…