Phòng bệnh sốt xuất huyết: Không được chủ quan, từ những điều đơn giản

Nếu chẳng may bị loại muỗi này đốt và truyền mầm bệnh vào cơ thể, trong vòng 4-5 ngày sau, người bị muỗi đốt sẽ mắc bệnh sốt xuất huyết. NGUỒN: VINMEC

Những cơn mưa đầu mùa xuất hiện là cơ hội cho muỗi sinh trưởng, trong đó có muỗi Aedes (muỗi vằn) truyền virus gây bệnh sốt xuất huyết (SXH). Để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng, người dân cần chú ý đến việc xử lý nước đọng, diệt bọ gậy.

Không có bọ gậy, không có SXH

6 dấu hiệu nguy hiểm của bệnh SXH 1. Chảy máu: Xuất hiện các chấm hay đốm màu đỏ trên da; chảy máu mũi, lợi; nôn ra máu; đi ngoài phân đen; kinh nguyệt ra nhiều bất thường/chảy máu âm đạo. 2. Nôn liên tục 3. Đau bụng dữ dội 4. Lơ mơ, rối loạn ý thức hoặc co giật 5. Xanh tím, tay và chân lạnh ẩm 6. Khó thở

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Phú Yên (CDC Phú Yên), trong 8 tháng của năm 2021, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 460 ca mắc SXH, giảm hơn 88% so với cùng kỳ năm 2020 (trong 8 tháng của năm 2020, Phú Yên ghi nhận hơn 4.000 ca mắc SXH). Số ca bệnh được ghi nhận nhiều ở huyện Phú Hòa, huyện Sông Hinh, huyện Tây Hòa và TP Tuy Hòa. Về ổ dịch, trong 8 tháng của năm 2021, trên địa bàn tỉnh có 17 ổ dịch, giảm 176 ổ dịch so với cùng kỳ. Tuy nhiên, điều đau lòng là có 2 ca tử vong do SXH (từ đầu năm), ở TX Đông Hòa và huyện Sông Hinh. Cả hai trường hợp này đến cơ sở y tế khi bệnh đã diễn tiến nặng.

Bác sĩ Biện Ngọc Tân, Phó Giám đốc CDC Phú Yên nói rằng trong giai đoạn này, khi toàn tỉnh tập trung phòng chống COVID-19, nỗi lo canh cánh của những người làm công tác phòng chống dịch là dịch bệnh SXH bùng phát. Nếu dịch chồng dịch thì sẽ vô cùng vất vả và nguy hiểm. “CDC đã chỉ đạo trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố dù tập trung phòng chống COVID-19 nhưng vẫn phải quan tâm đến công tác phòng chống SXH. Theo dõi trên hệ thống, thấy tình hình cũng mừng. Nếu nói về chu kỳ, đến năm 2022 mới là chu kỳ dịch của dịch SXH. Về dịch tễ học là như thế nhưng chúng ta không thể chủ quan”, bác sĩ Biện Ngọc Tân nói.

SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính gây ra bởi virus Dengue. Virus này thường lây nhiễm từ người sang người thông qua muỗi vằn. Tháng 3, tháng 4 và từ đầu tháng 7 đến tháng 11 hàng năm là thời gian thuận lợi để muỗi vằn phát triển.

Phú Yên đã có những cơn mưa đầu mùa. Bác sĩ Biện Ngọc Tân lưu ý các gia đình cần thu gom, dọn dẹp vật dụng phế thải chung quanh nhà, tránh tình trạng mưa xuống sẽ đọng nước, tạo điều kiện cho muỗi sinh trưởng. Ngoài ra, các vật dụng có đựng nước như lọ hoa, ly nước trên trang thờ, hay đồ đựng nước cho gia súc, gia cầm uống… cần được thay, cọ rửa thường xuyên. “Lọ hoa trên trang thờ, sau một tuần mà không thay, không cọ rửa thì đó sẽ là nơi muỗi sinh trưởng”, bác sĩ Biện Ngọc Tân nói. Đối với những vật dụng đựng nước nhưng không thể thay, cọ rửa thường xuyên, như các tô nước ngăn kiến dưới chân tủ bếp, thì cho dầu hỏa vào để ngăn sự sinh trưởng của muỗi.

Không tự làm bác sĩ khi bị sốt, đau nhức…

Theo y văn, ở thể bệnh nhẹ, bệnh nhân SXH có các triệu chứng: Sốt cao đột ngột 39-400C, kéo dài 2-7 ngày, khó hạ sốt; đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu; có thể có nổi mẩn, phát ban. Ở thể bệnh nặng, bệnh nhân SXH có các triệu chứng trên kèm theo dấu hiệu xuất huyết (chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm tím chỗ tiêm, nôn ra máu, đi đại tiện phân đen (do bị xuất huyết nội tạng); đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng (hội chứng choáng do xuất huyết nội tạng gây mất máu, tụt huyết áp). Nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong.

Phú Yên ở trong vùng lưu hành SXH; toàn tỉnh đang dốc sức phòng, chống dịch COVID-19. Theo bác sĩ Biện Ngọc Tân, SXH và COVID-19 có một số triệu chứng giống nhau, như sốt, đau nhức, bên cạnh đó vẫn có một số triệu chứng, dấu hiệu riêng. Đặc trưng của SXH là những chấm - mảng xuất huyết trên da, hoặc chảy máu răng, chân răng; phụ nữ đang hành kinh thì kinh nguyệt ra nhiều bất thường, kéo dài…; còn COVID-19 thì có thể có triệu chứng ho, đau họng, khó thở, mất khứu giác, vị giác... “Để chẩn đoán phân biệt cần dựa vào xét nghiệm phân lập virus Dengue. Điều quan trọng là người dân phải báo ngay với y tế cơ sở khi có các triệu chứng trên để được tư vấn, hướng dẫn, chẩn đoán và điều trị kịp thời; không được tự mua thuốc, tự điều trị, có thể dẫn đến hậu quả vô cùng đáng tiếc”, bác sĩ Biện Ngọc Tân khuyến cáo.

YÊN LAN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/79/263310/phong-benh-sot-xuat-huyet--khong-duoc-chu-quan-tu-nhung-dieu-don-gian.html