Phòng bệnh trẻ em khi giao mùa

Hiện nay thời tiết nóng, lạnh thất thường, độ ẩm không khí cao, dễ phát sinh nhiều mầm bệnh. Hơn nữa, với học sinh bậc tiểu học, mầm non hệ thống miễn dịch còn non yếu không đủ sức để chống lại các tác nhân gây bệnh nên dễ bị các vi khuẩn, vi rút tấn công, nhất là đối với các bệnh dễ lây như: Thủy đậu, cúm, tay chân miệng… Chính vì vậy, việc chủ động phòng bệnh cho trẻ cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, các đơn vị y tế và gia đình học sinh.

Cô giáo Phương Thị Thu Hương, Hiệu trưởng trường Mầm non Hoa Mai (TP Tuyên Quang) cho biết, năm học này, trường có 600 học sinh với 17 nhóm trẻ. Để phòng, chống dịch bệnh thời điểm đầu năm học, sau khi kết thúc kỳ nghỉ hè, trường đã tổ chức tổng vệ sinh khuôn viên, lau rửa dụng cụ học tập của trẻ bằng chất khử khuẩn. Giáo viên thường xuyên nhắc nhở, hướng dẫn cho trẻ hình thành thói quen tự vệ sinh cá nhân. Hàng ngày khi nhận trẻ, các cô quan sát tình hình sức khỏe, thông báo kịp thời cho phụ huynh biết khi phát hiện trẻ có triệu chứng bệnh của các loại bệnh truyền nhiễm và cho trẻ nghỉ ở nhà để chăm sóc và phòng, tránh lây lan sang các bạn trong lớp. Đồng thời, trường cũng liên hệ với ngành Y tế để phun thuốc tiêu độc, khử trùng khi cần thiết. Nhờ đó, từ trước đến nay, nhà trường chưa có dịch bệnh nguy hiểm xảy ra.

Giáo viên trường Mầm non Hoa Mai (TP Tuyên Quang) hướng dẫn học sinh rửa tayvới xà phòng trước bữa ăn, hạn chế các bệnh truyền nhiễm.

Năm học 2019 - 2020, toàn tỉnh có 478 trường với trên 214 nghìn học sinh. Cùng với các hoạt động chuyên môn, công tác phòng, chống các loại dịch bệnh truyền nhiễm và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh được các trường quan tâm thực hiện. Trong năm học, học sinh được tuyên truyền, giáo dục, khám, quản lý sức khỏe về chăm sóc sức khỏe học đường. Ngành Giáo dục và Đào tạo còn yêu cầu các trường thực hiện nghiêm quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm tại bếp ăn tập thể; thường xuyên kiểm tra công tác vệ sinh phòng bệnh, tuyên truyền phụ huynh, học sinh về sự nguy hiểm của dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng và các loại dịch cúm… Từ đó, giúp gia đình cùng nhà trường chủ động phòng chống bệnh cho con em mình.

Thầy giáo Lê Thành Tuyên, Hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Hàm Yên chia sẻ, cùng với việc phòng bệnh, công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho học sinh theo học nội trú cũng được trường quan tâm thực hiện. Năm học này, nhà trường tiếp tục hợp đồng với nhân viên nấu ăn và đơn vị cung cấp thức ăn đảm bảo các hồ sơ, thủ tục theo quy định. Trường phân công nhân viên y tế thường xuyên kiểm tra khâu tiếp nhận đầu vào thực phẩm, kiểm soát vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm trong quá trình chế biến và lưu mẫu thức ăn. Thực hiện cho học sinh ăn thức ăn nóng để hạn chế tình trạng ngộ độc thực phẩm hoặc các bệnh lây truyền qua thực phẩm. Trường cũng tuyên truyền đến các bậc phụ huynh thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh ngay tại gia đình.

Chị Phạm Thùy Linh, thị trấn Sơn Dương (Sơn Dương) có con gái 3 tuổi và 9 tuổi nói, để bảo vệ sức khỏe cho con, chị đã chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh cho con như: Thủy đậu, quai bị, cúm… Chị cũng chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh cho mình để tránh lây cho con. Đồng thời, giữ nhà cửa thông thoáng, tránh cho con tiếp xúc với khói bụi, khói thuốc lá và tăng cường dinh dưỡng trong bữa ăn, uống thêm nước trái cây và đưa con đi khám sớm khi thấy con có dấu hiệu mắc bệnh.

Ngoài nỗ lực của các đơn vị trường học, y tế, mỗi phụ huynh cần tạo thói quen vệ sinh cá nhân, thân thể cho trẻ; trang bị áo mưa, mũ nón đề phòng mưa, nắng thất thường; cho trẻ ăn uống và sinh hoạt điều độ, đủ chất dinh dưỡng; bổ sung vitamin C vào chế độ ăn giúp trẻ tăng sức đề kháng phòng chống bệnh tật. Đặc biệt, nếu thấy trẻ có bất cứ dấu hiệu nào bất thường nên cho trẻ đến các cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.

Bài, ảnh: Dương Châu

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/suc-khoe/phong-benh-tre-em-khi-giao-mua-125131.html