Phòng bệnh viêm màng não mô cầu

Bệnh viêm màng não mô cầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây qua đường hô hấp nên có khả năng lan nhanh và bùng nổ thành dịch.

Ảnh minh họa: ITN

Ảnh minh họa: ITN

Xâm nhập qua đường hô hấp

Não là bộ phận thần kinh trung ương điều hành mọi hoạt động của cơ thể. Vi khuẩn tấn công vào màng não là tấn công vào hệ thần kinh trung ương nên gây ra bệnh cảnh phức tạp, chết người hoặc để lại các di chứng nặng nề.

Vi khuẩn não mô cầu (tên khoa học Neisseria meningitidis) là một trong hai loại vi khuẩn gây viêm màng não mủ phổ biến nhất ở trẻ em. Sau khi vào cơ thể người qua đường hô hấp, vi khuẩn xâm nhập vào máu, tìm đến tổ chức màng não phát triển và gây bệnh. Bệnh có thể gặp tản phát trong năm.

Tuy nhiên, các vụ dịch thường có khuynh hướng xảy ra vào các mùa Thu, mùa Đông và mùa Xuân. Nguy cơ mắc bệnh cao ở những nơi tụ tập đông người, thành thị có tỉ lệ người mắc nhiều hơn ở khu vực nông thôn thưa người.

Về sinh học, vi khuẩn não mô cầu chia thành 4 nhóm chính là A, B, C và D. Ở Việt Nam, bệnh thường do vi khuẩn nhóm A gây ra. Ở các nhóm vi khuẩn não mô cầu khác như nhóm X, Y, Z và W-135, tuy vi khuẩn ít độc lực hơn, nhưng vẫn có thể gây ra các bệnh cảnh phức tạp và nặng nề.

Bệnh viêm màng não mô cầu xảy ra đột ngột, cấp tính với các biểu hiện thường gặp sau đây:

- Sốt cao đột ngột, thường là 39 - 40°C, đôi khi 41 - 42°C.

- Mệt mỏi, đau cơ và cảm giác rét run.

- Nhức đầu dữ dội, đi kèm với buồn nôn và nôn.

- Ho và đau rát họng.

- Cổ cử động khó, cứng cổ.

- Li bì, bỏ ăn, bỏ chơi ở trẻ nhỏ.

- Co giật, lơ mơ và hôn mê ở các trường hợp bệnh diễn tiến nặng.

Điểm lưu ý đặc biệt là trên da người bệnh, sau sốt 1 - 2 ngày xuất hiện ban da. Khởi đầu ban da dạng chấm (thường gọi là ban da hình sao), sau lan nhanh như hình bản đồ, có thể bọng nước, kích thước khoảng 1 - 2mm đến vài cm. Ban da màu đỏ thẫm hoặc tím thẫm, bờ không đều, bề mặt thường phẳng.

Đôi khi ban da bị hoại tử ở trung tâm, nên được gọi là tử ban. Tử ban thường xuất hiện ở vùng hông và hai chi dưới. Đây là dấu hiệu chỉ điểm điển hình của bệnh viêm màng não mô cầu. Bệnh nhân, nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ tử vong trong bối cảnh nhiễm trùng nhiễm độc và suy đa tạng.

Các nghiên cứu đã chỉ ra một điều đáng quan ngại là, tại các vùng bệnh viêm màng não mô cầu lưu hành, có khoảng 5 - 10% người bị nhiễm não mô cầu không có các biểu hiện lâm sàng. Đây chính là nguồn lây truyền quan trọng và đáng lo ngại trong cộng đồng.

 Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Hướng điều trị và phòng bệnh

Bệnh viêm màng não mô cầu, có những trường hợp diễn biến xấu rất nhanh, người bệnh tử vong sau vài giờ khởi phát bệnh. Tuy là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có khả năng để lại các di chứng thần kinh nặng nề, nhưng nếu người bệnh được phát hiện sớm, điều trị tích cực, đúng phác đồ thì tỉ lệ điều trị khỏi bệnh có thể đạt đến 95%.

Người bệnh được cách ly nhằm tránh lây lan và sử dụng kháng sinh liều cao ngay sau khi có chẩn đoán xác định. Hiện nay có nhiều loại kháng sinh tốt để điều trị căn bệnh này. Thời gian điều trị tùy thuộc vào mức độ nặng nhẹ và khả năng đáp ứng thuốc của người bệnh.

Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), phòng bệnh viêm màng não mô cầu cần thực hiện theo các hướng dẫn sau đây:

- Tuyên truyền nâng cao nhận thức, đặc biệt là địa phương có bệnh lưu hành, để người dân hiểu và phát hiện sớm bệnh, tiến hành cách ly bệnh nhân và hợp tác với cán bộ y tế phòng dịch.

- Giữ vệ sinh nơi ở, giữ vệ sinh môi trường, nhà trẻ, lớp học phải thông thoáng, sạch sẽ, đủ ánh sáng.

- Địa điểm ổ dịch cũ phải giám sát, phát hiện ngay các trường hợp sốt, viêm hầu họng để theo dõi. Có thể xét nghiệm bệnh nhân cũ và người lân cận nếu có điều kiện để tìm người lành mang vi khuẩn não mô cầu.

- Bệnh nhân cần được điều trị triệt để tại cơ sở y tế. Người tiếp xúc với bệnh nhân cần được điều trị dự phòng.

Bệnh viêm màng não mô cầu có thể chủ động phòng tránh được nhờ chủng ngừa vắc-xin. Các chuyên gia y tế dự phòng khuyên nên tiêm vắc-xin phòng bệnh viêm màng não mô cầu cho trẻ nhỏ. Hiện có các loại vắc-xin phòng tránh bệnh viêm màng não mô cầu do vi khuẩn type A/C hoặc type B/C.

Vắc-xin A/C tiêm cho trẻ ≥ 2 tuổi và vắc-xin B/C tiêm cho trẻ ≥ 6 tháng tuổi. Để đạt được miễn dịch đầy đủ và lâu dài, trẻ cần tiêm chủng đủ liều và tiêm nhắc lại theo lịch hướng dẫn của đơn vị tiêm.

Vào mùa Đông, các biểu hiện ban đầu của bệnh viêm màng não mô cầu dễ bị nhầm lẫn với bệnh cúm mùa, đặc biệt là ở trẻ em. Vì vậy, có những trường hợp đã bị bỏ sót hoặc không quan tâm đúng mức. Do đó, nhà chuyên môn khuyên các gia đình có trẻ nhỏ khi xuất hiện các biểu hiện như cúm mùa, nhất là vùng có bệnh đang lưu hành thì đưa trẻ đến bệnh viện khám càng sớm càng tốt.

Thạc sĩ Y học Mai Hữu Phước

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/phong-benh-viem-mang-nao-mo-cau-post694255.html