Phòng bệnh viêm phổi cho trẻ trong mùa hè

Trong điều kiện thời tiết nắng nóng như hiện nay, các bệnh viêm đường hô hấp gia tăng nhanh, trong đó có bệnh viêm phổi ở trẻ em. Viêm phổi là bệnh gây tổn thương nhu mô phổi, phế quản kèm theo các dấu hiệu ho, khó thở, nhịp thở nhanh, đau ngực... các triệu chứng này thay đổi theo tuổi. Khi trẻ đã bị viêm phổi thường tái phát nhiều lần do thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi đột ngột; nguồn nước, nguồn không khí ngày càng ô nhiễm và nhiều khói bụi; môi trường sống đông đúc, kém vệ sinh; tiếp xúc trực tiếp với khói thuốc lá từ những người xung quanh (hút thuốc lá thụ động).

Bệnh nhi điều trị tại Khoa Nhi (Trung tâm Y tế huyện Điện Biên).

Bệnh nhi điều trị tại Khoa Nhi (Trung tâm Y tế huyện Điện Biên).

Ông Lộ Văn Xuân, xã Noong Hẹt (huyện Điện Biên) có cháu đang điều trị bệnh viêm phổi tại Khoa Nhi (Trung tâm Y tế huyện Điện Biên) cho biết: Ở nhà cháu ho nhiều không dứt nên tôi đưa cháu đi khám và được các bác sĩ chẩn đoán mắc viêm phổi. Bệnh này cháu bị từ bé, năm nay đã 12 tuổi rồi nhưng cứ thời tiết thay đổi là lại ho nhiều, nhất là thời điểm trời nắng nóng gay gắt.

Còn bé L.T.U. (sinh năm 2019), bản Pa Kín, xã Na Tông (huyện Điện Biên) ở nhà ho nhiều, sốt cao liên tục, nôn, mệt mỏi, ăn uống kém, đã uống kháng sinh hạ sốt 4 ngày nhưng không thuyên giảm nên buộc nhập viện điều trị. Bé nhập viện trong tình trạng tỉnh, mệt nhiều, ho từng cơn, ho có đờm, ăn kém, nôn, phổi có ran ẩm vừa nhỏ hạt, nổ 2 bên. Sau khi thăm khám được chẩn đoán viêm phế quản phổi, không đặc hiệu.

Bác sĩ Lò Thị Tranh, Trưởng Khoa Nhi (Trung tâm Y tế huyện Điện Biên) cho biết: Trẻ bị viêm phổi có dấu hiệu khởi phát là sốt nhẹ tăng dần hoặc sốt cao, mệt mỏi, quấy khóc, khó chịu, kém ăn, ngạt mũi, chảy nước mũi, hắt hơi, có thể rối loạn tiêu hóa, như nôn, tiêu chảy. Đến thời kỳ toàn phát, trẻ có những triệu chứng về hô hấp, như ho húng hắng, ho liên tục có khi ho thành cơn, ho khan hoặc ho xuất tiết nhiều đờm dãi. Nhịp thở nhanh, khó thở có thể suy hô hấp, nghe phổi thấy có ran ẩm vừa nhỏ hạt, ran ngáy, ran rít. Trẻ có thể bị rối loạn tuần hoàn như sốc, trụy tim mạch... Hầu hết trẻ mắc viêm phổi có thể điều trị khỏi sau 1 - 2 tuần, ho có thể kéo dài hơn. Tuy nhiên, một số trường hợp có biến chứng nặng, như suy hô hấp, tím tái, sốt cao, tiến triển nặng lên hoặc dai dẳng, nguy cơ tử vong. Những trường hợp này thường gặp ở trẻ nhỏ suy giảm miễn dịch, trẻ có bệnh phổi và bệnh tim mạn tính.

Để phòng ngừa viêm phổi cho trẻ, trước hết, trẻ cần được vệ sinh sạch sẽ, tránh xa khói thuốc. Bảo đảm sức khỏe bà mẹ khi mang thai nhằm làm giảm tỉ lệ trẻ sinh ra thiếu tháng, thiếu cân. Cho trẻ bú sữa non sớm ngay sau đẻ, bú mẹ đầy đủ ít nhất đến 18 tháng để tăng sức đề kháng. Tiêm chủng phòng bệnh đầy đủ theo lịch. Cho trẻ cách ly, hạn chế tiếp xúc với trẻ đang ốm.

Mùa hè, thời tiết nắng nóng, cơ thể bài tiết nhiều mồ hôi hơn, có thể có nguy cơ mất nước và các chất điện giải; để hạn chế trẻ mắc bệnh viêm phổi việc bổ sung đủ nước cho trẻ, đồng thời cho ăn các loại rau, củ quả, trái cây là cần thiết; vừa bồi phụ nước và cung cấp thêm dinh dưỡng và vi chất. Cần hạn chế cho trẻ dùng nước mát, nước đá, hoa quả và các thực phẩm chế biến sẵn để trong tủ lạnh. Khi sử dụng điều hòa nhiệt độ nên có sự điều chỉnh nhiệt độ hợp lý; không nên để gió của máy điều hòa quạt thẳng vào cơ thể trẻ. Tuy thời tiết nắng nóng, nhưng khi tắm cho trẻ, nhất là trẻ dưới 5 tuổi, không nên cho tắm nước lạnh và nên dùng nước ấm là tốt nhất.

Với trường hợp trẻ mới chớm bệnh, phụ huynh nên chăm sóc bằng cách cho trẻ súc miệng bằng dung dịch súc họng hoặc nước muối loãng ấm hàng ngày. Cho trẻ ăn lỏng, dễ tiêu, đủ chất. Nếu thấy các triệu chứng viêm phổi nặng hơn trẻ cần được nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị, tránh đưa trẻ đi khám muộn vì viêm phổi rất dễ gây biến chứng nặng.

Bài, ảnh: Nhật Minh

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/y-te/206565/phong-benh-viem-phoi-cho-tre-trong-mua-he