Phong cách thực hành hội họa độc đáo của Phạm Trần Việt Nam

Lần đầu tiên tại Hà Nội, Trung tâm Bảo trợ và Phát triển nghệ thuật sẽ trưng bày hơn 20 tác phẩm mang phong cách thực hành hội họa độc đáo của Phạm Trần Việt Nam.

Triển lãm cá nhân mang tên “Mớ” diễn ra tại Trung tâm Bảo trợ và Phát triển nghệ thuật - APD (tòa nhà Kim Khí Thăng Long, số 1, Lương Yên, Hai Bà Trưng, Hà Nội) từ ngày 14/4 đến 14/8.

Các tác phẩm được sáng tác trải từ năm 2012-2023, đa phần là tranh mới sáng tác trong thời gian sau đại dịch Covid-19, trong đó có một vài bức khổ lớn, bức lớn nhất bề ngang 3,2m, dài 20m.

Một trong những tác phẩm của nghệ sĩ Phạm Trần Việt Nam. (Nguồn: APD)

Một trong những tác phẩm của nghệ sĩ Phạm Trần Việt Nam. (Nguồn: APD)

Một số tác phẩm được thực hiện trong hơn 10 năm là kết quả của một quá trình liên tục sáng tạo, tái cấu trúc để tạo nên những bản dạng hồi sinh mới.

Phạm Trần Việt Nam nằm trong số ít các nghệ sĩ ở Việt Nam dấn thân và tiếp cận hội họa bằng tinh thần bột phát nguyên thủy. Thực hành của anh thách thức cách hiểu thông thường cũng như phương pháp thực hành và tư duy truyền thống về nghệ thuật hội họa.

Bằng những thử nghiệm phá cách về quy mô, chất liệu và thủ pháp sáng tác, buông bỏ các tiêu chuẩn hàn lâm và giới hạn sinh học, anh mượn nghệ thuật thị giác làm phương tiện trung gian để tìm kiếm những mảng tối của nội tâm và những thể vô hình của ngoại giới.

Hành vi hội họa còn như một phương pháp trị liệu, một ngôn ngữ thay thế để diễn dịch thay cho sự hữu hạn/bất khả của các ngôn ngữ khác.

Triển lãm lần này là một chuyển biến mới trong tư duy và phương pháp thực hành của Phạm Trần Việt Nam, bảng màu đã đa sắc hơn, kích thước đã thỏa hiệp với nơi chốn, thần sắc của thế giới u minh đã gần với đời hơn.

Trong thời gian diễn ra trưng bày, APD sẽ tổ chức các hoạt động, sự kiện bên lề như trò chuyện, hỏi đáp… nhằm tạo những đường dẫn đa dạng, kết nối công chúng khán giả, người yêu nghệ thuật với triển lãm.

Phạm Trần Việt Nam sinh ra tại Đà Nẵng và tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh năm 2010. Tuy được đào tạo về điêu khắc, nhưng anh chủ yếu thực hành hội họa, chất liệu sơn dầu trên vải.

Chịu ảnh hưởng từ nhạc rock, trường phái biểu hiện và siêu thực, tạo hình của anh thời kỳ đầu thường gào thét hoặc quằn quại như trong hỏa ngục, chú tâm bóc tách từng góc tối tăm, phẫn nộ và thô bạo của con người.

Từ năm 2014, sau khi vượt qua giai đoạn trầm cảm khó khăn, anh bắt đầu thực hành phá bỏ tất cả những gì mình đã tôn thờ, thể nghiệm việc cắt nát và tái cấu trúc hầu hết tranh cũ.

Những sáng tác của Nam trao gửi thông điệp nhân văn từ lòng trắc ẩn và rung cảm của anh trước bối cảnh xã hội của đất nước mà anh đang sống, những điều trần ai trước mắt.

Lê An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/phong-cach-thuc-hanh-hoi-hoa-doc-dao-cua-pham-tran-viet-nam-222991.html