Phòng cháy, chữa cháy - Trách nhiệm của toàn dân

PTĐT - Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) là một trong những nhiệm vụ quan trọng gắn với công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội...

Triển khai đội hình chữa cháy bằng bọt của lực lượng cảnh sát PCCC (Công an tỉnh) để dập tắt đám cháy tại Công ty TNHH JAKJIL Việt Nam (Khu Công nghiệp Thụy Vân, thành phố Việt Trì).

Triển khai đội hình chữa cháy bằng bọt của lực lượng cảnh sát PCCC (Công an tỉnh) để dập tắt đám cháy tại Công ty TNHH JAKJIL Việt Nam (Khu Công nghiệp Thụy Vân, thành phố Việt Trì).

PTĐT - Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) là một trong những nhiệm vụ quan trọng gắn với công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, thời gian qua các cấp, ngành, các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh luôn coi trọng công tác này với phương châm phòng cháy hơn chữa cháy.
Phòng cháy hơn chữa cháy
Nhắc đến hỏa hoạn, không chỉ lực lượng cảnh sát PCCC mà nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân đều nhớ đến những vụ cháy trên địa bàn tỉnh thời gian gần đây, gây ra ít nhiều thiệt hại về người và tài sản…23h45 phút, ngày 13/6/2018, nhận được tin báo cháy tại nhà xưởng May A, Công ty TNHH YAKJIN Việt Nam (Khu công nghiệp Thụy Vân, TP Việt Trì), lực lượng cảnh sát PCCC (Công an tỉnh) đã có mặt kịp thời cùng phối hợp với các đơn vị có phương tiện chữa cháy trên địa bàn tỉnh tham gia chữa cháy. Đến 05h00 phút ngày 14/6/2018, đám cháy đã cơ bản được dập tắt. Đây là Công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài, hoạt động trên lĩnh vực may mặc. Nguyên nhân cháy được lực lượng chức năng xác định do chập mạch điện trên đường dây dẫn điện chạy dọc theo tường ngăn gian kho vải và kho phụ liệu làm cháy lớp vỏ cách điện, sau đó cháy lan ra xung quanh. Hay như vụ cháy tại nhà xưởng sản xuất của Công ty TNHH Paldo Vina (100% vốn nước ngoài) tại Cụm công nghiệp Đồng Lạng, xã Phù Ninh, huyện Phù Ninh vào hồi 21h05 phút, ngày 27/8/2017, với diện tích đám cháy khoảng 3.000m2 cũng xuất phát từ nguyên nhân do chập mạch điện trên đường dẫn điện trong máng cáp của phòng trộn và bảo quản gia vị trên tầng 2 làm cháy vỏ cách điện, tàn lửa rơi xuống gây cháy hàng hóa bên trong, sau đó cháy lan ra xung quanh, tổng thiệt hại theo báo cáo của mỗi công ty lên đến hàng trăm tỷ đồng.Thực tế, các vụ cháy cơ bản được phát hiện và chữa cháy kịp thời, song thiệt hại thì khó có thể tránh khỏi. Theo số liệu thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh), toàn tỉnh có 7 khu công nghiệp, 26 cụm công nghiệp và khoảng 5.000 doanh nghiệp hoạt động; trong đó có 1.890 cơ sở có những nguy cơ tiềm ẩn về cháy nổ. Riêng từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 56 vụ cháy, làm bị thương 4 người, tài sản thiệt hại ước tính trị giá gần 2,3 tỷ đồng và 12ha rừng giá trị. Nguyên nhân của các vụ cháy thường do sơ suất từ việc đun nấu, sử dụng lửa, sử dụng thiết bị điện, xăng dầu, khí đốt… Bên cạnh đó, phải kể đến các nguyên nhân chủ quan của một bộ phận cán bộ, người đứng đầu chính quyền, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình, người dân chưa có nhận thức đúng, đủ về tầm quan trọng của công tác PCCC, do đó chưa chấp hành nghiêm túc các quy định về an toàn PCCC. Việc thực hiện pháp luật về PCCC còn mang tính đối phó chứ chưa quyết liệt và cụ thể bằng hành động...Trước thực trạng đó, lực lượng cảnh sát PCCC đã rà soát, phân loại cơ sở trọng điểm về cháy, nổ, bổ sung danh sách các cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC, không để sót địa bàn, cơ sở. Đồng thời tiến hành phân công, phân cấp quản lý về PCCC theo quy định, nhằm tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước về PCCC, chủ động phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại do cháy nổ gây ra. Cùng với đó, việc thanh tra, kiểm tra về PCCC được tăng cường nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về PCCC. Trong năm 2018 và 6 tháng năm 2019, lực lượng cảnh sát PCCC đã tiến hành kiểm tra an toàn PCCC định kỳ, đột xuất đối với 3.054 lượt điểm, cơ sở và các phương tiện vận chuyển chất cháy, chất nổ; kiểm tra công tác an toàn PCCC tại 115 cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn tỉnh và các cơ sở trọng điểm nguy hiểm về cháy, nổ… Qua đó, Quyết định tạm đình chỉ hoạt động 20 cơ sở vi phạm quy định về PCCC; xử phạt vi phạm hành chính 228 trường hợp và phạt tiền 1,2 tỷ đồng.

Lực lượng PCCC (Công an tỉnh) đưa người bị nạn do cháy đi cấp cứu.

Lực lượng PCCC (Công an tỉnh) đưa người bị nạn do cháy đi cấp cứu.

Nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồngTheo nhận định của lực lượng chuyên môn, kinh tế - xã hội ngày càng phát triển kéo theo nhu cầu sử dụng năng lượng điện, nhiên liệu, khí đốt trên địa bàn tỉnh ngày càng lớn. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tăng nhanh cả về số lượng và quy mô hoạt động, trong khi đó việc đầu tư cho PCCC của các doanh nghiệp tư nhân còn nhiều hạn chế, chưa thực hiện nghiêm các quy định về PCCC. Các khu, cụm công nghiệp phát triển với nhiều ngành sản xuất - kinh doanh như: Dầu khí, xăng dầu, điện, hóa chất, dệt may…Tuy nhiên, một số doanh nghiệp đầu tư đưa vào sử dụng từ trước khi có Luật PCCC nên các điều kiện an toàn về PCCC không đảm bảo, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy nổ. Mặt khác, quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng, các khu đô thị, nhà cao tầng, chung cư “mọc” lên ngày càng nhiều, số hộ gia đình ngày càng tăng cộng với việc sử dụng nhiên liệu, năng lượng điện, các vật tư, hàng hóa là chất dễ cháy ngày càng nhiều, trong khi ý thức chấp hành pháp luật về PCCC của người dân ở khu dân cư đang là vấn đề nan giải, tạo ra nguy cơ dễ phát sinh các vụ cháy nổ ở khu vực dân cư. Không chỉ đối với các khu, cụm công nghiệp, các cơ quan, đơn vị, khu dân cư, mà công tác phòng chống cháy rừng cũng hết sức quan trọng và đang có những thách thức do biến đổi khí hậu, thời tiết nắng nóng, hanh khô kéo dài, nhận thức của đồng bào vùng núi, nơi có rừng còn hạn chế, nhất là những quy định về xử lý thực bì, đốt nương…, tiềm ẩn những nguy cơ gây cháy rất dễ dàng.Những thách thức đối với công tác PCCC đã luôn đặt ra yêu cầu cần có những biện pháp cụ thể, phù hợp, hiệu quả, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại nếu có tình huống cháy xảy ra. Đại tá Phùng Thế Ngôn - Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh) cho biết: “Lực lượng cảnh sát PCCC luôn xác định “phòng cháy hơn chữa cháy”. Do đó, giải pháp trước tiên cần triển khai thực hiện đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm trang bị những kiến thức về PCCC đến mọi tầng lớp nhân dân. Cùng với phối hợp tuyên truyền thực hiện Luật Phòng cháy và chữa cháy, chúng tôi luôn quan tâm hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và người dân nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Tiếp tục thực hiện xây dựng phong trào Toàn dân PCCC. Phát huy hiệu quả hoạt động của các lực lượng PCCC, cứu nạn, cứu hộ tại chỗ; thường xuyên tập huấn cho lực lượng PCCC ở cơ sở, dân phòng làm tốt công tác PCCC, cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn. Xây dựng lực lượng cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại”.Có thể thấy, qua mỗi vụ hỏa hoạn, những người lính cứu hỏa là lực lượng chủ yếu sẵn sàng dũng cảm lao vào những đám cháy đang bốc khói ngụt ngùn, rực lửa để cứu người nhằm mục tiêu dập tắt đám cháy nhanh nhất, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản. Tuy nhiên, khi đã xảy ra cháy, dù có nỗ lực hết sức thì vẫn khó có thể bảo vệ vẹn nguyên những gì trước đó, ít nhiều cũng sẽ gây ra hậu quả, thậm chí là thương vong về người, thiệt hại về kinh tế mà không thể cứu vãn. Thực tế đó đã đặt ra yêu cầu về công tác “phòng cháy” đòi hỏi nâng cao ý thức, trách nhiệm của cả cộng đồng, bởi chỉ một chút sơ suất nhỏ cũng có thể “rước giặc lửa” tấn công và gây thiệt hại lớn cho xã hội.

HUYỀN NGA

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/van-de-hom-nay/201910/phong-chay-chua-chay-trach-nhiem-cua-toan-dan-167067