Phòng cháy ngay từ cơ sở
Vừa qua, Ban Chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ TP.Biên Hòa đã bàn giao thẩm quyền quản lý về PCCC của hơn 7,5 ngàn cơ sở sản xuất, kinh doanh cho UBND 30 xã, phường. TP.Biên Hòa cũng là địa phương đầu tiên của tỉnh bàn giao các cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý về PCCC cho UBND cấp xã để thực hiện theo quy định mới.
Nghị định 136/2020/NĐ-CP ngày 24-11-2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCCC và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC có nêu rõ danh mục cơ sở do UBND cấp xã quản lý nhằm bảo đảm phù hợp với mô hình tổ chức mới của Bộ Công an và thực hiện phân cấp tối đa việc quản lý cho cấp cơ sở để nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp trong công tác PCCC.
* Tăng trách nhiệm quản lý PCCC cho chính quyền cơ sở
Ngay từ cuối năm 2020, Công an TP.Biên Hòa đã ráo riết điều tra cơ bản, lập danh sách các cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC trên địa bàn và tiến hành xác định phân cấp. Tính đến nay, trên toàn thành phố có hơn 9,1 ngàn cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC, trong đó có hơn 1,6 ngàn cơ sở thuộc thẩm quyền cơ quan công an và hơn 7,5 ngàn cơ sở thuộc thẩm quyền UBND cấp xã, phường.
Hơn 7,5 ngàn cơ sở trên (tính đến ngày 20-3) là những cơ sở nhỏ, lẻ nằm trong Phụ lục IV, Nghị định 136/2020/NĐ-CP. Cụ thể là những tạp hóa nhỏ có tổng diện tích sản xuất, kinh doanh dưới 300m2, nhà trọ có tổng khối tích dưới 1 ngàn m3 (trung bình dưới 10 phòng)...
Thiếu tá Nguyễn Lê Anh, Phó trưởng Công an TP.Biên Hòa cho biết, các cơ sở trên được lập danh sách hoàn toàn mới vì trước đây theo quy định cũ, các cơ sở này không được đưa vào diện quản lý về PCCC. Thời gian qua, dựa vào tình hình thực tế trên toàn quốc về những nguy cơ cháy tại các cơ sở nhỏ, lẻ nên Chính phủ đã ban hành các quy định mới về quản lý PCCC nhằm tăng cường PCCC từ cơ sở. Do đó, số lượng cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC tăng lên, chủ yếu thuộc thẩm quyền của cấp xã. Khi công tác phòng cháy tại TP.Biên Hòa phân cấp về cho chính quyền địa phương sẽ buộc người đứng đầu các xã, phường quan tâm, chú trọng hơn đến nhiệm vụ phòng cháy từ cơ sở.
Lãnh đạo Công an TP.Biên Hòa cũng lưu ý, UBND các xã, phường cần nhanh chóng lập hồ sơ quản lý về PCCC với các cơ sở vừa được nhận bàn giao. Đồng thời tiếp tục rà soát, điều tra cơ bản trong địa phương mình để bổ sung danh sách những cơ sở mới cần được quản lý về PCCC. Vì đây là lĩnh vực quản lý hoàn toàn mới với chính quyền cấp xã nên UBND các xã, phường nên bố trí cán bộ có chuyên môn quản lý về PCCC tại địa bàn, thường xuyên cử lực lượng tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ PCCC do lực lượng công an các cấp tổ chức.
* Xây dựng tốt lực lượng tại chỗ
Xác định công tác PCCC tại đô thị loại I như TP.Biên Hòa là một trong những yếu tố quan trọng để góp phần đảm bảo an ninh trật tự, lãnh đạo UBND TP.Biên Hòa đã đề nghị UBND các xã, phường, các phòng nghiệp vụ của thành phố quan tâm, chú trọng công tác này, nhất là đang trong cao điểm mùa khô 2021. Theo đó, lãnh đạo các xã, phường cần tập trung tuyên truyền các quy định về PCCC, thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở các cơ sở đảm bảo an toàn PCCC, trong đó đặc biệt lưu ý những cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhà trọ nhỏ trong khu dân cư.
Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa, Trưởng ban Chỉ đạo PCCC và cứu nạn, cứu hộ TP.Biên Hòa Nguyễn Ngọc Liên cũng nhấn mạnh: “Cần phát huy vai trò của những cán bộ tại khu phố vì đây là nguồn tin báo cháy, xác minh tin báo cháy nhanh chóng, chính xác. Người đứng đầu các phường, xã mà nhất là chủ tịch UBND phải coi trọng công tác này, thường xuyên nhắc nhở, trực tiếp kiểm tra. Các phòng nghiệp vụ cũng cần chú ý tham mưu cho UBND thành phố về công tác tuyên truyền PCCC có liên quan đến lĩnh vực mình phụ trách”.
Theo UBND một số phường tại TP.Biên Hòa, không phải chờ đến khi Nghị định 136/2020/NĐ-CP được ban hành, phân cấp cơ sở về cho UBND cấp xã mà thời gian qua các địa phương luôn coi trọng công tác PCCC. Qua nhiều năm đã rút ra được những kinh nghiệm trong ngăn ngừa, xử lý ban đầu các đám cháy nhỏ, ngăn ngừa cháy lan, cháy lớn. Tuy nhiên, có thể nói rằng Nghị định 136/2020/NĐ-CP là cơ sở pháp lý quan trọng để chính quyền cơ sở thực hiện quyền và trách nhiệm của mình trong công tác quản lý PCCC trên địa bàn. Khó khăn hiện nay là lực lượng cán bộ, phường, xã không có cán bộ chuyên trách về công tác kiểm tra an toàn PCCC nên các địa phương mong ngành Công an sớm triển khai về nghiệp vụ này để lực lượng cơ sở nắm rõ các quy trình, thực hiện theo đúng quy định pháp luật.
Phòng PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh khuyến cáo, hộ gia đình sinh sống kết hợp với sản xuất, kinh doanh phải bảo đảm các điều kiện an toàn về PCCC như nhà ở phải bố trí hệ thống điện, bếp đun nấu, nơi thờ cúng bảo đảm an toàn; các chất dễ cháy, nổ phải để xa nguồn lửa, nguồn nhiệt; chuẩn bị các điều kiện, phương tiện sẵn sàng chữa cháy. Đồng thời phải có nội quy PCCC, về sử dụng điện, sử dụng lửa và các chất dễ cháy, nổ phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về PCCC hoặc theo quy định của Bộ Công an. Bên cạnh đó cần có giải pháp thoát nạn, ngăn cháy lan, ngăn khói giữa khu vực sinh sống với khu vực sản xuất, kinh doanh.
Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/phapluat/202104/phong-chay-ngay-tu-co-so-3051786/