Phòng cháy như chữa cháy
Phòng cháy và chữa cháy là công tác quan trọng để bảo vệ tài sản Nhà nước, tính mạng và tài sản của Nhân dân, góp phần bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Chữa cháy cực kỳ quan trọng và phòng cháy cũng quan trọng như chữa cháy.
1.Ngày 4/10/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 53/LCT ban hành Pháp lệnh việc quy định Quản lý nhà nước đối với công tác phòng cháy và chữa cháy (PCCC). Đây là văn bản quan trọng đầu tiên, là dấu mốc lịch sử quan trọng đối với công tác PCCC. Pháp lệnh nêu rõ: “Phòng cháy chữa cháy là để bảo vệ tài sản của Nhà nước, tính mạng tài sản của Nhân dân; bảo vệ sản xuất với an ninh trật tự; đồng thời cũng khẳng định công tác PCCC là nghĩa vụ và trách nhiệm của toàn dân và của toàn xã hội”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn lực lượng Cảnh sát PCCC 4 điều, đó là:
- Phải luôn nâng cao cảnh giác, chớ chủ quan tự mãn;
-Phải thường xuyên sẵn sàng nhanh chóng làm tròn nhiệm vụ bất kỳ trong tình hình nào, để bảo vệ tài sản của Nhà nước và Nhân dân;
-Phải không ngừng học tập, nghiên cứu, phát huy sáng kiến, tổng kết kinh nghiệm để tiến bộ hơn nữa trong công việc PCCC;
- Phải thường xuyên hướng dẫn và bồi dưỡng nghiệp vụ cho lực lượng dân phòng ngày càng tiến bộ để họ trở thành người giúp việc thật đắc lực cho lực lượng PCCC.
Ngày 31/5/1991, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) có Chỉ thị số 175/TTg về công tác PCCC trong đó quy định lấy ngày 4/10 hằng năm là Ngày truyền thống toàn dân PCCC. Ngày 2/6/1996, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 369/QĐ-TTg xác định hằng năm lấy ngày 4/10 là “Ngày PCCC toàn dân”. Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ 9 thông qua Luật Phòng cháy và Chữa cháy, có hiệu lực thi hành từ ngày 4/10/2001. Những quyết định của Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ cho thấy công tác PCCC là cực kỳ quan trọng.
2.Thời gian qua, mặc dù đã có rất nhiều nỗ lực trong phòng cháy, nhưng trên phạm vi cả nước vẫn xuất hiện những vụ cháy. Trong đó, có những vụ cháy để lại hậu quả rất lớn. Đặc biệt, đối với vùng núi, nơi có nhiều bà con dân tộc thiểu số sinh sống, nạn cháy rừng vẫn xảy ra. Kể từ đầu năm 2019 đến nay, cả nước vẫn có những vụ cháy rừng lớn, thiêu rụi hàng trăm héc ta rừng. Trong số những vụ cháy rừng đó, có thể kể đến: Vụ cháy rừng trong đêm ở Điện Biên; Cháy rừng trên bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng); Cháy rừng cùng lúc 4 nơi ở Thừa Thiên-Huế; Cháy lớn ở rừng Hà Tĩnh…
Với vụ cháy rừng ở Hà Tĩnh, bắt đầu từ 12 giờ trưa ngày 28/6, tại khu vực đồi thông liền kề hai xã Xuân Hồng và thị trấn Xuân An (huyện Nghi Xuân). Hơn 1.000 người được huy động ứng cứu vụ cháy rừng này. Khoảng 80 hộ dân với trên 300 người ở xã Xuân An buộc phải di chuyển đến nơi an toàn. Nguyên nhân của vụ cháy được xác định là do một người dân vô ý khi đốt cành cây trong vườn nhà đã làm ngọn lửa bùng phát, lan rộng.
Với vụ cháy rừng trong đêm ở Điện Biên, ngọn lửa bùng phát vào lúc 19h30 phút ngày 14/5, tại đội 15, xã Noong Luống, huyện Điện Biên. Để ứng cứu, dập lửa, khống chế vụ cháy, hàng trăm người đã được huy động đến hiện trường tham gia dập lửa. Do đám cháy xảy ra trong đêm, lại gặp gió to nên việc chữa cháy là vô cùng khó khăn. Đến khoảng 11 giờ đêm, có nghĩa là sau 4 giờ ngọn lửa mới cơ bản được khống chế. Đây là cánh rừng sản xuất đã được giao cho cộng đồng dân cư đội 15, xã Noong Luống quản lý, các diện tích rừng bị cháy chủ yếu là cây bụi, luồng (tre nứa)...
Tại Thừa Thiên-Huế, ngày 28/6, cháy rừng cùng lúc xảy ra tại 4 nơi, khiến hàng chụ hộ dân phải sơ tán khẩn cấp. Điểm cháy thứ nhất thuộc phường Hương Hồ ở thị xã Hương Trà, đoạn gần khu du lịch Về Nguồn. 3 điểm cháy còn lại xảy ra ở phường Thủy Phương, phường Thủy Châu và xã Phú Sơn thuộc thị xã Hương Thủy. Toàn bộ các lực lượng ở các địa phương gồm kiểm lâm, bộ đội, công an, dân quân tự vệ cùng 100 lính cứu hỏa, nhiều xe cứu hỏa, các phương tiện chữa cháy đã điều động đến hiện trường dập lửa. Buổi chiều, các đám cháy cơ bản đã dập tắt, tuy nhiên tới tối do gió thổi mạnh, cháy lại bùng lên, khiến công tác chữa cháy phải triển khai hết cả đêm…
3.PCCC là nhiệm vụ rất quan trọng, được các địa phương coi trọng, tuy nhiên những nguyên nhân gây cháy vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ. Cụ thể, trong những thời điểm nắng nóng gay gắt kéo dài, rừng khô nỏ rất dễ cháy nhưng nhiều nơi không chủ động được nguồn nước, nên khi cháy bùng ra thì việc chữa cháy gặp rất nhiều khó khăn. Mặt khác, việc tuyên truyền, cảnh báo đến người dân về nguy cơ gây cháy cũng không được tiến hành thường xuyên. Vì thế, ý thức PCCC của người dân một số địa phương, nhất là địa phương có rừng chưa được nâng lên.
Đáng chú ý, trong khi dọn nương rẫy chuẩn bị cho vụ gieo trồng mới, một số người dân đã không cẩn thận khi đốt lửa, khiến cho đám cháy lan ra khỏi khu vực nương của mình tạo ra đám cháy lớn, có khi là rất lớn. Một số người khi vào rừng cũng thiếu ý thức PCCC nên đã làm cháy những thảm thực bì khô, từ đó trở thành vụ cháy lớn. Hút thuốc trong rừng, hoặc đốt lửa khi lấy mật ong rừng…, cũng rất có thể gây ra hỏa hoạn.
Để phòng cháy ngay từ đầu, hạn chế tối đa các vụ cháy, nhất là cháy rừng thì điều quan trọng là phải tuyên truyền, giải thích, vận động để người dân hiểu rõ các nguyên nhân gây ra cháy, từ đó hình thành ý thức PCCC. Công việc này phải được làm thường xuyên, liên tục, kể cả trong thời điểm nguy cơ cháy ít. Chỉ có như vậy việc phòng cháy mới thu được hiệu quả cao.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dan-toc/phong-chay-nhu-chua-chay-tintuc450044