Phòng cháy tại các cơ sở thờ tự

Thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán (khoảng từ rằm tháng Chạp đến rằm tháng Giêng) là lúc các cơ sở thờ tự (chùa, đền, miếu...) đông người đến viếng, thắp nhang. Việc thắp nhang liên tục, với số lượng lớn, trong không gian chật chội kết hợp với thời tiết nắng nóng dẫn đến nguy cơ cháy, nổ cao.

Ban tế tự chùa Ông (phường Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) thường xuyên kiểm tra các bình chữa cháy xách tay được đặt ở các góc gian thờ. Ảnh: Đăng Tùng

Ban tế tự chùa Ông (phường Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) thường xuyên kiểm tra các bình chữa cháy xách tay được đặt ở các góc gian thờ. Ảnh: Đăng Tùng

* Nguy cơ cao với nguồn nhiệt lớn

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đồng Nai, từ rằm tháng Chạp đến nay, tại nhiều cơ sở thờ tự ở TP.Biên Hòa có rất đông người dân đến viếng. Hầu như mỗi người đều cầm trên tay một bó nhang cháy nghi ngút. Trong khi đó, tại nhiều cơ sở thờ tự treo nhiều tấm vải, cờ, tranh giấy... là những vật rất dễ bắt cháy.

Tại một ngôi chùa lớn ở phường Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa), mặc dù ngôi chùa này có cung cấp nhang miễn phí và treo bảng nhắc nhở người dân đi viếng, lễ chỉ nên thắp mỗi người một số nhang nhất định, tránh việc đem quá nhiều nguồn lửa vào các gian điện, nhưng rất ít người chú ý đến các quy định trên. Tâm lý nhiều người đến chùa là càng thắp nhiều nhang càng tốt nên mỗi người đến viếng chùa lại mua một bó nhang dẫn đến nguy cơ cháy tăng cao.

Trung tá Nguyễn Thành Trung, Đội trưởng Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ Công an TP.Biên Hòa nhận định: “Người đi viếng, lễ chùa vào thời điểm này chủ yếu là người cao tuổi, có thêm trẻ em, vì vậy trong không gian đông người, nhiều nhang, khói rất dễ bị ngạt, các cơ sở thờ tự lại luôn có nhiều chất cháy như: dầu, vải, gỗ. Bên cạnh đó, nhiều nơi xảy ra tình trạng kẹt xe, hoặc đông người vào viếng cùng lúc lại vô tình thu hẹp lối thoát hiểm nếu không may sự cố xảy ra”.

* Cần chủ động kiểm soát nguồn nhiệt

Mặc dù trên địa bàn Đồng Nai, từ đầu năm 2020 đến nay không xảy ra vụ cháy nào ở các cơ sở tôn giáo, thờ tự nhưng cũng trong tháng 1 vừa qua trên cả nước xảy ra một số vụ cháy lớn tại các cơ sở thờ tự khiến nhiều người hoảng hốt. Cụ thể như vụ cháy ngôi chùa hơn 1 ngàn năm tuổi mang tên Knong-Srok (còn gọi là chùa Qui Nông, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh) vào ngày 16-1; hay vụ cháy xảy ra tại di tích chùa Cự Đà, huyện Gia Lâm (TP.Hà Nội).

Để giảm nguy cơ cháy và thiệt hại do cháy gây ra, nhiều cơ sở tôn giáo, thờ tự cũng đã triển khai nhiều biện pháp PCCC. Cụ thể như tại chùa Phước Viên (phường Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) khoảng 2-3 năm nay đã có quy định mỗi người đến viếng chỉ nên thắp một lượng nhang nhất định do chùa cung cấp, tránh mua nhang bên ngoài khiến không gian trong các điện ngợp khói. Hay tại chùa Ông (phường Hiệp Hòa) ngay từ cổng, các gian điện đều có người túc trực để nhắc nhở người đi viếng không thắp nhiều nhang, lấy bớt nhang cháy để giảm khói, giảm nguy cơ cháy.

Ông Dương Nguyên, Trưởng ban tế tự chùa Ông cho hay: “Cứ 6 tháng, chúng tôi lại cho bảo trì, bảo dưỡng các bình chữa cháy xách tay một lần. Từ rằm tháng Chạp đến rằm tháng Giêng, chúng tôi có huy động thêm người để túc trực từ lối vào đến các gian điện để nhắc nhở khách đi viếng thắp ít nhang. Ban đêm, các đèn cầy phải được dập tắt hết, hệ thống điện kiểm tra kỹ chúng tôi mới về. Riêng các khoanh nhang vòng thời gian cháy lâu được bố trí ở các “giếng trời” không bén vào mái các gian điện”.

Một số địa phương cũng triển khai đôn đốc, nhắc nhở các cơ sở tôn giáo, thờ tự ngay từ trước Tết cần chú ý công tác đảm bảo an toàn PCCC. Như tại huyện Trảng Bom, ngay từ trước Tết, Công an huyện Trảng Bom đã phối hợp với Phòng Nội vụ huyện cùng UBND các xã, thị trấn tổ chức kiểm tra công tác đảm bảo an toàn PCCC tại 24 cơ sở tôn giáo có quy mô lớn trên địa bàn huyện.

Đại úy Nguyễn Đức Hiến, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an huyện Trảng Bom cho biết: “Qua kiểm tra, chúng tôi đã nhắc nhở người đứng đầu một số cơ sở thờ tự phải tự kiểm tra lại tất cả các thiết bị điện, dây dẫn điện…, thay thế các thiết bị hư hỏng, không an toàn. Ngoài ra, chúng tôi cũng lồng ghép công tác tuyên truyền về PCCC, hướng dẫn lực lượng PCCC tại chỗ cách thức sử dụng phương tiện PCCC được trang bị, nhằm giúp cho lực lượng tại chỗ có thể xử lý kịp thời các tình huống cháy, nổ xảy ra một cách hiệu quả”.

Thượng tá Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh khuyến cáo, để hạn chế nguy cơ cháy và thiệt hại do cháy gây ra tại các cơ sở thờ tự, người đi viếng, thắp nhang cần tuân theo hướng dẫn về số lượng nhang mỗi người được thắp tại các cơ sở. Quá trình cầm nhang di chuyển cũng cần chú ý các tấm vải, màn, tranh giấy... được treo, tránh làm bén lửa. Người đứng đầu các cơ sở thờ tự cũng cần chú ý kiểm tra nguồn điện, nguồn nhiệt, lối thoát hiểm thường xuyên.

Đăng Tùng

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/phapluat/202002/phong-chay-tai-cac-co-so-tho-tu-2986645/