Phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em thông qua phiên tòa giả định

Ngày 14/8, Ban Chính sách - Luật pháp, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bình Phước, Chi hội Luật sư thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh tổ chức chương trình tư vấn pháp luật về phòng, chống bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em thông qua phiên tòa giả định tại xã Lộc Khánh (huyện Lộc Ninh) và xã Long Tân (huyện Phú Riềng) của tỉnh Bình Phước.

Chương trình tổ chức phiên tòa giả định là vụ án "Cố ý gây thương tích”.

Chương trình tổ chức phiên tòa giả định là vụ án "Cố ý gây thương tích”.

Chương trình tại hai xã đã thu hút trên 600 người là hội viên, phụ nữ, trẻ em và đông đảo người dân trên địa bàn đến tham gia. Đây là những địa phương thuộc vùng sâu, biên giới, đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đời sống người dân vẫn còn nhiều khó khăn...

Trong chương trình, tình huống pháp luật được đưa ra tại phiên tòa giả định là vụ án "Cố ý gây thương tích” theo Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Phiên tòa giả định đã chuyển tải thông điệp về phòng ngừa những hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.

Có mặt tại chương trình, chị Nguyễn Thị Tươi ở xã Long Tân chia sẻ, chương trình đã giúp chị và mọi người trên địa bàn xã hiểu thêm những quy định về phòng, chống bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em. Lần đầu tiên tham gia chương trình, em Điểu Thị Hạnh, người dân tộc S’tiêng bày tỏ mong muốn sẽ có thêm nhiều chương trình bổ ích về pháp luật giúp người dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em được tiếp thu đầy đủ kiến thức phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, từ đó chủ động phòng tránh.

Theo bà Phan Thị Quỳnh Như, Phó Trưởng ban Chính sách - Luật pháp, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, chương trình được tổ chức nhằm lan tỏa rộng rãi thông điệp về bình đẳng giới, chung tay phòng, chống bạo lực, xâm hại với phụ nữ, trẻ em; thu hút sự quan tâm cũng như đề cao vai trò trách nhiệm, tính chủ động tham gia hành động của các cá nhân, gia đình, cộng đồng, các cơ quan, tổ chức trong việc tăng quyền năng, tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái, để họ được đảm bảo sự phát triển toàn diện. Đây cũng là dịp để các cấp hội phụ nữ nâng cao hiệu quả và đổi mới trong hình thức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật.

Đông đảo học sinh tham gia chương trình.

Đông đảo học sinh tham gia chương trình.

“Chương trình đã góp phần nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên của hội làm công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tại địa phương, nâng cao hiểu biết để chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới; tạo kỹ năng bảo vệ, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực xâm hại đối với phụ nữ, trẻ em, góp phần xây dựng một cộng đồng an toàn, bình đẳng, không bạo lực xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái”, bà Phan Thị Quỳnh Như nhấn mạnh.

Ngoài xã Lộc Khánh và Long Tân, sáng 15/8, Ban Chính sách - Luật pháp, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với địa phương, đơn vị liên quan tổ chức tư vấn pháp luật lồng ghép với phiên tòa giả định về phòng, chống xâm hại phụ nữ và trẻ em tại xã Thống Nhất (huyện Bù Đăng).

Tin, ảnh: K gưỉH (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/van-de-quan-tam/phong-chong-bao-luc-doi-voi-phu-nu-va-tre-em-thong-qua-phien-toa-gia-dinh-20240814192723514.htm