Phòng, chống bạo lực gia đình: Cần thêm những giải pháp thiết thực

Theo thống kê của cơ quan chức năng, từ tháng 1/2015 đến nửa đầu năm 2019, toàn tỉnh có 1.141 vụ bạo lực gia đình (BLGĐ) được tố giác, phát hiện. Trong đó có 804 vụ bạo lực tinh thần, chiếm 55,8%; bạo lực thân thể 427 vụ, chiếm 29,6%; bạo lực kinh tế 187 vụ, chiếm 13%… Nạn nhân chủ yếu là phụ nữ , trẻ em. Dù đã có sự vào cuộc khá tích cực của các cấp, ngành chức năng, nhưng BLGĐ vẫn chưa thuyên giảm.

Một buổi truyền thông về kỹ năng phòng, chống bạo lực gia đình của Hội LHPN xã Piềng Vế (Mai Châu).

Một buổi truyền thông về kỹ năng phòng, chống bạo lực gia đình của Hội LHPN xã Piềng Vế (Mai Châu).

Tuyên truyền thôi… chưa đủ!

Đó là tâm tư của đồng chí Nguyễn Văn Trường, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL. Thực tế, để góp phần đẩy lùi tình trạng BLGĐ, hàng năm, Sở VH-TT&DL tham mưu cho Ban chỉ đạo công tác gia đình tỉnh triển khai Luật Phòng chống BLGĐ, Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và gia đình và các văn bản quy phạm pháp luật khác đến với người dân. Phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể tổ chức các cuộc mít tinh, tọa đàm, hội thi, hội diễn, tuyên truyền, cổ động trực quan… về chủ đề về phòng, chống BLGĐ.

Theo đó, toàn tỉnh đã xây dựng được 79 panô tuyên truyền; treo 9.372 băng rôn; tổ chức 5.397 buổi tuyên truyền lưu động và tuyên truyền lồng ghép; thực hiện 29.316 lượt tuyên truyền trên loa phát thanh; tổ chức 9.547 cuộc mít tinh, tọa đàm, 22.290 cuộc nói chuyện chuyên đề… về gia đình, phòng, chống BLGĐ. Bên cạnh đó, 1.181 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững trong toàn tỉnh duy trì sinh hoạt định kỳ hàng tháng, quý để tuyên truyền, triển khai các nội dung về bình đẳng giới, phòng chống BLGĐ, hôn nhân và gia đình… nhằm ngăn chặn và giải quyết kịp thời khi có hành vi BLGĐ hoặc nguy cơ BLGĐ xảy ra. Tuy nhiên, nhìn vào số vụ BLGĐ được phát hiện trong thời gian qua cho thấy: hiệu quả công tác tuyên truyền chưa cao.

Cần thêm chế tài để xử lý

Tham mưu cho tỉnh những giải pháp nhằm giảm thiểu BLGĐ, xây dựng gia đình phát triển bền vững…, ngành VH-TT&DL đã đề ra một số giải pháp như: Tiếp tục nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về phòng, chống BLGĐ. Củng cố, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống BLGĐ ở cơ sở. Thường xuyên kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện pháp luật, chính sách về phòng, chống BLGĐ. Xử lý kịp thời các hành vi BLGĐ theo quy định của pháp luật.

Từ những khó khăn, bất cập dẫn đến hiệu quả công tác phòng, chống BLGĐ trên địa bàn chưa cao, Sở VH-TT&DL đề nghị: Trong thời gian tới, Bộ VH-TT&DL sớm hoàn thiện các văn bản hướng dẫn liên tịch với các bộ, ngành Trung ương về phòng, chống BLGĐ. Một mặt hướng dẫn chi tiết việc triển khai Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ tuyên truyền về phòng, chống BLGĐ cho đội ngũ cán bộ thực hiện công tác gia đình và phòng, chống BLGĐ các cấp. Có quy định hướng dẫn can thiệp, xử lý kịp thời các vụ BLGĐ. Tổ chức góp ý, phê bình tại cộng đồng dân cư đối với người gây BLGĐ. Áp dụng các biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc đối với những người có hành vi BLGĐ. Ngành Tòa án cần thực hiện thí điểm việc xét xử lưu động các vụ án hình sự có liên quan đến BLGĐ tại địa bàn xảy ra vụ án để tạo sự răn đe. Đề nghị tỉnh bổ sung thêm nguồn kinh phí cho công tác gia đình và phòng, chống BLGĐ các cấp, đặc biệt là cấp xã, để đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động phòng, chống BLGĐ ở cơ sở.

Thúy Hằng

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/274/135111/phong,-chong-bao-luc-gia-dinh-can-them-nhung-giai-phap-thiet-thuc.htm