Phòng, chống bạo lực gia đình: Còn nhiều khó khăn

Hiện nay, dù các cấp, ngành, địa phương đã rất nỗ lực song tình trạng bạo lực gia đình vẫn tồn tại âm ỉ. Bạo lực gia đình đang là một trong những nguyên nhân chính đẩy nhiều gia đình đến bờ vực thẳm...

Hiện nay, dù các cấp, ngành, địa phương đã rất nỗ lực song tình trạng bạo lực gia đình (BLGĐ) vẫn tồn tại âm ỉ. BLGĐ đang là một trong những nguyên nhân chính đẩy nhiều gia đình đến bờ vực thẳm...

Số vụ giảm…

Từ năm 2016 đến nay, đã có đến 380 vụ BLGĐ xảy ra trên địa bàn toàn tỉnh, tập trung chủ yếu ở khu vực miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh. Theo thống kê, số vụ BLGĐ trên địa bàn tỉnh hàng năm giảm đáng kể; năm 2016: 135 vụ, năm 2017: 126 vụ, năm 2018: 92 vụ và 6 tháng đầu năm 2019 chỉ có 27 vụ. Tuy trong những năm gần đây, số vụ BLGĐ có phần giảm nhưng để hạn chế tối đa là rất khó. “Do đặc thù ở huyện miền núi đa số là người đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí thấp và họ vẫn giữ phong tục tập quán truyền thống, tư tưởng gia trưởng, gia quyền vẫn chưa được xóa bỏ nên BLGĐ vẫn thường xuyên xảy ra”, bà Lê Thị Thanh Hậu - chuyên viên Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Khánh Vĩnh nói.

 Các thành viên Câu lạc bộ Phụ nữ phòng, chống bạo lực gia đình xã Ninh Trung, thị xã Ninh Hòa tuyên truyền tại nhà dân.

Các thành viên Câu lạc bộ Phụ nữ phòng, chống bạo lực gia đình xã Ninh Trung, thị xã Ninh Hòa tuyên truyền tại nhà dân.

Mặc dù đối tượng gây ra BLGĐ thường rơi vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng tại đồng bằng tình trạng BLGĐ vẫn không phải là hiếm. Nó thường rơi vào những hộ gia đình nghèo. “Các trường hợp BLGĐ xảy ra trên địa bàn huyện đa phần là những gia đình có kinh tế khó khăn nên thường xảy ra mâu thuẫn dẫn đến chồng bạo hành vợ, bản thân người vợ cũng không hiểu biết và cam chịu vì muốn gia đình êm ấm”, ông Nguyễn Anh Vũ - Phó Trưởng phòng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Cam Lâm cho biết.

BLGĐ để lại nhiều hậu quả cho gia đình và xã hội. Nạn nhân của nạn BLGĐ thường lo sợ, bất an, tan vỡ hạnh phúc gia đình, và có khi còn ảnh hưởng đến tính mạng. “Năm 2016, một vụ BLGĐ xảy ra ngay tại TP. Nha Trang. Người chồng sau khi đi nhậu về không cần lý do đã dùng nồi cơm điện, ghế gỗ liên tiếp đánh vào đầu vợ mình khiến chị ấy bị chấn thương sọ não. Sau bao nhiêu năm, cả gia đình ấy giờ không ai muốn nhắc về chuyện quá khứ đó cả”, bà Vũ Thị Thu Hằng - Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Vĩnh Hải (TP. Nha Trang) nói.

Ngoài ra, khi nạn nhân bị BLGĐ, hậu quả sẽ kéo dài âm ỉ và có thể gây tổn hại tới sức khỏe tinh thần của nạn nhân như trầm cảm và sang chấn tâm lý do phải sống trong u uất, buồn bã.

Còn nhiều hạn chế

Thực hiện đề án “Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam” giai đoạn 2016 - 2020 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đến nay, ở các huyện, thị xã, thành phố đã thực hiện triển khai và nhân rộng được 75 mô hình phòng, chống BLGĐ. Tại Khánh Vĩnh, Sở Văn hóa và Thể thao đã triển khai lồng ghép công tác tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về Luật Bình đẳng giới tại 2 xã Khánh Hiệp và Khánh Thượng.

Nhìn chung, công tác gia đình và phòng, chống BLGĐ đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, số vụ BLGĐ được phát hiện chỉ là bề nổi. “Hiện nay, việc thống kê, tổng hợp, báo cáo số liệu về gia đình và phòng, chống BLGĐ ở cơ sở còn chậm, số liệu chưa thật sự chính xác”, ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết.

Theo thống kê, đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 805 cơ sở tư vấn về phòng, chống BLGĐ, 755 cơ sở trợ giúp nạn nhân BLGĐ và 2.094 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng. Nạn nhân bị BLGĐ đa phần là phụ nữ. Từ năm 2016 đến 2018, cơ quan chức năng, đoàn thể đã hòa giải được 262 vụ, xử lý hình sự 13 vụ, xử phạt vi phạm hành chính 7 vụ và áp dụng biện pháp giáo dục 18 vụ.

Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý các vụ BLGĐ thời gian qua còn gặp rất nhiều khó khăn do sự hợp tác của gia đình và nạn nhân thiếu tích cực. “Nạn nhân còn e ngại không mạnh dạn trình báo cơ quan chính quyền để được bảo vệ và kịp thời xử lý hành vi sai trái đối với người gây ra BLGĐ”, bà Lê Thị Ngọc Tuyền - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Nha Trang nói.

Ngoài ra, sự quan tâm của chính quyền địa phương đối với công tác này vẫn chưa đầy đủ. Việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi BLGĐ chưa nghiêm minh, thiếu kiên quyết, vì thế bạo lực vẫn tiếp tục xảy ra mà không được ngăn chặn kịp thời. “Ở các huyện miền núi, giao thông đi lại khó khăn, vì vậy, công tác tuyên truyền chưa được đẩy mạnh và chưa đáp ứng được yêu cầu. Đời sống của nhân dân ở vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế nên họ cũng ít quan tâm đến những vấn đề này”, bà Lê Thị Thanh Hậu bày tỏ.

Ngoài ra, đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình ở cơ sở chưa ổn định, đa số kiêm nhiệm và luân chuyển công tác thường xuyên, ít được bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ nên chất lượng công tác chưa cao. Công tác tuyên truyền tuy được đẩy mạnh nhưng chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. “Nguyên nhân chủ yếu là do kinh phí cho công tác gia đình và phòng, chống BLGĐ ở cơ sở còn hạn chế, chưa được hướng dẫn cụ thể”, ông Hoa nói.

THANH TRÚC

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/201906/phong-chong-bao-luc-gia-dinh-con-nhieu-kho-khan-8118844/