Phòng chống bạo lực gia đình sẽ không hiệu quả nếu địa phương đứng ngoài cuộc

Quan điểm này đã được nêu ra trong buổi làm việc giữa Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy với các vụ chuyên môn là Vụ Gia đình và Vụ Pháp chế để tiến tới việc thành lập Tổ công tác sửa đổi Luật Phòng chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ).

Dự thảo Báo cáo kết quả sau hơn 10 năm triển khai, thực hiện Luật PCBLGĐ cho thấy có những khó khăn, vướng mắc nảy sinh khi triển khai văn bản hướng dẫn thi hành Luật.

Quá trình thực hiện Luật thấy rõ việc xử lý các vụ việc BLGĐ chỉ tập trung vào hòa giải và phạt hành chính không có tính răn đe, nên vi phạm tiếp tục tái diễn. Sự phối hợp giữa các Bộ, Ban, ngành, các cơ quan, đơn vị trong việc thực thi Luật còn chưa hiệu quả. Các cơ sở hỗ trợ nạn nhân nhà tạm lánh, các hỗ trợ về chăm sóc, tư vấn tâm lý, y tế chưa phát huy...

Điều đáng nói là Luật PCBLGĐ quy định trách nhiệm của cá nhân, gia đình và tổ chức nhưng không gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong thực thi nhiệm vụ PCBLGĐ.

Ví dụ như quy định UBND cấp xã trong báo cáo trước HĐND cùng cấp về tình hình kinh tế - xã hội phải có nội dung về tình hình và kết quả PCBLGĐ tại địa phương nhưng sau gần 10 năm thi hành, Bộ VHTTDL không có thông tin về việc báo cáo này.

Qua kiểm tra ở các địa phương thì không địa phương nào đưa nội dung PCBLGĐ vào báo cáo HĐND cùng cấp như quy định.

Hồng Minh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dan-sinh/phong-chong-bao-luc-gia-dinh-se-khong-hieu-qua-neu-dia-phuong-dung-ngoai-cuoc-514496.html