Phòng, chống bạo lực học đường ở Yên Bái

Tại một số nơi trong tỉnh Yên Bái, bạo lực học đường diễn ra khá nghiêm trọng cả về mức độ và hành vi. Để ngăn chặn, ngành giáo dục đào tạo Yên Bái cùng các cơ quan chức năng địa phương đã nhận diện rõ nguyên nhân và triển khai các biện pháp quyết liệt để phòng, chống.

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Yên Bái xảy ra một số vụ bạo lực học đường cả trong và ngoài nhà trường, được phát tán trên mạng xã hội. Điển hình như trung tuần tháng 2 năm nay, thành phố Yên Bái ghi nhận 2 vụ học sinh xô xát, đánh nhau phát tán trên mạng xã hội tại khu vực công viên Yên Hòa, phường Nguyễn Thái Học và Công viên Đồng Tâm, phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái.

Các clip cho thấy, dù đang ở lứa tuổi học sinh THCS và THPT, nhưng các em đã tung những cú đánh, đạp không ghê tay về phía đối thủ, cũng là anh, em, là bạn bè cùng trang lứa với mình; những bạn không tham gia đánh lộn thì đứng xem, bàn tán, quay clip...

Học sinh đánh nhau (ảnh từ clip).

Học sinh đánh nhau (ảnh từ clip).

Cả 2 vụ việc sau đó đã được Công an thành phố Yên Bái làm rõ. Thượng úy Bùi Hải Nam - Đội Cảnh sát hình sự, Công an thành phố Yên Bái cho biết, nguyên nhân dẫn đến vụ việc đều xuất phát từ những mâu thuẫn rất nhỏ. Sau khi lời qua tiếng lại trên mạng xã hội, các em đã hẹn gặp nhau và giải quyết mâu thuẫn bằng chân tay.

"Trước thực trạng này, lãnh đạo Công an thành phố Yên Bái đã chỉ đạo Đội CSHS phối hợp với Công an phường, nhà trường tiến hành gọi hỏi, răn đe, giáo dục các cháu. Phối hợp với nhà trường tiến hành kiểm điểm, cam kết không để tái phạm hành vi. Đồng thời tuyên truyền, phổ biến pháp luật để các cháu biết được hành vi của mình là sai trái. Bên cạnh đó phối hợp với gia đình quản lý các cháu, tránh các cháu giao du với những đối tượng xấu, tụ tập dẫn đến đánh nhau", Thượng úy Bùi Hải Nam nói.

Đó mới chỉ là 2 trong số hàng chục vụ bạo lực học đường xảy ra trên địa bàn tỉnh Yên Bái được ghi nhận trong những năm gần đây. Các vụ việc xảy ra chủ yếu ở lứa tuổi học sinh cấp 2 và cấp 3.

Nguyên nhân dẫn đến các vụ bạo lực học đường thường xuất phát từ việc trêu đùa nhau trong quá trình sinh hoạt, học tập; tác động của mạng xã hội hoặc nói xấu nhau trên mạng xã hội; tâm, sinh lý có nhiều thay đổi của lứa tuổi học sinh; một bộ phận cha mẹ học sinh thiếu quan tâm đến diễn biến tâm lý, tình cảm của con em mình để uốn nắn kịp thời những lệch lạc. Ngoài ra, vai trò của một số tổ chức đoàn, hội, đội và giáo viên chủ nhiệm tại một số nhà trường chưa thực sự phát huy hiệu quả.

Một tiết sinh hoạt dưới cờ của Trường THCS thị trấn Yên Bình bao gồm cả nội dung tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho học sinh.

Một tiết sinh hoạt dưới cờ của Trường THCS thị trấn Yên Bình bao gồm cả nội dung tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho học sinh.

Để giúp các em biết cách ứng xử chuẩn mực trong lứa tuổi đầy biến động này, các trường học trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã xây dựng kế hoạch bồi đắp những khiếm khuyết cho các em; làm cho môi trường giáo dục thực sự an toàn và lành mạnh.

Cô giáo Bùi Thị Kim Thoa, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình cho biết: "Trong mỗi một lớp thì cũng đã xây dựng mô hình “điều em muốn nói”.Ở đó các em có thể phát huy khả năng của mình và thể hiện tâm tư, tình cảm mà các em muốn nói với các thầy cô giáo. Chúng tôi cũng đã thành lập Tổ tư vấn học đường giúp đỡ cho những em có hoàn cảnh đặc biệt, giúp đỡ xử lý các tình huống xảy ra mà các em không tự giải quyết được", cô Thoa cho biết.

Bạo bạo lực học đường không chỉ gây tổn thương về thể chất, tinh thần, mà còn có thể để lại di chứng đối với sự phát triển trong tương lai của học sinh bị bạo lực.

Vì vậy, theo ông Đào Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái, thời gian tới, ngành sẽ đặc biệt quan tâm đến giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh để các em phát triển hài hòa cả thể chất, trí tuệ, tâm hồn và đạo đức trong sáng.

"Chúng tôi tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo các phòng giáo dục, cơ sở giáo dục có biện pháp quyết liệt để phòng chống bạo lực học đường. Tăng cường các hoạt động tập thể, giáo dục kỹ năng sống, giáo dục pháp luật, giáo dục về phòng chống bạo lực học đường trong chương trình chính khóa cũng như là hoạt động giáo dục của nhà trường. Thường xuyên có thông tin 2 chiều giữa nhà trường với cha mẹ học sinh về tình hình học tập, rèn luyện của từng em học sinh để thống nhất biện pháp giáo dục", ông Tuấn nói.

Ngăn chặn, đẩy lùi bạo lực học đường chính là một trong những yếu tố góp phần xây dựng thành công “Trường học hạnh phúc” ở Yên Bái trong những năm tới. Tuy nhiên, để điều này được thực hiện hiệu quả, ngoài nâng cao ý thức, nhận thức cho học sinh thì rất cần có sự phối hợp tốt, thường xuyên giữa nhà trường, xã hội và đặc biệt là phía gia đình học sinh./.

Thừa Xuân/VOV-Tây Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/phong-chong-bao-luc-hoc-duong-o-yen-bai-post938917.vov