Phòng, chống bệnh dại trong cộng đồng

Vừa qua, một trường hợp ở thôn Duyên Linh, xã Đình Cao (Phù Cừ) đã tử vong thương tâm do dương tính với vi rút dại. Cụ thể, khoảng tháng 9/2022, anh Trần Văn V. đã đánh đuổi một con chó hoang khi vào ăn thức ăn của đàn gia cầm. Anh V. bị con chó cắn vào bàn tay, con chó bị đánh chết. Sau khi bị chó cắn, anh V. không thông báo với người nhà, không đi tiêm vắc xin phòng dại. Ngày 8/11, anh V. có biểu hiện: Mệt mỏi, sợ ánh sáng, không uống được nước… Sau khi được thăm khám và lấy mẫu bệnh phẩm, anh V. dương tính với vi rút dại và tử vong sau đó. Sự việc trên cho thấy vì sự chủ quan nhưng để lại hậu quả đau lòng.

Nhân viên thú y- khuyến nông xã Hải Triều (Tiên Lữ) tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho chó.

Đồng chí Quách Thị Xim, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Phù Cừ cho biết: Trạm thú y huyện đã tham mưu với UBND huyện ban hành văn bản chỉ đạo công tác tiêm vắc xin phòng dại cho toàn bộ đàn chó, mèo trên địa bàn. Tập trung tiến hành điều tra thông tin tình hình dịch bệnh và khuyến cáo người dân khi phát hiện chó, mèo có các biểu hiện khác thường như: Ốm, sốt, bỏ ăn, chảy dãi nhiều, liệt chi, cào, cắn người… cần báo ngay cho nhân viên thú y – khuyến nông, lực lượng thú y viên để có biện pháp xử lý kịp thời.

Bệnh dại là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính của hệ thống thần kinh trung ương do vi rút dại gây ra. Vi rút dại lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu từ chó, mèo. Giai đoạn phát bệnh dại xuất hiện với các biểu hiện như: Mất ngủ, sợ ánh sáng, tiếng động, gió, nước và vã mồ hôi, hạ huyết áp, cuối cùng dẫn đến tử vong. Mặc dù bệnh dại không phải là mới, việc tuyên truyền bệnh dại cũng được các ngành chức năng phối hợp với các địa phương tăng cường thực hiện nhưng nhiều người dân vẫn còn tâm lý lơ là, chủ quan. Các trường hợp bị động vật nghi dại cắn hoàn toàn có thể tránh được những hậu quả đáng tiếc nếu được tiêm phòng vắc xin kịp thời, đúng và đầy đủ; nếu để đến giai đoạn phát bệnh thì hiện nay chưa có thuốc chữa.

Trước việc xảy ra tình trạng người bị chó, mèo cắn và có người tử vong do vi rút bệnh dại, Chi cục Thú y đã phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, hướng dẫn UBND cấp xã thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dại ở động vật, đặc biệt là công tác tiêm phòng vắc xin dại cho đàn chó, mèo nuôi, đặc biệt tại huyện Phù Cừ. Tăng cường tuyên truyền nội dung Nghị định số 90/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y để nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh trong cộng đồng. Theo đó, người nuôi chó, mèo thả rông, không tiêm phòng cho động vật nuôi sẽ bị phạt tiền từ 600 đến 800 nghìn đồng cho mỗi mức phạt; trường hợp chủ vật nuôi để chó thả rông cắn người hoặc cản trở phương tiện giao thông gây tai nạn sẽ phải chịu mọi chi phí điều trị và các chi phí liên quan…

Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 70 nghìn con chó, mèo. Mặc dù các ngành chức năng và các cấp chính quyền đã tuyên truyền để người dân chủ động nâng cao ý thức phòng, chống bệnh dại trên vật nuôi, tuy nhiên, tình trạng người dân thả rông chó và không bảo đảm các biện pháp an toàn khi thả chó nơi công cộng vẫn phổ biến. Bà Chu Thị Hương ở xã Văn Nhuệ (Ân Thi) phàn nàn: Tôi thường xuyên đi bộ tập thể dục buổi tối và thấy nhiều chó chạy ngoài đường mà không đeo rọ mõm, không có người dắt. Tôi từng chứng kiến vài trường hợp chó đuổi theo các cháu nhỏ, đuổi theo xe máy dẫn đến tai nạn giao thông. Tôi đề nghị các cơ quan chức năng xử phạt nghiêm các hộ vi phạm.

Công tác triển khai tiêm vắc xin phòng dại cho đàn vật nuôi còn gặp nhiều khó khăn do người dân chưa ý thức được sự nguy hiểm của bệnh dại ở động vật; chưa nắm được những quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh dại cho vật nuôi. Cùng với đó, tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho chó, mèo có tính nguy hiểm cao, thù lao thấp; nhiều chủ vật nuôi không phối hợp trong việc bắt, nhốt chó phục vụ tiêm phòng… Điều này khiến cho tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh dại ở đàn vật nuôi trong tỉnh đạt thấp. Vụ thu đông năm nay, các địa phương đăng ký tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho trên 17,3 nghìn con, chó mèo, chỉ đạt trên 24% tổng đàn chó, mèo toàn tỉnh.

Nhằm chủ động ngăn chặn, không để phát sinh và lây lan bệnh dại ở động vật, cùng với những nỗ lực của các cấp, ngành và các địa phương, người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động tiêm phòng dại cho chó, mèo theo quy định, không thả động vật chạy rông và phải đeo rọ mõm khi ra đường. Trong trường hợp bị chó, mèo cắn, cào… phải đến ngay các cơ sở y tế để được tiêm phòng đầy đủ; đồng thời, báo cáo thông tin cho cơ quan thú y địa phương để giám sát và có biện pháp xử lý kịp thời, tuyệt đối không tự chữa bệnh để phát sinh ổ dịch dại trong cộng đồng.

Hoa Phương

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/xa-hoi/202211/phong-chong-benh-dai-trong-cong-dong-b872aa2/