Phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi: Những khó khăn từ cơ sở
Bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) vẫn đang diễn biến vô cùng phức tạp. Công tác phòng, chống dịch đang gặp rất nhiều khó khăn do thời gian kéo dài, nguồn ngân sách hạn chế, các vấn đề về môi trường và nhiều phát sinh khác.
Phun tiêu độc, khử trùng tại chốt kiểm soát động vật xã Thành Tâm (Thạch Thành). Ảnh: Minh Hằng
Thiếu nguồn lực và chậm hỗ trợ
Xuất hiện trên địa bàn tỉnh từ ngày 23-2, trước diễn biến phức tạp, lây lan, bùng phát nhanh trên diện rộng, các địa phương trong tỉnh đã huy động tối đa nhân lực, vật lực cho các hoạt động lấy mẫu xét nghiệm, tiêu hủy, kiểm soát lưu thông, giết mổ... Hiện toàn tỉnh đã thành lập và tăng cường lực lượng cho 7 chốt liên ngành của tỉnh, 556 chốt kiểm soát (trong đó: 553 chốt kiểm soát của 27 huyện, thị xã, thành phố; 3 chốt kiểm soát cửa khẩu: Tén Tằn, Khẹo, Na Mèo) và 45 tổ kiểm soát lưu động. Tổng số hóa chất huy động để thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh từ đầu năm 2019 đến nay là 104.184 lít; 445,5 tấn vôi bột cùng nhiều vật tư, phương tiện khác. Với nguồn ngân sách dự phòng hạn hẹp, nhiều địa phương đang gặp rất nhiều khó khăn trong công tác huy động lực lượng, bố trí vật tư thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch, nhất là tại các địa phương thời gian dịch kéo dài.
Tại TP Thanh Hóa, dịch bệnh xâm nhiễm từ ngày 15-3 và đến nay đã lan ra 12 xã, phường. Việc huy động lực lượng cho công tác phòng, chống dịch gặp không ít khó khăn do lực lượng thú y mỏng, lượng tiêu thụ thịt lợn trên địa bàn lớn nên hoạt động kiểm soát lưu thông, vận chuyển, giết mổ gặp nhiều khó khăn. Điển hình như tại Đông Lĩnh, đây là xã bùng phát dịch đầu tiên trên địa bàn TP Thanh Hóa vào ngày 15-3 và tái dịch vào ngày 6-5. Ông Hoàng Huy Chung, Chủ tịch UBND xã Đông Lĩnh, cho biết: Ước tính, chi phí cho công tác phòng, chống bệnh DTLCP cả 2 đợt khoảng hơn 200 triệu đồng, vượt nguồn quỹ dự phòng. Với địa bàn rộng, tình hình lưu thông phức tạp, nếu bệnh dịch tiếp tục kéo dài thì công tác phòng, chống dịch sẽ đối mặt với rất nhiều gian nan.
Về vấn đề hỗ trợ cho người chăn nuôi bị thiệt hại. Đây là giải pháp tài chính, tuy nhiên có vai trò rất quan trọng trong việc ổn định tâm lý cho người dân. Ngày 27-5, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 15/QĐ-UBND thống nhất mức hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại là 80% giá thị trường. Ngày 31-5, UBND tỉnh ban hành tiếp Quyết định 2053/QĐ-UBND về việc phê duyệt cấp tạm ứng kinh phí hỗ trợ thiệt hại cho hộ sản xuất. Theo đó, 18 huyện dịch bệnh xảy ra sớm và có số lượng lợn tiêu hủy nhiều đã được tạm ứng từ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh với tổng số tiền hơn 17,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện nay, chưa có địa phương nào thực hiện giải ngân được nguồn hỗ trợ. Đại diện lãnh đạo UBND huyện Quảng Xương cho biết: Mặc dù ngân sách đã được phân bổ về địa phương, huyện cũng thực hiện tổng hợp, kê khai danh sách báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hàng ngày. Tuy nhiên, để có cơ sở hỗ trợ cho người dân phải chờ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính áp giá, thẩm định, trình phê duyệt thì mới giải ngân được ngân sách. Tại huyện Quảng Xương cũng như nhiều địa phương khác, người dân hiện đang rất mong ngóng được nhận nguồn hỗ trợ này để trang trải chi phí sản xuất và tái đầu tư phát triển chăn nuôi. Tại xã Quảng Phong, hiện có 9 hộ tại 7 thôn có lợn bị mắc dịch với lượng tiêu hủy 24.956 kg. Gia đình anh Mai Văn Tiến, thôn Nước Ngoại đã phải tiêu hủy đàn lợn gồm 125 con lợn với trọng lượng gần 7 tấn từ đầu tháng 5-2019. Sau hơn 1 tháng tiêu hủy đàn lợn mắc bệnh, anh đã chuyển đổi sang nuôi thử 1.000 con vịt. Anh Tuấn cho biết rất mong sớm nhận được tiền hỗ trợ để trả nợ mua thức ăn chăn nuôi cho đàn lợn đã tiêu hủy và chuyển đổi cơ cấu sản xuất. Cùng cảnh ngộ, gia đình anh Nguyễn Đình Tuấn, thôn 5, xã Đông Thanh (Đông Sơn) cũng đã buộc phải tiêu hủy 3 đợt liên tục với gần 5 tấn lợn trong tháng 5-2019. Anh chia sẻ: Sau khi tiêu hủy đàn lợn, gia đình thực hiện nghiêm các quy định kỹ thuật về sát trùng chuồng trại, hạn chế người ra vào trang trại để tránh lây lan ra các khu vực lân cận. Tuy nhiên, băn khoăn lớn nhất của anh là khi nào mới được thụ hưởng tiền hỗ trợ để thực hiện tái đầu tư sản xuất. Trước tình hình bệnh dịch trên đàn lợn vẫn diễn biến phức tạp, anh Tuấn định hướng chuyển đổi sang nuôi gia công gà cho Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam. Tuy nhiên, gia đình rất cần nguồn vốn thực hiện cải tạo chuồng trại và chi phí cho người lao động.
Bất cập từ những “hố chôn”
Việc tìm địa điểm chôn lấp lợn bị dịch bệnh đáp ứng quy định cũng đang là một trong những khó khăn với nhiều địa phương. Theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một trong những nguyên tắc cơ bản của xử lý lợn bệnh là chôn/tiêu hủy tại chỗ. Nhiều trang trại, gia trại tuy có diện tích đáp ứng yêu cầu nhưng lại có địa hình trũng, thấp, không thể tiến hành tiêu hủy tại chỗ do lo ngại ảnh hưởng tới nguồn nước và nguy cơ phát tán mầm bệnh trong mùa mưa. Với nhiều hộ chăn nuôi tại các xã có diện tích đất nhỏ hẹp cũng không đáp ứng được quy định về khoảng cách quy định (tối thiểu 30m từ vị trí chôn lấp đến chuồng nuôi và giếng sinh hoạt). Hoặc một số xã vùng biển do diện tích tại các hộ gia đình chăn nuôi nhỏ nên phải tiến hành chôn lấp tại các vị trí quy hoạch.
Theo hướng dẫn tại Công văn số 1269/SNN&PTNN-TY, khoảng cách từ bãi chôn lấp đến các khu vực đô thị, thị xã, thị trấn, công trình văn hóa, khu du lịch, chùa, bệnh viện, trạm y tế từ 3km trở lên. Việc đáp ứng yêu cầu này với một số xã, phường có diện tích nhỏ hẹp là không dễ, điển hình như tại xã Đông Thanh (Đông Sơn), địa phương phải tiến hành di dời vị trí chôn lấp do phản ứng của người dân. Ông Lê Thanh Hải, Chủ tịch UBND xã Đông Thanh, cho biết: Quanh khu vực địa bàn có tới 11 điểm di tích văn hóa, do đó, địa phương phải vận dụng một cách tương đối hướng dẫn với việc lựa chọn vị trí tối ưu nhất, ít ảnh hưởng tới khu dân cư.
Hoặc các xã vùng biển tại huyện Hậu Lộc, địa phương phải xây dựng phương án mua, giải phóng mặt bằng đất nông nghiệp để thực hiện công tác tiêu hủy, làm phát sinh chi phí trong công tác phòng, chống dịch.
Không những vậy, tại một số địa phương xuất hiện tình trạng ô nhiễm môi trường do hiện tượng sụt lún hố chôn, phát tán mùi hôi trong quá trình phân hủy, khiến người dân lo ngại và bức xúc.
Khó khăn xử lý đàn lợn đến thời kỳ xuất chuồng
Do tình hình bệnh dịch kéo dài, hiện nay trên địa bàn tỉnh, một sản lượng lớn thịt lợn đến thời kỳ xuất chuồng hiện đang bị ứ đọng. Theo quy định, lợn đến thời kỳ xuất chuồng vẫn được tiêu thụ khi có xét nghiệm âm tính với vi-rút bệnh DTLCP và được giết mổ tại các cơ sở đủ điều kiện. Tuy nhiên, do chi phí xét nghiệm cao, thời gian kéo dài nên người chăn nuôi chưa mặn mà với vấn đề này và vẫn đang cố gắng cầm cự. Tại huyện Quảng Xương, tổng đàn lợn đến thời kỳ xuất chuồng hiện lên tới 38.263 con, Hậu Lộc 10.351 con... Gia đình anh Đào Duy Dương, thôn Phong Lượng, xã Quảng Phong (Quảng Xương) hiện còn 400 con lợn đã đến thời kỳ xuất chuồng. Trung bình mỗi ngày, anh phải chi phí gần 10 triệu đồng tiền thức ăn chăn nuôi. Đồng chí Cao Tiến Lương, Chủ tịch UBND xã Quảng Phong, cho biết: Hiện trên địa bàn xã có 1.800 con lợn đến và quá thời điểm tiêu thụ (trọng lượng từ 80-175kg). Việc tiêu thụ, giải cứu đàn lợn và giúp đỡ người chăn nuôi đang hết sức cấp bách. Huyện Quảng Xương hiện cũng đang nghiên cứu chủ trương hỗ trợ người dân chi phí xét nghiệm. Tuy nhiên, vấn đề xuất đàn lợn với khối lượng lớn đang gặp khó do chưa tìm được đơn vị đủ năng lực giết mổ, tiêu thụ. Trong khi đó, nếu thực hiện xét nghiệm đàn lợn với kết quả âm tính nhưng chưa kịp tiêu thụ, đàn lợn có thể mắc dịch chỉ sau một thời gian ngắn.
Cuộc chiến chống bệnh DTLCP còn kéo dài, để công tác phòng, chống dịch có hiệu quả, các địa phương cần tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi tích cực áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Với đàn lợn đến thời kỳ xuất chuồng, cần sớm kết nối với các đơn vị tiêu thụ quy mô lớn. Trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính cần sớm tổng hợp, áp giá chính thức để chính sách hỗ trợ sớm đến với người dân. Công tác tiêu hủy cũng cần được chú trọng hơn, bên cạnh việc nghiên cứu kỹ vị trí chôn lấp, áp dụng chuẩn quy trình kỹ thuật, cần tăng cường tuyên truyền để nhân dân đồng thuận, chia sẻ, vào cuộc cùng thực hiện công tác phòng, chống dịch.