Phòng, chống bệnh kiêu ngạo trong Ðảng

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: 'Chúng ta phải tuyệt đối chống bệnh kiêu ngạo, phải luôn luôn khiêm tốn'. Kiêu ngạo được Đảng ta xác định là một trong những căn bệnh thứ phát của chủ nghĩa cá nhân và cần kiên quyết loại bỏ. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, không ít cán bộ, đảng viên hiện nay vẫn đang mắc phải những biểu hiện của bệnh kiêu ngạo.

Theo Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9-5-2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới, cán bộ, đảng viên phải: “Khiêm tốn, cầu thị, giản dị; không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực công tác”. Đối lập với khiêm tốn là kiêu ngạo. Từ khi thành lập đến nay, Đảng ta thường xuyên phê phán, đấu tranh với thói kiêu ngạo. Tuy nhiên, một bộ phận cán bộ, đảng viên do chưa thấm nhuần tính Đảng mà vẫn mắc phải kiêu ngạo.

Vừa qua, tôi có dịp gặp lại một người bạn cũ. Qua câu chuyện xã giao, tôi được biết cậu bạn này vừa được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo tại đơn vị công tác. Trước đây, khi còn đi học cùng nhau, cậu bạn của tôi học chỉ ở mức trung bình nhưng tính tình hòa đồng nên được mọi người trong lớp quý mến. Ấy vậy nhưng đến nay, sau khi được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo, khi nói về những người bạn cũ thì cậu bạn hết chê bai người này lại phán xét người khác. Với những người không bằng mình, bạn không giấu nổi thái độ coi thường, thiếu tôn trọng. Với những người hơn mình, cậu bạn lại hậm hực, đố kỵ. Thậm chí, người này còn cho rằng: học nhiều, học giỏi, làm tốt nhưng không “gặp thời” thì cũng bằng thừa (?!). Dĩ nhiên, đi liền với đó, cậu bạn cũng không quên khoe khoang chức tước, địa vị và sự thành công của bản thân. Đối chiếu với những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có thể thấy bạn tôi đang manh nha mắc phải bệnh kiêu ngạo.

Bàn về kiêu ngạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng thẳng thắn “bắt bệnh” và chỉ rõ những “biểu hiện lâm sàng”. Đó là: “Tự kiêu, tự đại, ham địa vị, hay lên mặt. Ưa người ta tâng bốc mình, khen ngợi mình. Ưa sai khiến người khác... Không thèm học hỏi quần chúng, không muốn cho người ta phê bình. Việc gì cũng muốn làm thầy người khác”. Đó còn là việc: “Khi công tác có ít nhiều thành tích, ít nhiều thắng lợi thì lên mặt anh chị, lên mặt công thần… Trong công tác thì xem thường nhân dân, xa rời quần chúng. Ở trong Đảng thì không thực hiện chế độ tập trung dân chủ, không tuân theo nguyên tắc tập thể lãnh đạo”. Đó là: “Chỉ trông thấy những việc mình tưởng mình làm được, những điều mình tưởng mình biết hết; mà không trông thấy những điều mình không biết, những việc mình chưa làm được”…

Kiêu ngạo là một căn bệnh nguy hiểm. Bác Hồ từng cảnh báo: “Kết quả của bệnh kiêu ngạo là thoái bộ, xuống dốc, rồi đi đến bất mãn, hủ hóa”. Trước đó, Lênin cũng nhấn mạnh: “Không có gì nguy hại và tai hại đối với chủ nghĩa cộng sản bằng thói lên mặt ta đây là cộng sản”.

Kiêu ngạo đi liền với sự tự mãn về những thành tựu mà bản thân đã đạt. Người kiêu ngạo tự cho rằng bản thân là giỏi giang, là nhất, là số một, không ai hơn mình. Từ đó, họ không muốn và cũng không chịu học hỏi nâng cao trình độ cũng như tiếp thu ý kiến của người khác để sửa chữa sai lầm, khuyết điểm của cá nhân. Đối với người xung quanh, người kiêu ngạo thường lên mặt, coi thường, xa rời quần chúng. Một cán bộ, đảng viên không giữ chức vụ mắc phải bệnh kiêu ngạo đã là điều nguy hiểm. Một người lãnh đạo, chỉ huy đơn vị mắc phải bệnh kiêu ngạo càng nguy hiểm hơn gấp nhiều lần. Người kiêu ngạo thường ưa những kẻ nịnh nọt, ghét những người tài giỏi hơn mình. Bởi vậy, khi có quyền lực, người kiêu ngạo rất có thể sẽ sử dụng quyền lực đó để chèn ép những người có năng lực.

Ca dao có câu: “Nhún nhường quý trọng biết bao/Khoe khoang, kiêu ngạo ai nào có ưa”. Người mắc bệnh kiêu ngạo chính là mầm mống dẫn đến mất đoàn kết nội bộ Đảng cũng như giữa Đảng với quần chúng nhân dân. Đồng thời, kiêu ngạo cũng khiến cho hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bị giảm sút nghiêm trọng. Có thể khẳng định, người mắc bệnh kiêu ngạo dễ sa vào thói xấu, mất dân chủ, xa dân, sai về đường lối, hư hỏng về đạo đức.

Ở mức độ nghiêm trọng, nếu bệnh kiêu ngạo không được kịp thời khắc phục, sửa chữa, trong một số điều kiện nhất định sẽ khiến cán bộ, đảng viên “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Thực tế, đã có những cán bộ, đảng viên do mắc phải bệnh kiêu ngạo mà dẫn đến xem thường cấp trên, coi khinh cấp dưới. Đến khi lợi ích của bản thân không được thỏa mãn hoặc khi bị phê bình, chỉ trích thì sinh ra hậm hực, cay cú; phai nhạt lý tưởng cách mạng; a dua, phụ họa theo những nhận thức lệch lạc, quan điểm sai trái; không chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng; sa sút ý chí phấn đấu, không gương mẫu trong công tác… Nghiêm trọng hơn, rất có thể những người này sẽ “trở cờ”, thực hiện các hoạt động xâm phạm đến lợi ích của Tổ quốc, của Đảng, của nhân dân.

Cũng như nhiều “căn bệnh” nguy hiểm khác mà cán bộ, đảng viên mắc phải, nguyên nhân dẫn đến kiêu ngạo là do chưa “quét sạch” chủ nghĩa cá nhân, chưa thấm nhuần tính Đảng, chưa hiểu rõ về nhiệm vụ của một người đảng viên. Nhiều cán bộ, đảng viên còn nhận thức chưa đầy đủ, thiếu chính xác về vai trò, sự đóng góp của tập thể đối với thành công của bản thân. Về điều này, khi nói chuyện tại lớp chỉnh huấn trung, cao cấp của Bộ Quốc phòng và lớp trung cấp của các tổng cục năm 1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Công trạng của cá nhân chủ yếu là nhờ tập thể mà có. Vì vậy, người có công trạng không nên tự kiêu mà cần khiêm tốn”.

Để loại bỏ bệnh kiêu ngạo, mỗi cán bộ, đảng viên cần tự xem xét, đánh giá lại bản thân, kiên quyết đấu tranh với chủ nghĩa cá nhân, không ngừng rèn luyện đạo đức đảng viên để thực sự xứng đáng là chiến sĩ cách mạng trong đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam!.

Anh Tú

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/161938/phong-chong-benh-kieu-ngao-trong-dang