Phòng chống bệnh truyền nhiễm bùng phát - Xử phạt nghiêm vi phạm

Hiện tại, một số bệnh truyền nhiễm đang có dấu hiệu gia tăng mạnh; trong đó bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng có nguy cơ lây lan nhanh vì đang vào cao điểm mùa mưa, đòi hỏi chính quyền địa phương và mọi nhà tập trung phòng chống dịch.

Số ca mắc còn cao

Theo Sở Y tế TPHCM, tuần trước thành phố ghi nhận 126 ca mắc mới sốt xuất huyết (SXH). Từ đầu năm 2024 đến hết ngày 30-6, thành phố có 4.040 ca SXH, không ghi nhận trường hợp tử vong do SXH. Các địa phương có số ca mắc trên 100.000 dân cao là quận 1, quận Bình Thạnh và TP Thủ Đức. Riêng về bệnh tay chân miệng (TCM), tuần qua, thành phố ghi nhận 355 trường hợp mắc TCM, giảm 25% so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca mắc TCM từ đầu năm đến nay là 7.383 ca. Các quận, huyện có số ca mắc TCM trên 100.000 dân cao là quận 8, quận Tân Bình, huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè.

 Lực lượng chức năng xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh kiểm tra các vật dụng chứa nước nhằm triệt nguồn lăng quăng

Lực lượng chức năng xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh kiểm tra các vật dụng chứa nước nhằm triệt nguồn lăng quăng

Quyết tâm không để dịch chồng dịch xảy ra trên địa bàn thành phố, ngành y tế đã quyết liệt chỉ đạo, đề nghị các quận, huyện, TP Thủ Đức đẩy mạnh các hoạt động phòng chống dịch, vệ sinh môi trường, rà soát các điểm nguy cơ…; đặc biệt là xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân không thực hiện biện pháp bảo đảm vệ sinh nơi ở để phòng ngừa bệnh truyền nhiễm.

Trong 6 tháng đầu năm, quận Bình Tân đã ban hành 4 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, 15 văn bản nhắc nhở những hộ dân, doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch. Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân Lê Thị Ngọc Dung cho biết: Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, đa số người dân cảnh giác trước dịch SXH, TCM nên hiện số ca mắc mới SXH trên địa bàn đang giảm theo từng tháng. Tuy nhiên, tổng số ca SXH nội trú và ngoại trú cộng dồn từ ngày 1-1 đến ngày 30-6 là 785 ca, tăng 35,3% so với cùng kỳ năm 2023 (785/580 ca). UBND quận đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường kiểm tra, giám sát các loại hình nguy cơ theo hướng dẫn của ngành y tế. Ở các điểm đã phát hiện lăng quăng, lực lượng chức năng phải kiểm tra lại hàng tuần. “Trong trường hợp vẫn còn lăng quăng, lực lượng chức năng sẽ lập biên bản, chuyển UBND phường xử phạt nghiêm”, bà Lê Thị Ngọc Dung khẳng định.

TS-BS Nguyễn Trung Hòa, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Gò Vấp, cho hay, thời gian qua, địa phương ghi nhận 202 ca SXH, 10 ổ dịch, trong đó 9 ổ dịch được kiểm soát. Một trong những nguyên nhân là mật độ dân số cao và do biến động lớn dẫn đến nguy cơ làm tăng sự lây lan dịch bệnh. UBND quận Gò Vấp đã chỉ đạo 16 UBND phường tăng cường xử phạt vi phạm hành chính đối với các cá nhân, tổ chức cố tình làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Không chủ quan trong phòng chống dịch

Phó Chủ tịch UBND quận 12 Võ Thị Chính cho biết, số ca mắc SXH trên địa bàn quận giảm gần 40% so với cùng kỳ. Dự báo trong thời gian tới, số ca mắc SXH có xu hướng gia tăng vì đang vào thời gian cao điểm của mùa mưa. Quận 12 đặt mục tiêu phấn đấu 100% ổ dịch SXH được điều tra, xử lý kịp thời; đồng thời xây dựng hệ thống giám sát SXH từ khu phố đến trường học, doanh nghiệp… nhằm khoanh vùng và xử lý kịp thời ổ dịch, không để lây lan rộng. Bên cạnh đó, quận 12 tiếp tục tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát và xử lý các điểm nguy cơ, xử lý triệt để các ổ dịch; đẩy mạnh hoạt động truyền thông đại chúng để người dân hưởng ứng thực hiện.

Các huyện ngoại thành như Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè cũng quyết liệt đẩy mạnh các biện pháp phòng chống dịch SXH, TCM. Huyện Bình Chánh đã ban hành 9 quyết định xử phạt vi phạm hành chính tổ chức, cá nhân không thực hiện nghiêm việc phòng chống dịch theo Nghị định số 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh Dương Thị Thùy Trang thông tin, xã đã ban hành 2 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đối với 2 hộ gia đình không thực hiện biện pháp bảo đảm vệ sinh nơi ở, nơi chứa chất thải sinh hoạt để phòng ngừa bệnh truyền nhiễm; đồng thời ban hành 5 văn bản nhắc nhở những hộ dân, doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch.

Bà Nguyễn Thị Hằng, Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, cho biết: “Tính đến cuối tháng 6-2024, huyện ghi nhận 87 ca SXH, 308 ca TCM, không có ca tử vong. Vào đầu tháng 5, số ca TCM gia tăng, ngành y tế huyện đã phối hợp các ban ngành, xã, thị trấn tăng cường truyền thông và xử lý ổ dịch kịp thời. Tính đến hiện tại, số ca mắc đã có chiều hướng giảm”. Huyện Củ Chi đang phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch tại các xã có số ca mắc SXH, TCM tăng trên địa bàn: xã Tân Phú Trung, xã Bình Mỹ, xã Trung An. Căn cứ diễn biến dịch bệnh, huyện chủ động tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát các xã, thị trấn có ca bệnh tăng; giám sát việc sử dụng phần mềm GIS và công tác điều tra, xử lý ca bệnh, ổ dịch tại địa phương.

Sở Y tế TPHCM kêu gọi mỗi người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh SXH ngay từ thời điểm này để ngăn chặn dịch bùng phát, trong đó chú ý các hoạt động: ngăn không cho muỗi đẻ trứng bằng cách đậy kín các vật dụng dự trữ nước sinh hoạt, thu gom các đồ vật có thể ứ đọng nước trong và xung quanh nhà, loại bỏ các vật phế thải có thể đọng nước; ngăn không cho muỗi chích bằng cách ngủ mùng (kể cả ban ngày), mặc quần áo dài tay, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện muỗi... Khi bị sốt, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.

QUANG HUY

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/phong-chong-benh-truyen-nhiem-bung-phat-xu-phat-nghiem-vi-pham-post748371.html