Phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò
Với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và người chăn nuôi đã tích cực, chủ động triển khai thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch nên bệnh viêm da nổi cục (VDNC) ở trâu bò trên địa bàn tỉnh đã từng bước được khống chế. Từ ngày 14-6-2021 đến nay không phát sinh gia súc mắc bệnh VDNC. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và người chăn nuôi đã tích cực, chủ động triển khai thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch nên bệnh viêm da nổi cục (VDNC) ở trâu bò trên địa bàn tỉnh đã từng bước được khống chế. Từ ngày 14-6-2021 đến nay không phát sinh gia súc mắc bệnh VDNC. Đến ngày 9-8-2021 tất cả các ổ dịch VDNC trên địa bàn tỉnh đã được UBND các huyện công bố hết dịch.
Để có được kết quả trên, cùng với việc ban hành các văn bản chỉ đạo kịp thời các ngành, địa phương thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng bệnh, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị triển khai công tác phòng, chống bệnh VDNC tới lãnh đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố. Sở NN và PTNT tổ chức hội nghị tập huấn cho lãnh đạo Phòng Nông nghiệp, Phòng Kinh tế, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp các huyện, thành phố, một số hộ kinh doanh vắc-xin và trưởng thú y xã, thị trấn trong tỉnh kỹ thuật tiêm phòng vắc-xin VDNC. Các cơ quan Báo Nam Định, Đài Phát thanh và Truyền hình Nam Định đã tích cực phối hợp với các địa phương, các sở, ngành xây dựng nội dung và tổ chức thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về bệnh VDNC; hướng dẫn cơ sở chăn nuôi áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp an toàn sinh học; phổ biến, nhân rộng các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học phù hợp, có hiệu quả phòng, chống dịch cao. Sở NN và PTNT đã tăng cường giám sát dịch bệnh đến tận hộ chăn nuôi nhằm phát hiện sớm, báo cáo kịp thời các trường hợp trâu, bò mắc bệnh, nghi mắc bệnh VDNC; tổ chức kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm xác định nguyên nhân gây bệnh. Khi phát hiện gia súc mắc bệnh VDNC, các đơn vị chuyên môn của Sở NN và PTNT đã tham mưu cho chính quyền các địa phương triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp khoanh vùng xử lý dịch bệnh; thực hiện công bố dịch theo quy định; áp dụng các biện pháp quản lý, cách ly số gia súc mắc bệnh; tiêu hủy theo đúng quy trình kỹ thuật những con bị ốm nặng, chết; thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khu vực ổ dịch; diệt ruồi, muỗi, ve, mòng… để hạn chế nguồn lây lan dịch; tìm kiếm nguồn và tổ chức tiêm vắc-xin VDNC cho số trâu, bò khỏe mạnh; thông tin kịp thời, chính xác tình hình dịch bệnh và đẩy mạnh tuyên truyền hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch. Công tác kiểm dịch vận chuyển trâu, bò, sản phẩm từ trâu, bò được thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định của pháp luật, tạo điều kiện cho hàng hóa được lưu thông thuận lợi. Trong 6 tháng đầu năm, Sở NN và PTNT đã cấp 257 giấy kiểm dịch với tổng số 7.290 con trâu, bò vận chuyển ra ngoài tỉnh. Hiện nay, trâu, bò vận chuyển ra khỏi địa bàn tỉnh đều đã được tiêm vắc-xin VDNC. Để nâng cao hiệu quả công tác phòng bệnh VDNC, UBND tỉnh cấp kinh phí mua 27 nghìn liều vắc-xin VDNC tiêm phòng cho đàn trâu, bò. Sở NN và PTNT ban hành Kế hoạch số 1342/KHSNN ngày 4-6-2021 về việc tiêm vắc-xin phòng, chống bệnh VDNC ở trâu, bò. Theo đó tập trung tiêm vắc-xin cho trâu, bò từ ngày 21-6 đến 15-7-2021. Đến nay, toàn tỉnh đã tiêm vắc-xin phòng bệnh VDNC cho 21.464/26.738 con trâu, bò; đạt 80,3% tổng đàn. Các địa phương tiếp tục tổ chức tiêm bổ sung cho trâu, bò mới phát sinh, chưa được tiêm phòng để chủ động phòng, chống bệnh. Bên cạnh đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN và PTNT) tích cực hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, diệt vật chủ trung gian truyền bệnh để chủ động phòng, chống bệnh. Tổ chức thực hiện đợt tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng toàn tỉnh từ ngày 5-4 đến 20-4-2021 để tiêu diệt mầm bệnh trong môi trường. Tiếp nhận và phân bổ 15 nghìn lít hóa chất sát trùng từ nguồn dự trữ quốc gia cho các địa phương.
UBND các xã, hộ chăn nuôi chủ động mua thêm 2.250 lít thuốc sát trùng và 72 tấn vôi bột để triển khai vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi, khu vực công cộng như: chợ, bãi rác, bãi chăn thả. Nhờ thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng dịch nên kể từ khi bệnh VDNC trên trâu, bò lần đầu tiên được phát hiện trên địa bàn tỉnh vào ngày 7-1-2021 tại xã Hồng Quang (Nam Trực) đến nay đã được khống chế. Cụ thể, từ ngày 14-6-2021 đến nay không phát sinh trâu, bò mắc bệnh VDNC, đến ngày 9-8-2021 tất cả các ổ dịch VDNC trên địa bàn tỉnh đã được UBND các huyện công bố hết dịch.
Theo đánh giá của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, thời điểm này thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh, lây lan bệnh VDNC. Để chủ động ngăn chặn bệnh VDNC tái phát, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đề nghị UBND tỉnh, Sở NN và PTNT tiếp tục chỉ đạo chính quyền các cấp và người chăn nuôi thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nhất là trên hệ thống Đài phát thanh của huyện, xã về nguy cơ và các biện pháp phòng, chống bệnh VDNC; phổ biến, nhân rộng các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh. Triển khai thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống bệnh VDNC theo chỉ đạo của Trung ương, UBND tỉnh, Sở NN và PTNT. Tăng cường giám sát, phát hiện sớm, báo cáo kịp thời và xử lý dứt điểm các ổ dịch nếu phát sinh không để lây lan ra diện rộng. Tổ chức rà soát, tiêm bổ sung vắc-xin VDNC cho số trâu, bò mới phát sinh, chưa được tiêm phòng. Hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp chủ động phòng bệnh; định kỳ thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc khu vực chăn nuôi; có biện pháp ngăn chặn, phun hóa chất diệt côn trùng là môi giới trung gian truyền bệnh. Tổ chức quản lý, giám sát chặt chẽ việc tập kết, buôn bán trâu, bò, sản phẩm của trâu, bò và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về kiểm dịch, an toàn vệ sinh thực phẩm./.
Bài và ảnh: Văn Đại