Phòng chống buôn lậu qua biên giới An Giang: Bài 1 - Thủ đoạn buôn lậu tinh vi
Tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới tỉnh An Giang có chiều hướng gia tăng, khó kiểm soát khi nước từ thượng nguồn đổ về nhiều hơn mọi năm.
Các đối tượng buôn lậu luôn thay đổi tuyến đường, điểm tập kết hàng trên tuyến biên giới để tránh sự tuần tra, kiểm soát của các lực lượng chống buôn lậu.
Thậm chí, các đối tượng vận chuyển hàng lậu dùng xuồng máy, vỏ composite gắn máy công suất lớn chạy tốc độ cao vượt biên giới từ Campuchia sang Việt Nam và ngược lại.
Mặt hàng buôn lậu nổi cộm vẫn là thuốc lá điếu ngoại, đường cát Thái Lan nhập lậu; có thời điểm là mặt hàng vàng miếng, tiền tệ vận chuyển qua lại biên giới Việt Nam - Campuchia.
Tại các cửa khẩu có đường bộ, đối tượng buôn lậu dùng xe gắn máy xoáy nòng hoặc thuê người vác hàng hóa nhập lậu qua hai cánh gà cửa khẩu.
Thuốc lá điếu ngoại là mặt hàng nhập lậu chủ yếu qua tuyến đường bộ, được vận chuyển chủ yếu bằng xe gắn máy, mỗi xe chở khoảng dưới 500 gói để tránh các chế tài của pháp luật. Tuy nhiên, nhìn chung tình hình buôn lậu thuốc lá có giảm.
Tại địa bàn cửa khẩu đường sông, hàng hóa buôn lậu chủ yếu là các mặt hàng nông sản như đậu, lúa, ngô…, gỗ nguyên liệu, vải các loại, đường cát, giày dép, mỹ phẩm, quần áo cũ….
Tại khu vực biên giới có dòng sông chung như tuyến Long Bình, Khánh An huyện An Phú, hàng hóa nhập lậu được vận chuyển bằng ghe máy trên sông thuộc phần đất phía Campuchia sau đó tìm cách đưa qua biên giới rồi vận chuyển sâu vào nội địa bán kiếm lời.
Với mặt hàng đường cát, các đối tượng buôn lậu vẫn dùng thủ đoạn thay đổi sang bao bì Việt Nam từ bên kia biên giới, lợi dụng địa hình biên giới phức tạp, nhiều kênh rạch, dùng xuồng có gắn động cơ công suất cao vận chuyển qua biên giới, trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng.
Đối tượng buôn lậu chủ yếu vẫn là một số thương nhân và cư dân sống dọc biên giới Việt Nam - Campuchia; các phương tiện vận tải hàng hóa, phương tiện vận chuyển hành khách qua lại biên giới; các đối tượng không có việc làm ổn định nhưng thông thạo địa bàn, dưới sự điều hành của chủ hàng hoặc chủ thầu vận chuyển.
Đặc biệt, theo Phó Cục trưởng Cục Hải quan An Giang Nguyễn Tấn Bửu, hiện nay các đầu nậu gắn trách nhiệm bồi thường hàng lậu với người vận chuyển, đai vác thuê. Do vậy, lực lượng chống buôn lậu thường gặp phải tình trạng chống đối, giành giật lại tang vật khi lực lượng chức năng bắt giữ hàng hóa vi phạm của những đối tượng này.
Vào mùa khô, các đối tượng thuê người đai vác hàng qua biên giới, tập kết vào các khu dân cư rồi dùng xe gắn máy chạy với tốc độ cao chuyển sâu vào nội địa; hoặc vận chuyển thẳng về các chợ trong thành phố, thị xã, thị trấn.
Vào mùa nước nổi, nước ngập các cánh đồng biên giới giáp với Campuchia, các đối tượng buôn lậu lợi dụng địa bàn sông rạch nhiều, dùng xuồng, vỏ lãi gắn máy có công suất lớn chạy với tốc độ cao để vận chuyển hàng nhập lậu, gây khó khăn cho các lực lượng chống buôn lậu trong việc bắt giữ và xử lý.
Thậm chí, các đối tượng buôn lậu thuê người theo dõi, canh đường ngay tại trụ sở các cơ quan chức năng để theo dõi, nắm tình hình hoạt động rồi cung cấp tin cho những người đang tổ chức vận chuyển hàng lậu. Vì vậy, công tác chống buôn lậu của các lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn.
Hàng hóa nhập lậu vẫn thường được các đối tượng vận chuyển vào các giờ cao điểm, như: giữa trưa, chập tối, nửa đêm, gần sáng bằng nhiều thủ đoạn như chia nhỏ, xé lẻ để vận chuyển vào nội địa tiêu thụ.
Tùy theo thời điểm, Cục Hải quan tỉnh An Giang đã chỉ đạo các Chi cục Hải quan cửa khẩu và Đội kiểm soát Hải quan lập kế hoạch tuần tra, kiểm soát công khai hoặc bí mật trên tuyến biên giới trong địa bàn quản lý của mình; lập kế hoạch phối hợp tuần tra, kiểm soát với các lực lượng để ngăn chặn, bắt giữ đối tượng mua bán, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới.
Để đối phó với tình hình này, Cục Hải quan An Giang thường xuyên tuyên truyền, giáo dục, vận động cán bộ, người lao động nâng cao cảnh giác, ý thức trách nhiệm trong phòng, chống tội phạm về buôn lậu, ma túy.
Đồng thời cùng chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân không tham gia buôn lậu, không tiếp tay buôn lậu và tố giác hành vi buôn lậu; tích cực thu thập, nghiên cứu thông tin về địa bàn, tuyến buôn lậu.
Các Chi cục Hải quan cửa khẩu, Đội Kiểm soát Hải quan thường xuyên phối hợp với các lực lượng chức năng để xác lập thông tin, rà soát đối tượng trọng điểm cũng như địa chỉ, ngành nghề, cập nhật vào danh sách để xây dựng kế hoạch ngăn chặn, bắt giữ hàng hóa, tiền tệ xuất nhập lậu. Trong năm nay, Cục Hải quan An Giang đã xử lý một số vụ mang vàng, tiền tệ trái phép qua biên giới với số lượng lớn.
Các Chi cục Hải quan cửa khẩu, Đội Kiểm soát Hải quan thường xuyên phối hợp tuần tra kiểm soát chống buôn lậu; triển khai thực hiện việc kiểm soát hệ thống thông quan điện tử VNACCS/VCIS.
Trong năm 2017, Cục Hải quan tỉnh An Giang thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan về việc tăng cường công tác kiểm soát chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; yêu cầu chú ý đối với các mặt hàng trọng điểm theo các văn bản cảnh báo của Tổng cục Hải quan, Cục Điều tra chống buôn lậu.
Đồng thời thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo nhanh, đột xuất, định kỳ về công tác Kiểm soát hải quan, công tác xử lý vi phạm hành chính, thủ tục hành về Tổng cục Hải quan thông qua Vụ Pháp chế, Cục Điều tra Chống buôn lậu.
Trong năm 2017, Cục Hải quan An Giang đã phát hiện, bắt giữ: 89 vụ việc vi phạm với tổng trị giá: 11.916,805 triệu đồng. Trong đó có 60 vụ việc nhập lậu trị giá: 9.062,067 triệu đồng; xuất lậu: 01 vụ trị giá 279,285 triệu đồng; vi phạm thủ tục 28 vụ trị giá 2.854,738 triệu đồng. So với năm trước, số vụ việc có giảm nhưng tăng về trị giá.
Trong số 89 vụ việc mà Hải quan An Giang phát hiện, bắt giữ có 86 vụ xử lý hành chính với tổng trị giá hàng hóa tịch thu 444,35 triệu đồng, tổng tiền phạt 618,045 triệu đồng; xử lý hình sự 3 vụ với tổng trị giá tang vật 8.387,717 triệu đồng./.