Phòng chống cháy nổ: Không lúc nào được xem nhẹ
Vào hồi 0 giờ 25 phút ngày 4/4, hỏa hoạn lớn đã xảy ra tại nhà số 311 phố Tôn Đức Thắng, phường Hàng Bột, Đống Đa, Hà Nội gây hậu quả nghiêm trọng. Ngọn lửa bùng lên khiến 4 người trong gia đình thiệt mạng, trong có cả người phụ nữ 40 tuổi đang mang thai. Tiếp tục có thêm những vụ hỏa hoạn trong khu dân cư diễn ra chỉ trong thời gian ngắn gần đây cho thấy từ việc sử dụng thiết bị, vật dụng không đảm bảo an toàn đến việc lơ là, chủ quan đã và đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác này.
Chỉ trước vụ cháy trên phố Tôn Đức Thắng 1 ngày, vào hồi 12 giờ 2 phút trưa 3/4, nhân viên an ninh của Tràng Tiền Plaza phát hiện một chiếc xe Range Rover màu đen của khách hàng đang gửi tại bãi xe tầng hầm B1 đang bốc khói kèm theo lửa. Vụ việc đã nhanh chóng được các lực lượng chức năng PCCC có mặt và khống chế, may mắn không gây thiệt hại về người.
Tại TP Hồ Chí Minh khoảng 13 giờ 30 phút ngày 31/3, hỏa hoạn bùng lên từ khu vực phía sau quán cơm tấm trên đường Nguyễn Thái Học, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1. Lửa lớn nên lan sang các căn nhà lân cận, trong đó có các cửa hàng điện thoại trên đường Nguyễn Thái Học và Trường THPT Ernst Thalmann khiến nhà trường phải sơ tán các học sinh để đảm bảo an toàn.
Người dân cũng không khỏi bàng hoàng về một vụ cháy tại phường Cát Lái, TP Thủ Đức đã khiến 6 người chết ngày 30/3 mới đây. Nguyên nhân vụ cháy vẫn đang được điều tra làm rõ.
Thống kê mới nhất cho thấy tháng 2/2021, toàn quốc xảy ra 205 vụ cháy và 15 vụ cháy rừng làm chết 11 người, bị thương 14 người; thiệt hại tài sản ước tính 25,47 tỷ đồng và 11,26ha rừng. Đáng chú ý, số vụ cháy chủ yếu xảy ra ở khu vực thành thị, chiếm tới chiếm 62,8% tổng số vụ, tập trung ở một số địa phương có tốc độ phát triển kinh tế và đô thị hóa nhanh, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Thái Bình, Đà Nẵng, Sóc Trăng… Trong 63 vụ cháy đã được điều tra làm rõ nguyên nhân thì có tới 44 vụ cháy nguyên nhân do sự cố hệ thống, thiết bị điện và sơ suất, bất cẩn trong sử dụng lửa, nhiệt. Những con số trên cho thấy mặc dù, công tác tuyên truyền về phòng cháy chữa cháy hàng năm vẫn được các địa phương triển khai mạnh mẽ, tuy nhiên ý thức chấp hành về quy định an toàn phòng cháy chữa cháy của chủ gia đình, chủ cơ sở kinh doanh còn hạn chế. Hơn nữa, công tác quản lý Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy đối với các nhà ở hộ gia đình, nhà ở kết hợp kinh doanh còn lơ là, chủ quan, thiếu chặt chẽ nên cũng có nguy cơ cháy nổ cao. Và câu nói “đừng đùa với lửa” luôn đúng trong mọi trường hợp.
Tháng 3/2021, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH tập trung triển khai Quyết định số 630/QĐ-TTg ngày 11/5/2020 về “Ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật PCCC” và chỉ đạo của Bộ Công an về triển khai thực hiện Quyết định 630/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ. Chính sách pháp luật đã và đang được hoàn thiện, tuy nhiên để hạn chế nguy cơ cháy, nổ quan trọng vẫn là cần nâng cao ý thức tự giác chấp hành các quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy và các kỹ năng xử lý tình huống khi xảy ra sự cố cháy nổ của người dân. Nếu mỗi người dân còn xem nhẹ công tác này, chưa dành sự quan tâm đúng mức với nó thì “bà hỏa” vẫn là thảm họa tiềm ẩn khó lường.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/phong-chong-chay-no-khong-luc-nao-duoc-xem-nhe-414978.html