Phòng chống cháy tại các cơ sở karaoke: Xin đừng mãi cảnh báo

Là một trong những hoạt động giải trí rất phổ biến, tuy nhiên, các cơ sở kinh doanh karaoke luôn tiềm ẩn những nguy cơ về an toàn cháy nổ. Vụ cháy ở quán karaoke tại Bình Dương vừa qua với hơn 30 người thiệt mạng một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về chuyện phòng cháy ở quán karaoke. Đã đến lúc cần có những xử lý nghiêm minh, giải pháp cứng rắn và thái độ dứt khoát đối với công tác phòng, chống cháy nổ tại những cơ sở kinh doanh loại hình dịch vụ này. Bởi nếu không, những thảm họa sẽ vẫn còn tiếp diễn.

Hiện trường vụ cháy quán bar X5 tại huyện Vĩnh Tường năm 2020 khiến 3 người thiệt mạng. Ảnh: Trần Tỉnh

Hiện trường vụ cháy quán bar X5 tại huyện Vĩnh Tường năm 2020 khiến 3 người thiệt mạng. Ảnh: Trần Tỉnh

Nỗi đau từ phòng hát

Đã gần 1 tuần trôi qua, nhưng dư âm của vụ cháy quán karaoke tại Bình Dương làm hơn 30 người thiệt mạng khiến người dân cả nước vẫn chưa hết bàng hoàng, xót xa. Càng đau xót hơn khi hồi chuông cảnh báo về những thiệt hại khủng khiếp ấy đã được gióng lên từ rất lâu nhưng thảm họa vẫn không ngừng tiếp diễn.

Điểm lại những vụ cháy trong những năm gần đây dễ dàng nhận thấy, các địa điểm, cơ sở kinh doanh karaoke, bar... lại là nơi hiểm họa cháy nổ xảy ra cực lớn. Còn nhớ, cách đây chưa lâu, vụ cháy tại quán karaoke số 231 Quan Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội) đã khiến ba cán bộ, chiến sĩ hi sinh; tháng 4/2022, vụ cháy nhà tại phường Kim Liên (quận Ðống Ða, Hà Nội) khiến 5 người chết; tháng 11/2016, vụ cháy quán karaoke 68 tại phố Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy, Hà Nội khiến 13 người chết... Và còn rất nhiều vụ cháy lớn khác, không chỉ ở quán karaoke, vũ trường mà còn xảy ra tại nhiều cơ sở kinh doanh, chợ, nhà ở gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

Tại Vĩnh Phúc, đến thời điểm này nhiều người vẫn còn cảm giác đau lòng và bất an khi nhắc đến vụ cháy xảy ra tại quán bar X5 trên địa bàn huyện Vĩnh Tường vào tháng 11/2020, khiến 3 người thiệt mạng.

Một trong những điểm chung của các thảm họa khi cháy quán bar, karaoke là hầu hết các cơ sở này đều sử dụng thiết bị điện không đảm bảo yêu cầu phòng, chống cháy, nổ theo quy định trong môi trường nguy hiểm cháy, nổ; không duy trì hoạt động thường xuyên của phương tiện chiếu sáng sự cố, chỉ dẫn thoát nạn; không đảm bảo kích thước cửa thoát nạn, lối thoát nạn, cầu thang thoát nạn, đường thoát nạn (không đủ kích thước, số lượng theo quy định của pháp luật); không kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống, phương tiện PCCC định kỳ theo quy định…

Trao đổi với phóng viên, đại úy Nguyễn Ngọc Duy, cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh cho biết: Các quán karaoke khi xảy cháy đều vô cùng nguy hiểm. Mặc dù các cơ sở kinh doanh karaoke trước khi đi vào hoạt động phải đảm bảo đầy đủ các quy định pháp luật về PCCC theo tiêu chuẩn đã đề ra, tuy nhiên, trên thực tế còn nhiều cơ sở chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu.

Cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an tỉnh) kiểm tra lối thoát hiểm tại cơ sở kinh doanh karaoke Phoenix, xã Thanh Trù, thành phố Vĩnh Yên. Ảnh: Trần Tỉnh

Cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an tỉnh) kiểm tra lối thoát hiểm tại cơ sở kinh doanh karaoke Phoenix, xã Thanh Trù, thành phố Vĩnh Yên. Ảnh: Trần Tỉnh

Vật dụng trong quán, vật liệu cách âm phải làm bằng vật liệu không cháy hoặc khó cháy, hệ thống điện chiếu sáng, điện phục vụ âm thanh phải đảm bảo đi trong ống ghen, không được đấu nối...

Bên cạnh đó, các quán karaoke thường có không gian hạn chế, sử dụng vật liệu cách âm và trang trí, khi xảy ra cháy thường sinh ra nhiều khói độc dẫn đến việc tiếp cận cũng như tìm kiếm người bị nạn rất khó khăn.

Thực tế cho thấy, hầu hết các cơ sở kinh doanh loại hình dịch vụ này đều được chủ cơ sở thay đổi kết cấu bên trong, cải tạo, sửa chữa và trang trí nội thất thật sang trọng, bắt mắt để thu hút khách hàng.

Quá trình tiến hành sửa chữa là một trong những mối nguy hại lớn dẫn đến cháy nổ tại quán karaoke khi thợ hàn cắt kim loại không tuân thủ các quy định về an toàn PCCC, hút thuốc, bật lửa khi làm việc. Cùng với đó, hiểm họa từ sự cố chập điện do các quán karaoke thường xuyên sử dụng công suất điện lớn cho hệ thống âm thanh, ánh sáng, biển quảng cáo…

Nguy cơ là vậy, song, công tác PCCC tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện hiện nay chưa đáp ứng tốt yêu cầu; nhiều cơ sở không có phương án chữa cháy, thoát nạn theo quy định; nhân viên thường xuyên thay đổi, không được tập huấn, trang bị kiến thức cơ bản về phòng ngừa hỏa hoạn.

Nỗ lực ngăn chặn thảm họa

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có hơn 450 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke đang hoạt động, đa phần là các cơ sở xây dựng theo kiểu nhà ống 2 - 3 tầng. Nhiều cơ sở được thiết kế trong khu đông dân cư, giao thông không thuận lợi, dễ gây nên hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản nếu xảy ra cháy nổ.

Để ngăn chặn, hạn chế thấp nhất những thiệt hại trong hoạt động kinh doanh karaoke, thời gian qua, lực lượng chức năng các địa phương trong tỉnh đã thường xuyên tổ chức các cuộc tổng kiểm tra, xử lý đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, quán bar, vũ trường.

Cơ quan chức năng nhận định, hầu hết các cơ sở khi bị kiểm tra thì đều có vi phạm về an toàn PCCC. Trong đó, có các lỗi nguy hiểm như hệ thống điện không đảm bảo, hệ thống báo cháy hư hỏng; để vật dụng chiếm lối đi, cản trở công tác cứu nạn; chèn, chặn cửa thoát nạn…

Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã yêu cầu Công an tỉnh phối hợp UBND các địa phương có kế hoạch kiểm tra, rà soát tổng thể các cơ sở có nguy cơ cháy cao trên địa bàn, nhất là các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke.

Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và ý thức của những hộ kinh doanh, người dân là điều rất quan trọng và cần thiết để hạn chế thấp nhất những sự cố cháy nổ xảy ra.

Để chủ động, tăng cường công tác phòng ngừa, hạn chế tối đa số vụ tai nạn, sự cố cháy, nổ, đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản của người dân, nhất là tại các cơ sở tập trung đông người, lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và công an các địa phương đã tăng cường công tác kiểm tra, rà soát những nơi tập trung đông người như cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, bar, khách sạn, nhà nghỉ, chợ, trung tâm thương mại; kịp thời chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại, thiếu sót và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Cùng với đó, cơ quan chức năng cũng đưa ra những khuyến cáo để người dân và chủ các cơ sở kinh doanh karaoke tìm hiểu và có những kỹ năng cần thiết nhằm ứng phó trong tình huống xảy ra cháy, nổ.

Được thiết kế dưới tầng hầm, với 7 phòng hát, ngay từ khi đi vào hoạt động, cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke Phoenix, xã Thanh Trù, thành phố Vĩnh Yên luôn thực hiện tốt các quy định về công tác phòng cháy chữa cháy.

Chủ cơ sở đã trang bị hệ thống báo cháy tự động, các trang thiết bị chữa cháy như bình bọt, bình khí và các lối thoát hiểm khi gặp sự cố. Tuy nhiên, với đặc thù thiết kế của cơ sở karaoke, phòng cách âm với nhiều vật liệu dễ cháy, diện tích hành lang, cửa ra vào nhỏ hẹp nên khi gặp sự cố cháy nổ công tác cứu nạn cứu hộ gặp không ít khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Khanh, chủ cơ sở karaoke Phoenix cho biết: Xác định rõ những thiệt hại từ sự cố cháy nổ không thể lường trước được, bởi vậy, chúng tôi luôn tuân thủ quan điểm không vì lợi nhuận mà thờ ơ, chủ quan trong công tác phòng cháy chữa cháy.

Chúng tôi đã trang bị đầy đủ dụng cụ, phương tiện phòng cháy chữa cháy, đồng thời, thiết kế 3 lối thoát hiểm an toàn, đủ thông thoáng. Hạn chế việc lưu trú của nhân viên tại cơ sở và thường xuyên phổ cập kiến thức phòng cháy cho nhân viên, nhắc nhở khách hàng hạn chế những hoạt động có thể tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.

Thiệu Vũ

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/82816/phong-chong-chay-tai-cac-co-so-karaoke-xin-dung-mai-canh-bao.html