Phòng chống Covid-19: Tạo thuận lợi nhưng quản lý chặt chẽ lao động nước ngoài vào Việt Nam

Sáng nay, 15/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ nghe Ban Chỉ đạo quốc gia báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Dự tại điểm cầu TP Hà Nội có Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 Thành phố.

Phát biểu mở đầu cuộc họp, Thủ tướng cho rằng, trong gần 30 ngày qua, nước ta không có ca nhiễm mới trong cộng đồng, đây là điều đáng mừng. Một số điểm cuối cùng như thôn Đông Cứu (Thường Tín, Hà Nội) đã dỡ bỏ cách ly. Người dân trở lại hoạt động tương đối nhộn nhịp, nhất là các đô thị lớn. Chúng ta có nhiều biện pháp mạnh mẽ về phát triển sản xuất kinh doanh để thực hiện mục tiêu kép, nhất là hội nghị toàn quốc giữa Thủ tướng với cộng đồng doanh nghiệp. Công tác an sinh xã hội đang triển khai tốt ở các địa phương.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ nghe Ban Chỉ đạo quốc gia báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ nghe Ban Chỉ đạo quốc gia báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19

Tại cuộc họp, Thủ tướng đề nghị các đại biểu thảo luận về việc người Việt Nam ở nước ngoài về nước. Con số này rất đông, đề nghị rất nhiều, vì vậy cần có lộ trình, cách làm nào để thực hiện chủ trương nhân văn nhưng phù hợp với điều kiện hiện nay của đất nước. Thời gian qua, tổng số ca dương tính của Việt Nam tăng nhanh khi nhiều công dân từ nước ngoài trở về nhiễm COVID-19 như có 17 ca từ Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) và mới đây là có 24 ca từ Nga trở về.

Thủ tướng nhấn mạnh không được chủ quan trước dịch bệnh khi tình hình dịch trên thế giới còn phức tạp.

Vấn đề khôi phục kinh tế vẫn đặt ra rất lớn, Thủ tướng nêu rõ, chúng ta quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng, không để đứt gãy nền kinh tế. Một số biện pháp đặt ra thời gian qua được triển khai như tạo điều kiện chuyên gia, lao động tay nghề cao, nhà quản lý, nhà đầu tư đến Việt Nam trong khi chúng ta có chủ trương đón nhận làn sóng đầu tư vào Việt Nam.

Hà Nội đã đủ điều kiện để công bố hết dịch

Tại điểm cầu Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý cho biết, thực hiện Thông báo số 177/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19, thành phố Hà Nội đã ban hành văn bản 1724 thực hiện kết luận Thủ tướng về phòng, chống dịch.

Trong 29 ngày qua, cùng với cả nước, Hà Nội không ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng. Ổ dịch cuối cùng của Hà Nội tại thôn Đông Cứu (xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín) đã kết thúc cách ly từ ngày 14/5, hiện trên địa bàn thành phố có 112 ca mắc, trong đó có 101 trường hợp đã được công bố khỏi bệnh. Số người còn cách ly, theo dõi tại cộng đồng là 128 người, còn 13 trường hợp F1.

Hiện Hà Nội đang kiểm soát tốt dịch, không để phát sinh ca lây nhiễm trong cộng đồng. Tuy nhiên, do thời gian tới sẽ có nhiều người từ nước ngoài trở về nên dự báo, có thể sẽ có những ca nhiễm mới từ đối tượng này.

Hà Nội đã chuẩn bị các phương án để kiểm soát dịch, như: Tổ chức giám sát chặt chẽ ngay tại sân bay quốc tế Nội Bài; sẵn sàng hai khu cách ly tập trung để đưa tất cả đối tượng từ nước ngoài về cách ly theo đúng quy trình; thực hiện rà soát, xét nghiệm ngay để không lây lan dịch ra cộng đồng. Bên cạnh đó, thành phố cũng tạo điều kiện cho các chuyên gia, nhà quản lý, công nhân kỹ thuật cao từ nước ngoài về được cách ly đúng quy định.

 Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 Thành phố tại điểm cầu Hà Nội

Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 Thành phố tại điểm cầu Hà Nội

Theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội đã đủ điều kiện để công bố hết dịch. Việc Thủ tướng Chính phủ có quyết định công bố hết dịch hay không, Hà Nội vẫn luôn xác định nhiệm vụ quan trọng là tập trung thực hiện "mục tiêu kép", vừa nghiêm túc thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội".

Về việc bảo đảm ổn định sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý cho biết, vừa qua Hà Nội đã thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội đúng quy định, nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh đã trở lại bình thường, trừ một số loại hình như, vũ trường, quán karaoke... Thời gian tới, Hà Nội sẽ thúc đẩy kích cầu du lịch nội địa, chuẩn bị các điều kiện cho việc đón khách quốc tế ngay khi được phép.

Hà Nội đã chi trả được 99,9% tiền hỗ trợ cho các đối tượng là người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo và cận nghèo gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Các trường hợp hiện chưa chi trả được phần lớn là do vắng mặt tại nơi cư trú.

Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các địa phương rà soát các đối tượng còn lại để hoàn thành việc chi trả tiền hỗ trợ trên tinh thần minh bạch, khách quan, đúng đối tượng, không để xảy ra tiêu cực.

Có thể mở cửa du lịch quốc tế, trrước mắt ở một số nước ngăn ngừa dịch bệnh tốt

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại, trong thời gian vừa qua (gần 30 ngày), chúng ta tiếp tục thành công bước đầu quan trọng trong thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch COVID-19, vừa đẩy mạnh sản xuất kinh doanh để không đứt gãy nền kinh tế.

Chúng ta đã đẩy mạnh gói hỗ trợ an sinh xã hội với tinh thần kịp thời, chống thất thoát, tham nhũng, lạm dụng. Có nhiều tấm gương tốt, những tấm lòng của người dân trong vấn đề này, tự khắc phục khó khăn… Tuy nhiên, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu chính quyền các cấp không được ép dân ký đơn từ chối nhận hỗ trợ của Nhà nước, nếu phát hiện được thì xử lý nghiêm như trường hợp gian lận.

Trong những ngày qua, chúng ta đã có giải pháp mạnh mẽ đối với các loại hình doanh nghiệp, các địa phương, các cấp, các ngành về đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm các hoạt động bình thường trên tinh thần Chỉ thị 19. Ở Việt Nam, hoạt động bình thường về kinh tế-xã hội và các mặt khác đã diễn ra tốt đẹp.

Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta tiếp tục quản lý tốt bên trong và khóa chặt từ bên ngoài. Ngành y tế đã chữa trị thành công nhiều ca bệnh và ra viện. Một số trường hợp rất nặng đã được ngành y tế huy động lực lượng, thuốc men chữa trị với tất cả trách nhiệm cao nhất, Thủ tướng nêu rõ.

“Như vậy, có thể nói, chúng ta đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trong gần 1 tháng qua. Chính phủ ghi nhận và đánh giá cao ngành y tế, các cấp, các ngành trong vấn đề phòng, chống, điều trị COVID-19 để không có ca nhiễm mới trong cộng đồng”.

Thủ tướng cũng đề cập đến chủ trương nhân văn trong việc đưa người Việt Nam là người già, trẻ em, người bị kẹt ở một số nước về Việt Nam với số lượng khá lớn. Trong những trường hợp về nước có người nhiễm COVID-19 nhưng chúng ta đã chủ động cách ly an toàn, có biện pháp quản lý chặt chẽ, không để lây nhiễm ra cộng đồng.

Thủ tướng giao Bộ Ngoại giao công bố các tiêu chí về trường hợp đưa về nước để tiếp tục xem xét, bố trí theo lộ trình. Còn nói chung, người Việt ở nước ngoài nên yên tâm ở nước sở tại vì nếu về dồn dập sẽ không bảo đảm an toàn, gây khó khăn trong nước.

Thủ tướng đánh giá cao Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương trong việc đưa học sinh trở lại trường với gần 100% sĩ số và hiện chưa có sự cố nào. Đây là điều đáng mừng.

Biểu dương cố gắng của các cấp, các ngành, Thủ tướng yêu cầu lực lượng thực thi công vụ tiếp tục đề cao cảnh giác, không để lây nhiễm ra cộng đồng, đặc biệt không để lây chéo trong các khu cách ly, hiện có hơn 12.000 người.

Sau khi xem xét ý kiến của Ban chỉ đạo quốc gia, Thủ tướng nêu rõ, chúng ta không còn tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng. Đây chính là điều kiện để chúng ta thu hút đầu tư phát triển.

Tuy nhiên, không được mất cảnh giác khi dịch bệnh còn lây nhiễm ở nhiều nước và chưa có vaccine, thuốc đặc trị. Các cơ quan chức năng tiếp tục đề cao tinh thần trách nhiệm, nhất là chế độ trực của ngành y tế, để khi có trường hợp phức tạp xảy ra thì kịp thời xử lý tốt nhất.

Chính vì vậy để tiếp tục thực hiện mục tiêu kép thành công hơn nữa, đó là vừa phát triển kinh tế, vừa phòng chống dịch bệnh, ổn định trạng thái bình thường mới cho nhân dân, Thủ tướng yêu cầu các cấp các ngành thực hiện một số nhiệm vụ, trước hết là tiếp tục ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài, chưa cho phép nhập cảnh với khách du lịch, chỉ cấp visa đối với trường hợp như là các nhà đầu tư, chuyên gia, khách công vụ tại Đại sứ quán các nước và yêu cầu thực hiện biện pháp cách ly phù hợp.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ nghe Ban Chỉ đạo quốc gia báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ nghe Ban Chỉ đạo quốc gia báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Tiếp tục tăng cường kiểm soát cư dân đi lại qua đường mòn, lối mở trên các tuyến biên giới đường bộ. Ngành y tế và các cơ quan chức năng tiếp tục đẩy mạnh triển khai hiệu quả các ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch, duy trì các nhóm thông tin phản ứng nhanh để phát hiện sớm, khoanh vùng cách ly dập dịch kịp thời.

Trên tinh thần là Việt Nam không có tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng, các cấp, các ngành, các nhà máy công ty, đơn vị và người dân đẩy mạnh sản xuất, xuất nhập khẩu, đẩy mạnh du lịch nội địa và ngành du lịch cũng như ngành ngoại giao tiếp tục thúc đẩy, chuẩn bị cho mở cửa du lịch quốc tế, trước hết là một số đối tác mà đã ngăn ngừa được dịch bệnh tốt trong thời gian qua. Trong từng trường hợp cụ thể, Bộ trưởng Bộ VHTTDL sẽ báo cáo lên Thủ tướng để xem xét.

Tiếp tục thu hút các dòng đầu tư, có hình thức xúc tiến đầu tư mạnh mẽ hơn, đặc biệt tạo điều kiện cho các chuyên gia, lao động kỹ thuật cao vào Việt Nam để phát triển, đầu tư, làm ăn lâu dài có hiệu quả.

Đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là xuất khẩu các thiết bị, khẩu trang y tế, trong đó có đẩy mạnh xuất khẩu bộ kit thử.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về thành quả cũng như những kinh nghiệm của Việt Nam trong phòng, chống COVID-19.

Thủ tướng đề nghị Ban chỉ đạo có biện pháp tổng kết một bước, đề xuất khen thưởng kịp thời cho các cấp, các ngành, cá nhân và đơn vị liên quan đã có nhiều thành tích trong phòng chống COVID-19.

Giờ đây, các lực lượng nòng cốt trong phòng chống dịch như y tế, quân đội, công an không được lơ là, đặc biệt các địa phương trọng điểm, đông người, Thủ tướng nói. Tuy không còn lây nhiễm trong cộng đồng suốt 1 tháng qua, nhưng phải luôn trong trạng thái sẵn sàng. Theo đó, ngành y tế tiếp tục đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu về thuốc, vaccine, hoàn thiện phác đồ điều trị, lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân. Lực lượng quân đội, công an tiếp tục kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh, thực hiện tốt việc cách ly tập trung, xử lý nghiêm trường hợp tung tin đồn thất thiệt.

Các ngành, các địa phương thực hiện đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về xây dựng, ban hành các bộ tiêu chí an toàn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại bình thường, đặc biệt là chú ý quản lý tốt, tạo thuận lợi nhưng chặt chẽ đối với các chuyên gia, lao động kỹ thuật, các đối tượng từ nước ngoài vào Việt Nam.

Thủ tướng đề nghị có chiến lược phòng chống dịch mới, vừa có hiệu quả về y tế, vừa bền vững về kinh tế. Khi chưa có vaccine, có nghĩa là phòng, chống COVID-19 phải được xem là chiến lược lâu dài.

Công Thọ

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/phong-chong-covid-19-tao-thuan-loi-nhung-quan-ly-chat-che-chuyen-gia-lao-dong-ky-thuat-nuoc-ngoai-vao-viet-nam-384309.html