Phòng, chống dịch bệnh COVID-19 bằng y học cổ truyền

Các nghiên cứu về cây thuốc, bài thuốc và phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc cho thấy y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại có thể giúp bệnh nhân COVID-19 giảm các triệu chứng như sốt, ho, khó thở…, cải thiện khả năng phục hồi. Các phương pháp y học cổ truyền còn giúp nâng cao sức khỏe, làm trong lành môi trường sống để phòng, chống dịch bệnh.

Các thầy thuốc bốc thuốc điều trị cho bệnh nhân (ảnh minh họa). Ảnh: YÊN LAN

Các thầy thuốc bốc thuốc điều trị cho bệnh nhân (ảnh minh họa). Ảnh: YÊN LAN

Những bài thuốc cổ phương

Theo y học cổ truyền, COVID-19 là “ôn dịch” của học thuyết “Ôn bệnh học” và có tên “cảm mạo ôn bệnh”, là một loại bệnh ngoại cảm có tính truyền nhiễm, lây lan mạnh trong cộng đồng. Vị trí gây bệnh là ở tạng phế, tỳ (hô hấp, tiêu hóa). Tùy theo chính khí của mỗi người hoặc phối hợp thêm các nguyên nhân như: nhiệt, thấp, đàm... mà thời gian phát bệnh, nhiều thể bệnh và mức độ bệnh nặng nhẹ khác nhau trên lâm sàng.

Sau khi COVID-19 xuất hiện tại một số địa phương, Bộ Y tế đã có công văn về việc tăng cường phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2 bằng các phương pháp y học cổ truyền. Bộ đưa ra các bài thuốc cổ phương có thể áp dụng để hỗ trợ điều trị COVID-19 từng giai đoạn, tùy từng trường hợp cụ thể.

Trong giai đoạn khởi phát, bệnh ở thời kỳ đầu, phong hàn xâm nhập vào bì mao và phế vệ, bệnh nhân có triệu chứng phát sốt, sợ gió lạnh, hắt hơi, ngạt mũi, ho ít đàm hoặc đàm khó khạc, mạch phù sác, pháp điều trị là sơ phong thanh nhiệt, tuyên phế chỉ khái. Trong giai đoạn này có thể dùng một trong các bài thuốc: Ngân kiều tán, sâm tô tán, nhân sâm bại độc tán, hạnh tô tán…

Đến giai đoạn toàn phát, nếu bệnh biểu hiện ở phần khí, pháp điều trị là tuyên phế, thanh nhiệt, định suyễn; có thể sử dụng bài thuốc ma hạnh thạch cam thang. Nếu bệnh biểu hiện ở phần dinh, pháp điều trị là thanh dinh thấu nhiệt, có thể dùng bài thuốc thanh dinh thang.

Ở giai đoạn phục hồi, pháp điều trị là kiện tỳ ích khí, dùng những bài thuốc bổ âm dương, khí huyết, tạng phủ như: Bảo nguyên thang, thập toàn đại bổ, sinh mạch tán, nhân sâm dưỡng vinh thang, lục vị địa hoàng hoàn hợp sinh mạch ẩm, dưỡng âm thanh phế thang…

Các nghiên cứu về cây thuốc, bài thuốc và phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc cho thấy y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại có thể giúp bệnh nhân COVID-19 giảm các triệu chứng như sốt, ho, khó thở…, cải thiện khả năng phục hồi.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Trước khi được điều chỉnh tạm thời hoạt động từ khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa y học cổ truyền sang khám bệnh, chữa bệnh COVID-19, Bệnh viện Y học cổ truyền Phú Yên đã chia sẻ 3 bài thuốc dùng ngoài và 3 bài thuốc dùng trong để phòng SARS-CoV-2. Thuốc dùng ngoài gồm: dung dịch nhỏ mũi, nước súc miệng và thuốc xông; thuốc dùng trong gồm bài thuốc ngọc bình phong tán, nước ép tỏi và trà - nước thảo dược.

Dung dịch nhỏ mũi là dung dịch tỏi 10% đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định, có tác dụng sát khuẩn. Bà con nhỏ vào mũi mỗi lần một giọt, từ 3-5 lần mỗi ngày. Nước súc miệng gồm tinh dầu quế, bạc hà, nước muối sinh lý hoặc các loại nước súc miệng khác có tác dụng sát khuẩn miệng - họng, bà con súc miệng - họng từ 2-4 lần mỗi ngày. Thuốc xông gồm: kinh giới (12g), lá lốt (8g), bạc hà (10g), trần bì (6g), bạch chỉ (6g), kim ngân hoa (8g) được bào chế dạng bột, có tác dụng sát khuẩn đường hô hấp. Bà con cho toàn bộ thuốc vào trong nồi cùng một lít nước và đun sôi, để lửa nhỏ từ 5-10 phút, sau đó chắt riêng ra một ly khoảng 200ml (dùng để uống), phần còn lại cho ra chén/tô, xông vùng mặt trong vòng 10-15 phút, rồi cho thêm nước ấm vào chén thuốc vừa xông và lau rửa mặt. Sau cùng, bà con uống ly thuốc đã chắt ra trước đó.

Về thuốc dùng trong, ngoài bài thuốc ngọc bình phong tán, có một bài thuốc rất dễ làm là nước ép tỏi. Lấy một lượng tỏi vừa đủ, xay hoặc nghiền nhỏ, lọc lấy nước hòa cùng nước ấm theo tỉ lệ 1:10, chia ra uống nhiều lần trong ngày.

Ngoài ra, bà con có thể sử dụng dược liệu tươi pha chế làm trà, như dùng lá trà tươi (10g), sinh khương bỏ vỏ (10 lát), sắc hoặc hãm uống thay trà trong ngày. Cũng có thể dùng hoắc hương tươi (10g), lá tía tô tươi (10g), lá bạc hà tươi (10g) rửa sạch, sắc hoặc hãm uống thay trà.

BSCKII Trần Hữu Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Phú Yên, cho biết: “Dựa vào hướng dẫn của Bộ Y tế, của Cục Quản lý y, dược cổ truyền về các bài thuốc hỗ trợ điều trị và các phương pháp dự phòng, chúng tôi rút ra, triển khai cho đơn vị. Thuốc dùng trong hỗ trợ điều trị các triệu chứng, tăng sức đề kháng cho cơ thể; thuốc dùng ngoài dùng để sát khuẩn mũi, miệng - họng. Tinh dầu có tính kháng khuẩn cao”.

Việc quan trọng không kém là vệ sinh phòng ở, phòng làm việc để những nơi này luôn sạch sẽ. Có thể xông phòng ở, phòng làm việc bằng dược liệu chứa tinh dầu như sả chanh, bạc hà, quế, mùi (ngò), bưởi, tràm gió, kinh giới, tía tô… Cho một hoặc nhiều loại dược liệu, từ 200-400g (tùy diện tích phòng) vào nồi, đổ nước ngập dược liệu, đậy nắp, đun sôi lăn tăn rồi mở nắp để hơi nước bão hòa tinh dầu khuếch tán ra không gian. Tiếp tục đun sôi nhỏ lửa thêm 30 phút, đóng cửa phòng khoảng 20 phút. Nếu không có dược liệu chứa tinh dầu, có thể sử dụng tinh dầu sả chanh, bạc hà, hương nhu, bưởi, tràm, quế được cơ quan có thẩm quyền cấp phép lưu hành, lấy từ 2-4ml tinh dầu hòa tan trong ethanol 75%, cho vào bình xịt phun sương, lắc đều và xịt quanh phòng hoặc xịt vào những nơi cần sát khuẩn, sau đó đóng cửa phòng khoảng 20 phút, mỗi ngày xịt 2-3 lần. Các thầy thuốc lưu ý không xông tinh dầu trong phòng ngủ có trẻ em dưới 30 tháng tuổi, trẻ em có tiền sử co giật do sốt cao, động kinh, người có dị ứng với tinh dầu.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, ngoài việc tuân thủ nghiêm yêu cầu 5K và các quy định phòng chống dịch, nâng cao sức khỏe, vệ sinh môi trường sống là điều hết sức cần thiết.

Các thầy thuốc lưu ý: Để nâng cao sức đề kháng của cơ thể, bà con cần có chế độ ăn uống đa dạng, giàu chất dinh dưỡng, nhiều vitamin; nên ăn nhiều rau củ quả, tránh ăn nhiều thức ăn chiên xào; hạn chế thuốc lá, rượu, bia, cà phê; cân bằng thời gian làm việc và nghỉ ngơi; tránh căng thẳng, tránh thức khuya (đi ngủ trước 22 giờ); tự xoa bóp toàn thân lúc sáng dậy; tập thở bụng ngày 4 lần, mỗi lần từ 3-5 phút; tập thể dục (thư giãn) giữa giờ…

YÊN LAN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/417/261575/phong-chong-dich-benh-covid-19-bang-y-hoc-co-truyen.html