Phòng chống dịch bệnh COVID-19 từ cơ sở

Hơn 45.000 người mắc, hơn 1.100 người tử vong, COVID-19 - dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV) đang làm cho cả thế giới quan ngại. Các hoạt động truyền thông phòng chống dịch bệnh này đang được đẩy mạnh, ngay từ cơ sở.

Một người dân xem thông tin về COVID-19 ở “Góc truyền thông” của Trạm Y tế xã An Phú (TP Tuy Hòa). Ảnh: YÊN LAN

Một người dân xem thông tin về COVID-19 ở “Góc truyền thông” của Trạm Y tế xã An Phú (TP Tuy Hòa). Ảnh: YÊN LAN

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông, không chỉ các cơ quan thông tin đại chúng mà các cơ sở y tế cũng đã đẩy mạnh hoạt động này. Các trạm y tế y xã, phường, thị trấn - nơi đầu tiên người dân có thể tiếp cận khi đau bệnh - đã thể hiện vai trò phòng chống dịch bệnh COVID-19 ngay tại cơ sở.

Đến Trạm Y tế xã An Phú (TP Tuy Hòa), người dân dễ dàng nhìn thấy “Góc truyền thông” được trang trí bắt mắt - nơi các thông tin liên quan đến việc bảo vệ sức khỏe, phòng ngừa dịch bệnh được đưa lên, cập nhật cho bà con trong xã, đặc biệt là trong giai đoạn dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV đang diễn biến phức tạp.

Phó trưởng Trạm Y tế xã An Phú Lương Thị Mộng Hằng cho biết: “Chúng tôi lồng ghép tuyên truyền phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV cho bà con khi họ đến khám chữa bệnh tại trạm y tế. Ngoài ra, chúng tôi thường gửi các thông tin, bài viết đến đài truyền thanh xã để phát trên hệ thống loa phóng thanh, cập nhật cho bà con biết tình hình dịch bệnh, đặc biệt là cách phòng ngừa”.

Tên chính thức của bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV: COVID-19

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết tên gọi chính thức của bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV) là COVID-19. Tên gọi mới này gọi tắt của coronavirus diseases 2019, theo các từ khóa “corona”, “virus”, “disease” (dịch bệnh) và 2019 (là năm mà vi rút xuất hiện).

Bình quân mỗi ngày, Trạm Y tế xã An Phú đón khoảng 50 người đến khám chữa bệnh, có khi nhiều hơn. Thời gian vừa qua, do thời tiết thay đổi, số bệnh nhân bị viêm mũi - họng đến khám tăng lên. Chị Hằng cho biết: “Khi bà con đến khám, nhân viên y tế sàng lọc kỹ, tìm hiểu xem họ có đi đến vùng dịch hay không, có tiếp xúc với nguồn lây hay không… và tư vấn cho bà con cách phòng chống dịch bệnh”.

Trạm Y tế xã An Hòa (huyện Tuy An) cũng rất chú trọng đến công tác truyền thông song song với các hoạt động khác nhằm phòng chống dịch bệnh. Quyền trưởng trạm Trần Thị Thanh Tuyền cho biết, việc phun CloraminB khử khuẩn các trường học trên địa bàn xã đã hoàn tất từ tuần trước. Mấy tuần nay, trạm y tế thường xuyên có thông tin tuyên truyền phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV phát trên đài truyền thanh xã, góp phần giúp người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa; song song đó là truyền thông cho người dân khi họ đến khám chữa bệnh tại trạm.

Những tờ rơi “Chủ động phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới vi rút Corona (nCoV)” do Sở Y tế Phú Yên cấp cũng đã được phát cho người dân. “Bệnh nhân đến khám mà có các triệu chứng sốt, ho, chảy nước mũi…, chúng tôi tìm hiểu kỹ về yếu tố dịch tễ và tư vấn cho họ, nếu có nghi ngờ thì sẽ thông tin và chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh”, chị Tuyền nói.

Nỗ lực của y tế tuyến xã nhằm phát hiện sớm trường hợp viêm đường hô hấp cấp do nCoV, xử lý kịp thời không để dịch lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất tỉ lệ mắc và tử vong.

COVID-19, bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút nCoV được phát hiện lần đầu tiên tại TP Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) vào tháng 12/2019. Đến nay dịch bệnh đã lan ra nhiều thành phố của Trung Quốc và 27 quốc gia/vùng lãnh thổ.

Đến 17 giờ ngày 12/2, thế giới ghi nhận 45.171 người mắc, 1.115 người tử vong, trong đó lục địa Trung Quốc: 1.113 người tử vong, Philippines: 1 người tử vong, Hồng Kông (Trung Quốc): 1 người tử vong.

Việt Nam ghi nhận 15 người mắc COVID-19, gồm: 2 cha con người Trung Quốc (đều đã khỏi và xuất viện), 6 người Việt Nam trở về từ Vũ Hán (4 người đã khỏi và xuất viện), 5 người Việt Nam có tiếp xúc gần với bệnh nhân nhiễm COVID-19 (1 người đã khỏi và xuất viện), 1 người Mỹ đến Việt Nam, trước đó có quá cảnh tại Vũ Hán và 1 bệnh nhi 3 tháng tuổi, có tiếp xúc gần với bệnh nhân COVID-19.

Trong khi các nhà khoa học trên khắp thế giới đang thảo luận cách chiến đấu với đại dịch COVID-19, người dân có thể phòng ngừa dịch bệnh này bằng cách thường xuyên rửa tay bằng xà phòng kết hợp với các biện pháp vệ sinh hô hấp, vệ sinh cá nhân, vệ sinh vật dụng, dụng cụ, sử dụng khẩu trang đúng cách…

Bộ Y tế khuyến cáo rửa tay bằng xà phòng trong ít nhất 20 giây để phòng lây nhiễm nCoV. Rửa tay nhiều lần trong ngày, sau khi ho, hắt hơi, sau khi tháo khẩu trang, sau khi chăm sóc người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh, sau khi tiếp xúc với dịch tiết mũi, họng, ho hắt hơi của người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh, trước các bữa ăn và trước khi chế biến thực phẩm, sau khi tiếp xúc với động vật hoặc chất thải của động vật, sau khi đi vệ sinh.

Nếu không có xà phòng và nước sạch, có thể rửa tay bằng dung dịch rửa tay có cồn.

Các bước rửa tay thường quy bao gồm:

Bước 1: Làm ướt hai lòng bàn tay bằng nước, lấy xà phòng vào lòng bàn tay. Chà hai lòng bàn tay vào nhau.

Bước 2: Chà lòng bàn tay này lên mu bàn tay kia và ngược lại.

Bước 3: Chà hai lòng bàn tay vào nhau, miết mạnh các ngón tay vào các kẽ ngón.

Bước 4: Chà mu các ngón tay này lên lòng bàn tay kia và ngược lại (mu tay để khum khớp với lòng bàn tay).

Bước 5: Chà ngón cái của bàn tay này vào lòng bàn tay kia và ngược lại (lòng bàn tay ôm lấy ngón cái).

Bước 6: Chà các đầu ngón tay này vào lòng bàn tay kia và ngược lại. Rửa sạch tay dưới vòi nước chảy đến cổ tay và làm khô tay.

YÊN LAN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/417/234919/phong-chong-dich-benh-covid-19-tu-co-so.html