Phòng, chống dịch bệnh để phát triển chăn nuôi bền vững

Dự đoán năm 2024, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp hơn. Do đó, ngay từ đầu năm, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã có văn bản chỉ đạo các tỉnh, thành chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh.

Trang trại chăn nuôi gia cầm tại xã Cây Gáo, huyện Trảng Bom. Ảnh: B.Nguyên

Trang trại chăn nuôi gia cầm tại xã Cây Gáo, huyện Trảng Bom. Ảnh: B.Nguyên

Tại Đồng Nai, ngành chăn nuôi - thú y đã chủ động triển khai kế hoạch phòng, chống dịch ngay từ đầu năm. Việc xây dựng và duy trì các vùng chăn nuôi an toàn được các địa phương chú trọng thực hiện.

* Chú trọng công tác tiêm phòng cho vật nuôi

Đồng Nai có mật độ chăn nuôi cao, có các tuyến giao thông huyết mạch đi qua nên áp lực về dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm rất lớn. Tuy nhiên, nhờ chủ động triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi nên các địa phương của tỉnh vẫn phát triển tốt đàn gia súc, gia cầm.

Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và thú y Đồng Nai, việc phân vùng nguy cơ với dịch bệnh cúm gia cầm, toàn tỉnh có 7/14 huyện, thành phố có nguy cơ thấp, có 4 huyện nguy cơ cao. Tuy nhiên, tình hình dịch cúm gia cầm tại các địa phương có nguy cơ cao vẫn được kiểm soát tốt. Giai đoạn 2019-2022, các địa phương có nguy cơ cao về dịch cúm gia cầm chỉ xảy ra 5 ổ dịch. Từ năm 2023 đến nay, các địa phương trên chưa xảy ra ổ dịch mới. Về dịch lở mồm long móng, các năm 2022 và 2023, toàn tỉnh có 59 xã có ổ dịch hoặc lưu hành virus lở mồm long móng.

Trong đó, công tác tiêm phòng vaccine luôn được chú trọng. Năm 2023, tổng số vaccine phòng các loại dịch bệnh trên động vật được người dân sử dụng hơn 29,4 triệu liều; tiêm phòng từ nguồn ngân sách gần 675 ngàn liều. Tỉnh tiếp tục duy trì 5 vùng an toàn dịch bệnh cấp huyện.

Ông Trần Minh Tiến, chủ trang trại chăn nuôi gia cầm tại xã Bàu Cạn (huyện Long Thành) chia sẻ, việc chủ động phòng ngừa, thực hiệu tốt công tác tiêm vaccine phòng bệnh dịch đóng vai trò rất quan trọng. Chăn nuôi trong trại lạnh theo quy trình khép kín cũng góp phần đảm bảo an toàn sinh học. Trại nuôi kiểm soát kỹ không để một con ruồi vào trong chuồng gieo mầm bệnh. Với hệ thống cho ăn uống hoàn toàn tự động, vật nuôi ít tiếp xúc với bên ngoài cũng như con người nên hạn chế được dịch bệnh.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y Đồng Nai Nguyễn Trường Giang nhận xét, chăn nuôi quy mô trang trại trên địa bàn tỉnh chiếm hơn 90% tổng đàn nuôi. Các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi đa số chấp hành tốt việc chăn nuôi an toàn sinh học và quản lý dịch bệnh. Công tác giám sát lưu hành virus giúp phát hiện sớm mầm bệnh, chủ động trong việc phòng dịch bệnh và làm cơ sở khoa học cho việc đề xuất tổ chức tiêm phòng ở khu vực nguy cơ cao. Năm 2023, công tác tiêm phòng của nhiều địa phương được triển khai nhanh, vượt kế hoạch đề ra. Một số địa phương xảy ra ổ dịch đã triển khai ngay và hiệu quả các biện pháp phòng, chống, khống chế không để dịch bệnh lây lan diện rộng.

Tại Hội nghị Đánh giá và triển khai nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh trên động vật năm 2024 vừa diễn ra, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi nhấn mạnh, Đồng Nai có quy mô chăn nuôi lớn nên để xảy ra dịch bệnh sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất cũng như sức khỏe cộng đồng. Thực hiện tốt công tác phòng dịch, quản lý an toàn dịch bệnh tốt thì mới ổn định được sản xuất.

* Chăn nuôi an toàn

Năm 2023, giá heo hơi và nhiều sản phẩm gia cầm thấp, nhiều thời điểm giá sản phẩm chăn nuôi bán ra thấp hơn so với giá thành sản xuất. Chăn nuôi theo quy trình khép kín, đảm bảo an toàn sinh học, giảm hao hụt đàn nuôi vì dịch bệnh là giải pháp được doanh nghiệp, chủ trang trại rất chú trọng nhằm giảm giá thành sản xuất. Đây cũng là giải pháp để phát triển chăn nuôi bền vững.

Ông Nguyễn Xuân Trường, chủ trại chăn nuôi gà tại xã Hưng Lộc (huyện Thống Nhất) cho biết, thời gian qua, chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn vì giá sản phẩm chăn nuôi thường ở mức thấp, giá thức ăn chăn nuôi luôn ở mức cao. Tuy chăn nuôi quy mô hộ gia đình nhỏ lẻ nhưng ông Trường quan tâm ứng dụng đệm lót sinh học, chất thải trong chăn nuôi được xử lý thành phân hữu cơ bón cho cây trồng.

Ông Trường chia sẻ: “Trang trại của gia đình tôi dần chuyển sang chăn nuôi theo hướng hữu cơ. Việc chuẩn hóa quy trình tiêm phòng vaccine được chú trọng. Trang trại cũng chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh sinh học hơn chữa bệnh để sức đề kháng của đàn gà khỏe hơn, giảm tỷ lệ hao hụt vì dịch bệnh, chất lượng trứng, thịt ngon hơn”.

Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Trí Công cho rằng, tình trạng nhập khẩu thịt giá rẻ tràn lan; các cơ sở, điểm bán thịt đông lạnh xuất hiện khắp nơi cũng là nguồn nguy cơ gây lây lan dịch bệnh. Theo đó, các cơ quan chức năng phải kiểm soát tốt an toàn chăn nuôi và vệ sinh dịch bệnh. Ngoài ra, việc kiểm soát chặt, hạn chế giết mổ lậu không chỉ góp phần rất lớn trong phòng, chống dịch bệnh lây lan, mà còn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Những vấn đề trên đều cần được giải quyết rốt ráo để ngành chăn nuôi phát triển bền vững.

Bình Nguyên

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202403/phong-chong-dich-benh-de-phat-trien-chan-nuoi-ben-vung-1c956d9/