Phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm
Những năm qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi và ảnh hưởng đến tình hình phát triển chăn nuôi của tỉnh. Để phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, hạn chế thấp nhất các ổ dịch tái phát cũng như kiểm soát các loại bệnh dịch mới, nhất là vào thời điểm giao mùa, các sở, ban, ngành, các địa phương đã và đang tăng cường công tác phòng dịch bệnh theo quy định.
Trang trại chăn nuôi gia cầm của gia đình chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh, xã Trường Xuân (Thọ Xuân).
Trang trại chăn nuôi gà của gia đình chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh được xem là một trong những mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả trên địa bàn xã Trường Xuân (Thọ Xuân). Tận dụng thế mạnh đất vườn đồi, với đàn gà có số lượng hơn 10.000 con, chị kết hợp giữa nhốt chuồng và chăn thả tự nhiên. Ý thức được các loại dịch bệnh nguy hiểm có thể tái phát, gây hại cho vật nuôi bất cứ lúc nào, chị Hạnh đã chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, như: lựa chọn con giống có nguồn gốc, được kiểm định chất lượng và tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin; thực hiện nuôi cách ly với thời gian quy định trước khi đưa vào nuôi trong đàn; đồng thời, thực hiện vệ sinh tiêu độc, khử trùng chuồng trại và áp dụng các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi... Vì vậy, từ khi đầu tư phát triển trang trại chăn nuôi đến nay, trang trại chăn nuôi gà của gia đình chị Hạnh không xảy ra dịch bệnh, gà lớn nhanh, thịt săn chắc, trứng gà bảo đảm chất lượng.
Hiện nay, huyện Thọ Xuân có trên 1,6 triệu con gia súc, gia cầm; trong đó, có hơn 20.000 con trâu, bò; 44.000 con lợn và trên 1 triệu con gia cầm. Mặc dù trên địa bàn huyện hiện chưa xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, nhưng trước nguy cơ xâm nhiễm, lây lan dịch bệnh, huyện khuyến cáo các hộ chăn nuôi không được lơ là, chủ quan mà phải tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Huyện đã chỉ đạo các địa phương tiến hành rà soát tổng đàn, tăng cường giám sát chặt chẽ về con giống để tái đàn, tăng đàn; chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Bên cạnh đó, huyện đã chỉ đạo các trạm thú y tiến hành phun hóa chất tiêu độc, khử trùng, rắc vôi bột các trang trại chăn nuôi; quản lý chặt chẽ việc vận chuyển, giết mổ, chế biến, tiêu thụ thịt gia súc, gia cầm. Hiện nay, huyện Thọ Xuân đã bắt đầu triển khai công tác tiêm phòng vắc-xin đợt 1 năm 2021 đến các xã, thị trấn; bảo đảm đúng tiến độ, an toàn; việc quản lý, cấp phát và sử dụng vắc- xin đúng quy định, đúng đối tượng trong suốt thời gian thực hiện.
Năm 2021, toàn tỉnh đề ra mục tiêu tổng đàn lợn đạt 1,185 triệu con, đàn bò 256.000 con, đàn gia cầm 23 triệu con,... Để thực hiện được mục tiêu này, cùng với ngành nông nghiệp, chính quyền các địa phương đã khuyến cáo, hướng dẫn các cơ sở, hộ chăn nuôi thực hiện nghiêm ngặt công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Theo đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã phối hợp với các địa phương chủ động triển khai tiêm phòng đợt 1 năm 2021 cho đàn vật nuôi. Tính đến trung tuần tháng 3, các địa phương đã thực hiện tiêm phòng 6 loại vắc-xin cơ bản cho đàn vật nuôi, là: cúm gia cầm, dại cho chó, mèo, lở mồm, long móng gia súc, tụ huyết trùng trâu bò, tụ dấu lợn, dịch tả lợn. Bên cạnh đó, lấy 1.056 mẫu để giám sát phát hiện dịch bệnh, 320 mẫu đánh giá bảo hộ tiêm phòng của vắc-xin đã được chi cục kiểm soát nhằm phát hiện sớm các ổ dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm tại các địa phương.
Đại diện lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, cho biết: Vừa qua, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện dịch bệnh cúm gia cầm A/H5N6 và bệnh viêm da nổi cục trâu, bò tại một số hộ chăn nuôi. Để kiểm soát dịch bệnh, tại các địa phương đã thành lập chốt kiểm dịch động vật trên các tuyến giao thông ra vào địa bàn nhằm ngăn chặn không đưa gia cầm, sản phẩm gia cầm ra ngoài vùng dịch. Thực hiện tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi, chuồng trại; đồng thời, tổ chức tiêm phòng bao vây ổ dịch tại các thôn chưa có dịch trong xã và các xã tiếp giáp xã có dịch,... Đến nay, các dịch bệnh đã được kiểm soát, không xảy ra tình trạng lây lan dịch bệnh. Thời gian tới, để phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, hạn chế thấp nhất các ổ dịch tái phát cũng như kiểm soát các loại bệnh dịch mới, nhất là vào thời điểm giao mùa, các địa phương cần tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch theo quy định; giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh. Thường xuyên kiểm tra vật nuôi để phát hiện sớm những bất thường trên đàn gia súc, gia cầm. Kiểm tra lượng thức ăn, nước uống tiêu thụ hàng ngày của gia súc, gia cầm để biết được tình trạng sức khỏe đàn gia súc, gia cầm. Đồng thời, nhanh chóng khai báo với cán bộ thú y cơ sở, chính quyền địa phương khi nghi ngờ con nuôi mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm để được hướng dẫn phòng, chống và có biện pháp can thiệp kịp thời, tránh lây lan, bùng phát dịch bệnh. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho người dân thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học; thực hiện phun thuốc sát trùng hoặc rắc vôi bột để tẩy uế chuồng trại và khu vực xung quanh chuồng nuôi; bổ sung chất dinh dưỡng, khoáng chất để nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi. Mặt khác, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật, chế biến các sản phẩm không bảo đảm yêu cầu về phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/phong-chong-dich-benh-gia-suc-gia-cam/133005.htm