Phòng, chống dịch bệnh phải từ ý thức người dân

Tại Hội nghị tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh (PCDB) mùa đông-xuân và triển khai các nhiệm vụ y tế trọng tâm cuối năm 2019 do Bộ Y tế tổ chức mới đây, đại diện lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, công tác PCDB chủ yếu dựa vào sự tham gia của cộng đồng; do vậy, ý thức tự phòng bệnh của người dân cần được nâng cao hơn nữa.

Thời điểm này miền Bắc nước ta đang là mùa đông, nhiệt độ môi trường liên tục thay đổi, đặc biệt sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn… làm cho cơ thể con người phải tiêu tốn nhiều năng lượng; trong khi đó, sức đề kháng giảm, người sức khỏe yếu, trẻ em không thích nghi kịp sẽ dễ bị nhiễm bệnh. Mặt khác, điều kiện môi trường thời gian này rất thuận lợi cho các mầm bệnh (vi khuẩn, vi-rút) phát triển và lây lan. Với những người mắc các bệnh mãn tính, đây sẽ là thời gian bệnh tiến triển nặng hơn. PGS, TS Đặng Quang Tấn, Phó cục trưởng phụ trách, quản lý và điều hành Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, mùa đông-xuân và những tháng cuối năm là thời điểm dễ lây truyền các dịch bệnh truyền nhiễm, như: Sởi, sốt xuất huyết (SXH), tay chân miệng, cúm A/H7N9, Mers-CoV...

 Khám cho bệnh nhân SXH. Ảnh: QUANG MINH.

Khám cho bệnh nhân SXH. Ảnh: QUANG MINH.

Riêng về bệnh SXH, PGS, TS Đặng Quang Tấn cho biết, hiện nước ta có 250.000 ca mắc, đã có 49 ca tử vong. Bệnh SXH liên quan nhiều đến biến đổi khí hậu và các ổ bọ gậy không được xử lý. Do đó, công tác PCDB là rất quan trọng. Song, nhận thức của người dân hiện nay còn hạn chế và chưa tự giác tham gia các hoạt động PCDB tại cộng đồng. Chính quyền một số địa phương cũng chưa quan tâm, chưa quyết liệt chỉ đạo các biện pháp PCDB...; nhiều người dân hiểu vẫn chưa đầy đủ, cho rằng chỉ cần phun thuốc diệt muỗi là tiêu diệt được vật trung gian truyền bệnh và là cách hữu hiệu để phòng bệnh; phó thác toàn bộ việc PCDB cho ngành y tế. Như vậy, để nâng cao hiệu quả phòng, chống bệnh SXH, bên cạnh các hoạt động chuyên môn, như: Phun thuốc diệt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy, giám sát chặt chẽ tình hình dịch… thì công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức trách nhiệm, kiến thức để người dân dọn vệ sinh môi trường khu vực sinh sống, hạn chế tối đa muỗi sinh sôi, phát triển là vô cùng cần thiết. Để làm được điều này, rất cần sự quan tâm, vào cuộc hơn nữa của các cấp, ban, ngành, đoàn thể xã hội. Người dân hằng tuần cần thực hiện các biện pháp diệt bọ gậy, thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, đậy kín tất cả dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ; ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày; phối hợp với ngành y tế phun hóa chất PCDB. Nếu bị sốt phải đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.

Năm 2019-2020, nhiệm vụ trọng tâm trong PCDB đông-xuân là chủ động kiểm soát tốt dịch bệnh, không để bùng phát dịch trong mùa đông-xuân và mùa lễ hội; nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền, các bộ, ban, ngành, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương; tăng cường giám sát, phát hiện sớm các bệnh dịch nguy hiểm, các ổ dịch tại cộng đồng, xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống dịch bệnh; nâng cao tỷ lệ tiêm chủng đạt 95% quy mô xã, phường; sẵn sàng thu dung, cấp cứu, điều trị hạn chế thấp nhất tử vong; tăng cường truyền thông PCDB và tập huấn nâng cao năng lực các tuyến về giám sát, đáp ứng, điều trị; bảo đảm hậu cần cho công tác phòng, chống dịch.

Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên triển khai hệ thống dự báo SXH khu vực châu Á. Đây là mô hình dựa trên nền tảng web, tích hợp các dữ liệu được quan trắc từ vệ tinh, kết hợp với các dữ liệu tỷ lệ mắc SXH để dự báo sớm trước vài tháng về khả năng bùng phát dịch SXH ở phạm vi huyện, tỉnh trên lãnh thổ Việt Nam và khu vực...

AN AN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/y-te/phong-chong-dich-benh-phai-tu-y-thuc-nguoi-dan-604849