Phòng, chống dịch Covid-19: Siêu thị cam kết đảm bảo đủ hàng, không tăng giá
Doanh nghiệp bán lẻ Hà Nội cam kết đảm bảo đủ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, thực phẩm tươi sống cung ứng cho thị trường trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Đó là khẳng định của các DN bán lẻ tại cuộc họp khẩn cấp gấp về tình hình cung ứng hàng hóa tại Hà Nội do Bộ Công Thương tổ chức chiều 7/3.
Báo cáo của một số DN phân phối cho thấy lượng khách đến mua hàng từ sáng 7/3 tăng mạnh, nhiều siêu thị đã tăng mạnh lượng hàng dự trữ cung ứng cho thị trường trong bối cảnh dịch. Cụ thể, chuỗi Big C tăng 300% lượng hàng, chuỗi BRG Retail (Hapro, Intimex, Fujj Mart) tăng 300%, chuỗi Saigon Co.op Mart tăng 50%, chuỗi Vinmart tăng 30 - 50%...
Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Retail (DN quản lý khai thác hệ thống siêu thị Big C) Nguyễn Thị Phương cho biết: trong ngày 7/3 lượng khách đến mua sắm tại hệ thống siêu thị Big C tăng 3-4 lần so với ngày thường, mặt hàng tiêu thụ nhiều nhất là các loại thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô, giấy vệ sinh... Mặc dù sức tiêu thụ tăng mạnh nhưng Big C vẫn đáp ứng đầy đủ nhu cầu mua sắm của người dân.
"Dự kiến ngày 8/3, Big C sẽ mở cửa bán hàng từ 8 giờ sáng đến 23 - 24h đến khi hết khách hàng mới đóng cửa dừng kinh doanh doanh, đồng thời cam kết không tăng giá sản phẩm, kêu gọi khách hàng bớt tâm lý lo lắng.
Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan khẳng định: Ngành công thương Hà Nội đã xây dựng kịch bản dự trữ hàng hóa cho 4 cấp độ dịch. Cơ quan này đã xây dựng phương án dự trữ hàng hóa cho cả trường hợp 1.000 người phải cách ly vì bệnh Covid-19. "Hàng hóa đã được dự trữ và phân phối, sẵn sàng cung ứng trong trường hợp dịch", bà Lan chia sẻ.
Trong khi đó, đại diện hệ thống siêu thị Co.op Mart cho biết: Tính đến ngày 6/3 hệ thống siêu thị Co.op Mart toàn quốc dự trữ lượng hàng hóa cho mùa dịch Covid-19 trị giá 500 tỷ đồng, trong đó số lượng hàng hóa phục vụ thị trường Hà Nội trị giá 100 tỷ đồng. Ngay sau khi có thông tin về trường hợp 1 người nhiễm Covid-19, hệ thống Co.op Mart đã huy động hàng từ miền Nam, miền Tây, rau quả Đà Lạt, hàng đông lạnh để chuyển tới thị trường Hà Nội và cam kết không tăng giá.
Tương tự, Giám đốc Công ty bán lẻ BRG Nguyễn Thái Dũng cũng thông tin: Tính đến trưa ngày 7/3 hệ thống bán lẻ BRG (Intimex, Hapro, Seika...) đã tiêu thụ 1,4 tấn gạo, 70.000 gói mỳ tôm, 1 tấn thịt, 2,6 tấn rau củ.... hiện trong kho đang tồn 7 tấn gạo, 557 thùng mỳ tôm và và doanh nghiệp đã vận chuyển về hệ thống siêu thị thêm 7 tấn gạo, 500 thùng mỳ tôm.
Đại diện MM Mega Market khẳng định đảm bảo được lượng hàng hóa thiết yếu trong hệ thống phân phối của mình. Siêu thị này đã tăng lượng hàng bán ra 20 - 40% so với kế hoạch. Bên cạnh đó, MM Mega Market đang làm việc với nhà cung cấp để đặt hàng và tăng số lượng xe giao hàng đến các trung tâm, đặc biệt là các trung tâm ở khu vực miền Bắc, tránh tình trạng thiếu hàng và sốt giá.
"Hiện tại, mặt hàng gạo, thực phẩm chế biến, thực phẩm tươi sống đã được tập trung chủ động nguồn hàng, tăng lượng mua vào với tổng giá trị hàng hóa hơn 1.200 tỷ đồng. Siêu thị cũng đã tăng lượng hàng hỗ trợ phòng ngừa bệnh truyền nhiễm như khẩu trang y tế, nước rửa tay từ 190% lên 1.500%", đại diện DN cho biết.
Nhằm đảm bảo lượng hàng hóa cung ứng cho thị trường, chống khan hàng tăng giá, tại cuộc họp các siêu thị có chung phản ánh đã yêu cầu các nhà cung ứng đầy đủ các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, không tăng giá bán.
Thực tế cho thấy, đã xẩy ra hiện tượng một số người lợi dụng tâm lý dự trữ hàng hóa của người dân để thu gom, mua vét, găm hàng, tăng giá bất hợp lý... Để ngăn chặn hiện tượng này, Tổng cục Quản lý thị trường cho biết đã có công văn hỏa tốc chỉ đạo các đội QLTT giám sát chặt địa bàn, xử lý nghiêm, kịp thời hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để mua vét, mua gom hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lý.
Đặc biệt, chú trọng việc phát hiện kịp thời để xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa do dịch bệnh để sản xuất, kinh doanh, buôn bán, vận chuyển hàng giả, hàng kém chất lượng.
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trấn Tuấn Anh đề nghị tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, triển khai các biện pháp nhằm hỗ trợ tăng nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho địa bàn Hà Nội. Tổng Cục quản lý thị trường chỉ đạo giám sát chặt địa bàn, xử lý nghiêm, kịp thời hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để mua vét, mua gom, định giá hàng hóa bất hợp lý; kiểm soát việc lợi dụng tình hình thị trường bất ổn để kinh doanh hàng giả, nhái, kém chất lượng.
Cục Thương mại điện tử và kinh tế số đẩy mạnh các hoạt động, hình thức mua bán hàng hóa trực tuyến để tăng khả năng đáp ứng nhu cầu hàng hóa cho người dân, nhất là cho các khu vực bị cách ly.
Sở Công Thương Hà Nội đôn đốc, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phân phối tăng cường các biện pháp cung ứng, điều phối và bán lẻ các hàng hóa phục vụ người dân. Các doanh nghiệp phân phối bán lẻ tiếp tục làm việc với các nhà cung cấp để bảo đảm nguồn cung, chất lượng hàng hóa cung cấp cho hệ thống bán hàng của doanh nghiệp một cách tốt nhất, nhanh nhất.