Phòng, chống dịch Covid-19 trong hoạt động thương mại, dịch vụ
Toàn tỉnh hiện có 107 chợ, 23 siêu thị và hàng chục nghìn cơ sở kinh doanh. Hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ trên địa bàn diễn ra sôi động, nhất là tại trung tâm các huyện, thị xã, thành phố, gần các khu công nghiệp. Triển khai thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ ngành Công Thương tăng cường theo dõi tình hình thị trường; chỉ đạo các đơn vị sản xuất, phân phối hàng hóa thiết yếu trên địa bàn tăng lượng hàng dự trữ, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng; đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người dân mua sắm hàng hóa trực tuyến để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh do tập trung mua bán đông người; tăng cường kiểm tra, yêu cầu các đơn vị kinh doanh trên địa bàn thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của tỉnh và từng địa phương.
Người dân đo thân nhiệt, khai báo y tế trước khi vào chợ Gạo (thành phố Hưng Yên)
Theo đánh giá của ngành chức năng, các siêu thị, cơ sở kinh doanh trên địa bàn không chỉ thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch mà còn chủ động tốt nguồn cung, đáp ứng đủ số lượng hàng hóa, nhất là lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm và các sản phẩm phục vụ phòng, chống dịch. Anh Nguyễn Kim Hùng, Giám đốc Siêu thị The City (Yên Mỹ) cho biết: Những biện pháp phòng, chống dịch được siêu thị triển khai và duy trì từ đầu năm đến nay như: Thường xuyên tuyên truyền tới khách hàng về các biện pháp phòng, chống dịch qua hệ thống loa; bố trí nhân viên tại các cửa ra, vào yêu cầu khách hàng đo thân nhiệt, khai báo y tế, rửa tay sát khuẩn và đeo khẩu trang trước khi vào siêu thị. Nhìn chung khách hàng đến mua sắm đều có ý thức chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch. Cùng với đó, siêu thị chủ động dự trữ nguồn hàng, nhất là các mặt hàng thiết yếu để bảo đảm cung ứng cho người dân.
Chợ Gạo (thành phố Hưng Yên) có gần 300 hộ kinh doanh, buôn bán thường xuyên. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, thực hiện yêu cầu của UBND thành phố Hưng Yên, từ ngày 5.11 đến ngày 18.11, chợ tạm dừng kinh doanh các mặt hàng không thiết yếu; chỉ cho phép tiểu thương kinh doanh các mặt hàng thực phẩm, nhu yếu phẩm; đóng tất cả các cửa phụ, chỉ mở cửa chính để nâng cao hiệu quả kiểm soát dịch. Ông Thái Đình Cảnh, Trưởng Ban quản lý chợ Gạo cho biết: Để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19, Ban quản lý chợ duy trì lực lượng thường xuyên nhắc nhở tiểu thương, khách mua hàng chấp hành đúng quy định phòng, chống dịch; thực hiện sát khuẩn tay, đo thân nhiệt, khai báo y tế cho tiểu thương, khách vào chợ; thường xuyên thông tin về tình hình dịch bệnh, các quy định phòng, chống dịch đến tiểu thương và người dân thông qua hệ thống loa truyền thanh; vệ sinh, khử khuẩn khuôn viên chợ...
Căn cứ vào diễn biến dịch Covid-19 trên địa bàn, từ đầu tháng 11, thành phố Hưng Yên và các huyện: Văn Giang, Văn Lâm, Khoái Châu đã ban hành các văn bản chỉ đạo tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, trong đó, yêu cầu các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, game, internet, massage, gym, yoga, cắt tóc, gội đầu, khu vui chơi, ăn uống vỉa hè tạm dừng hoạt động; nhà hàng, quán ăn, quán cà phê, quán giải khát chỉ phục vụ khách mua hàng mang đi, không phục vụ tại chỗ... Chị Nguyễn Thị Dung, chủ quán ăn ở xã Dân Tiến (Khoái Châu) cho biết: “Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên chúng tôi phải chấp hành nghiêm quy định của huyện, không đón tiếp khách đến ăn uống tại chỗ mà chỉ phục vụ cho khách đến mua hàng mang đi hoặc giao hàng tận nơi theo yêu cầu. Việc này là cần thiết để bảo đảm sức khỏe cho mình và cộng đồng”. Cùng với việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch trong hoạt động thương mại, dịch vụ, huyện Khoái Châu theo dõi sát diễn biến thị trường để bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, đặc biệt ở những khu vực đang thực hiện phong tỏa cách ly.Việc tuân thủ, chấp hành tốt các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ sở kinh doanh, dịch vụ, nhất là tại các chợ, siêu thị là rất cần thiết, góp phần ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. Thời gian tới, Sở Công Thương và các địa phương sẽ tăng cường phối hợp kiểm tra, tổ chức cung ứng, phân phối hàng hóa trên địa bàn nhằm phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 theo từng cấp độ. Các đơn vị sản xuất, kinh doanh tăng cường sản xuất, kinh doanh, dự trữ hàng hóa thiết yếu, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, sẵn sàng nguồn hàng phục vụ người dân. Các địa phương bố trí lực lượng tình nguyện, tổ Covid-19 cộng đồng, đội ngũ giao hàng nhằm hỗ trợ người dân trong việc mua hàng, vận chuyển. Hệ thống các cửa hàng tiện ích, các chợ chủ động tính toán nhu cầu thị trường, cân đối nguồn hàng phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân. Đồng thời, Ban quản lý các chợ, siêu thị cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về diễn biến dịch bệnh, các quy định, biện pháp phòng, chống dịch trong hoạt động kinh doanh, buôn bán đến tiểu thương và người dân; tăng cường giám sát, nhắc nhở việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch...