Phòng, chống 'diễn biến hòa bình' từ chăm lo, bảo vệ người lao động
Trong những năm qua, mặc dù các thế lực thù địch, phản động không ngừng tuyên truyền, lôi kéo, kích động người lao động trong doanh nghiệp với yêu sách đòi lập ra các 'tổ chức đại diện người lao động', 'công đoàn độc lập'. Không chỉ vậy, chúng còn núp bóng cái gọi là 'chăm lo, bảo vệ người lao động' để thực hiện âm mưu 'diễn biến hòa bình' nhằm xóa bỏ tổ chức công đoàn cơ sở, phủ nhận vai trò của Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, qua đó chống phá Đảng, Nhà nước và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
KHẲNG ĐỊNH VAI TRÒ, VỊ THẾ CỦA TỔ CHỨC CÔNG ĐOÀN
Thực tế cho thấy, các thế lực phản động, cơ hội chính trị luôn tuyên truyền, lôi kéo, kích động người lao động đòi lập ra “tổ chức đại diện người lao động”, “công đoàn độc lập” không phải là thực tâm chăm lo, bảo vệ người lao động, mà để lấy “le” với nước sở tại nơi họ đang “ăn nhờ, ở đậu”, sống lưu vong tại đó. Đây còn là mánh khóe của chúng để “câu” tài trợ, khỏa lấp sự “vô công rồi nghề”. Giọng điệu rao giảng của chúng trên các phương tiện thông tin, các trang mạng cũng thống thiết như là nỗi niềm của người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn cùng đồng hành đòi quyền lợi, đòi nhân quyền…
Sau đại dịch Covid-19, xung đột Nga - Ukraine nổ ra, lợi dụng tình hình kinh tế trong nước và thế giới có nhiều biến động, các thế lực, hội, nhóm, cá nhân chống phá, liên tục tung ra các tin đồn thất thiệt, sai sự thật, gây hoang mang trong công nhân lao động, nhất là những công nhân bị giảm thu nhập, mất việc làm. Từ rất nhiều vụ việc chống phá, thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” mà các thế lực, tổ chức, cá nhân phản động tạo ra trong thực tế cho thấy bản chất của cái gọi là “công đoàn độc lập”, “nghiệp đoàn độc lập” chỉ là mưu lợi cho bản thân và đã bị lực lượng chức năng vạch trần. Đó là chiêu bài núp dưới vỏ bọc tổ chức “bảo vệ quyền lợi người lao động”, để gây chia rẽ, làm suy yếu mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa công nhân, viên chức, người lao động trên cả nước với các cấp công đoàn trực thuộc và với Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, sự chỉ đạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam, sự hỗ trợ phối hợp của các cấp chính quyền tỉnh, Công đoàn Bình Phước luôn giữ vững tinh thần đoàn kết, có nhiều đổi mới, sáng tạo, vượt qua khó khăn, ra sức thi đua, hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác đề ra. Trong đó, tập trung chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động (ĐVNLĐ), làm tốt công tác phòng, chống “diễn biến hòa bình”, giữ vững và không ngừng khẳng định vai trò, vị thế của tổ chức công đoàn trong giai đoạn hiện nay. Các cấp công đoàn Bình Phước đã triển khai các hoạt động trọng tâm, cốt lõi theo chức năng, nhiệm vụ, trong đó tập trung hướng dẫn, chỉ đạo các cấp công đoàn tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, phù hợp, kịp thời chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng cho ĐVNLĐ; thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng và địa phương trong tỉnh tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra các doanh nghiệp về thực hiện các chế độ, chính sách liên quan trực tiếp tới quyền lợi người lao động.
THIẾT THỰC CHĂM LO LỢI ÍCH NGƯỜI LAO ĐỘNG
Cụ thể, tổ chức công đoàn các cấp trong tỉnh đã tích cực, nhạy bén trong việc triển khai thực hiện các chính sách của Đảng, Nhà nước, của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nhất là dịp tết Nguyên đán, Tháng công nhân, đặc biệt trong đại dịch Covid-19 vừa qua. Chỉ trong 3 năm (2020-2022), hàng trăm ngàn lượt ĐVNLĐ khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, bị mất việc hoặc giảm việc làm… được kịp thời hỗ trợ “Gói an sinh công đoàn”, “Gói dinh dưỡng”, “Tấm vé nghĩa tình”, “Quà tết sum vầy”, “Mái ấm Công đoàn”… trị giá hàng chục tỷ đồng, cùng sự động viên, thăm hỏi, chăm lo thiết thực, nghĩa tình đến từng hoàn cảnh ĐVNLĐ của công đoàn các cấp để “Không ai bị bỏ lại phía sau”.
“...Chất lượng hoạt động của công đoàn cơ sở ngày càng rõ nét và thiết thực, đội ngũ cán bộ công đoàn được nâng cao về trình độ, kỹ năng hoạt động, bản lĩnh và uy tín đáp ứng được yêu cầu tình hình mới. Vai trò, vị thế của tổ chức công đoàn ngày càng được khẳng định; đoàn viên và người lao động tin tưởng, gắn bó hơn với tổ chức công đoàn; chủ động phối hợp góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; tích cực tham gia giám sát, phản biện xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh...”.
Trích phát biểu của Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Cường tại Đại hội Công đoàn tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023-2028
Các phong trào thi đua yêu nước được triển khai sâu rộng, góp phần cổ vũ, động viên ĐVNLĐ thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, phấn đấu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Vì vậy, chỉ trong hơn 2 năm (2021-2023) đã tạo ra hàng chục ngàn công trình, sản phẩm, sáng kiến làm lợi cho cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và hoạt động công đoàn, nâng cao năng suất lao động, đóng góp thiết thực cho cơ quan, doanh nghiệp, kinh tế - xã hội của tỉnh. Đặc biệt, công tác chăm lo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hoạt động công đoàn và tăng cường nhận thức, bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ được quan tâm thực hiện, nhất là trong tuyên truyền, vận động, xây dựng các thỏa ước lao động tập thể, tìm kiếm và phối hợp tăng cường nguồn lực, phúc lợi chăm lo cho ĐVNLĐ, phát triển đoàn viên, giới thiệu đoàn viên công đoàn ưu tú cho Đảng…
Chú trọng công tác truyền thông trong tình hình mới, công đoàn các cấp đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, định hướng thông tin và tuyên truyền hoạt động trên website, Facebook, nhóm Zalo Công đoàn nhằm cung cấp kịp thời thông tin chính thống đến ĐVNLĐ và dư luận, nhất là các chủ trương, chính sách về lao động, việc làm, tình hình thời sự, kinh tế, xã hội, mô hình, điển hình và hoạt động tiêu biểu của công đoàn các cấp… Qua đó, kịp thời phát hiện, tổ chức đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc, chống phá, biểu hiện gây chia rẽ của các tổ chức, cá nhân nhằm vào tổ chức công đoàn và ĐVNLĐ; kịp thời vạch trần và chống lại âm mưu “diễn biến hòa bình”, bồi đắp tình yêu đất nước, yêu giai cấp công nhân, lòng yêu nghề, hăng say lao động, sáng tạo, gắn bó với doanh nghiệp, quê hương… cho ĐVNLĐ. Tiêu biểu là Công đoàn cơ sở Công ty New Apparel Far Eastern (Việt Nam), Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Freewell - Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú…
CẦU NỐI GIỮA ĐẢNG VÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG
Thông qua các mô hình, cách làm, hoạt động cụ thể, Công đoàn đã tạo mối gắn kết giữa ĐVNLĐ với nhau và với doanh nghiệp, với công đoàn, góp phần nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm của ĐVNLĐ với sự phát triển của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và của tỉnh trong giai đoạn hiện nay. Mặt khác, thông qua các hoạt động còn nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật lao động, tinh thần hăng hái thi đua, cầu tiến của ĐVNLĐ vì quyền lợi và sự phát triển của bản thân, gia đình và xã hội.
Không ngừng làm tốt công tác đại diện, bảo vệ, chăm lo thiết thực đời sống, việc làm của ĐVNLĐ, công đoàn luôn là cơ sở chính trị vững chắc của Đảng, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với NLĐ, đồng thời ngày càng trở thành chỗ dựa tin cậy của ĐVNLĐ, là tổ chức chính trị - xã hội mà NLĐ luôn mong muốn tham gia. Từ đây, có thể khẳng định: Việc tuyên truyền, lôi kéo, kích động NLĐ trong doanh nghiệp, đòi lập ra các “tổ chức đại diện người lao động”, “Công đoàn độc lập”, núp bóng “chăm lo, bảo vệ người lao động”… của các thế lực thù địch nhằm xóa bỏ tổ chức công đoàn cơ sở, phủ nhận vai trò của Tổng LĐLĐ Việt Nam, qua đó chống phá Đảng, Nhà nước và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trên địa bàn tỉnh sẽ luôn luôn thất bại.