Phòng chống đuối nước để cứu sống 2.000 trẻ em Việt Nam mỗi năm

Những năm gần đây số trẻ tử vong do đuối nước có xu hướng giảm, mỗi năm cứu sống gần 100 trẻ. Tuy nhiên, số tử vong vẫn cao, mỗi năm Việt Nam ghi nhận gần 2.000 trẻ tử vong do đuối nước. Tử vong do đuối nước vẫn là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ dưới 16 tuổi.

Đây là chia sẻ của ông Đặng Hoa Nam, cục trưởng Cục trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trong Ngày Hội gia đình phòng, chống đuối nước trẻ em được tổ chức tại Công Viên Thống Nhất, Hà Nội từ ngày 22-23/7.

Chương trình hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống đuối nước (25/7), nhằm nâng cao nhận thức về gánh nặng đuối nước ở trẻ em và lan tỏa các biện pháp an toàn giúp đảm bảo tính mạng cho trẻ em Việt Nam dưới 16 tuổi.

TS Angela Pratt - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết toàn thế giới có hơn 236.000 người tử vong vì đuối nước mỗi năm

TS Angela Pratt - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết toàn thế giới có hơn 236.000 người tử vong vì đuối nước mỗi năm

Trẻ em từ 6 – 15 tuổi nằm trong nhóm có nguy cơ bị đuối nước cao nhất khi chơi đùa tại các sông, hồ, ao hoặc bãi biển. Nhiều trường hợp, các em gặp nạn khi đang cố gắng cứu đuối bạn mình. Số lượng trẻ nam đuối nước cao hơn trẻ nữ.

Các bé dưới 5 tuổi có nhiều khả năng bị đuối nước ở gần hoặc ở sát nhà mình, trong các ao hồ, sông suối, kênh rạch, kể cả các vũng nước ở công trình đang thi công hoặc bể chứa nước.

"Bởi vậy, chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa những giải pháp phòng chống đuối nước cho trẻ như dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước, đồng thời thường xuyên giám sát trẻ em tại gia đình và cộng đồng"- ông Nam cho hay.

Phát biểu tại ngày hội, TS Angela Pratt - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam thông tin: Chủ đề của Ngày Thế giới Phòng chống đuối nước năm nay là "Ai cũng có thể bị đuổi nước, nhưng hoàn toàn có thể phòng chống".

Toàn thế giới có hơn 236.000 người tử vong vì đuối nước mỗi năm. Trong đó, Việt Nam đang là một trong những quốc gia có tỉ suất đuối nước trẻ em cao trên thế giới.

"WHO khuyến cáo Việt Nam cần tập trung vào dạy cho trẻ em trong độ tuổi đến trường các kỹ năng bởi cơ bản, kỹ năng an toàn trong môi trường nước và kỹ năng cứu nước an toàn.

Đây là các biện pháp có chi phí hợp lý, đã được chứng minh về hiệu quả trong việc giảm thiểu đáng kể nguy cơ đuối nước và bảo vệ tính mạng của trẻ em. Điều này cực kỳ quan trọng cho việc trẻ em từ 6 tuổi trở lên được lớn lên khỏe mạnh và an toàn. Kỹ năng bơi an toàn không chỉ đi theo các em suốt đời, mà còn là một cách luyện tập nâng cao thể chất lành mạnh"- TS Angela Pratt nói.

Hoạt động trong Ngày Hội gia đình phòng, chống đuối nước trẻ em

Hoạt động trong Ngày Hội gia đình phòng, chống đuối nước trẻ em

Bà Agarwal Vandana Shah, phó chủ tịch về tăng cường hệ thống y tế, Tổ chức CTFK/GHAI tại Hoa Kỳ cho hay đã hợp tác cùng chính phủ Việt Nam từ năm 2018 để thực hiện các chiến dịch truyền thông, nâng cao nhận thức người dân về phòng chống đuối nước.

Theo bà để duy trì tính bền vững của chương trình cần có sự tự chủ của địa phương. Các địa phương cần có cam kết cả về nguồn lực tài chính cũng huy động triển khai đào tạo giáo viên dạy bơi, tổ chức dạy bơi cho trẻ, xây dựng và duy trì các bể bơi công cộng.

Bà Đoàn Thu Huyền, Đại diện tại Việt Nam Đơn vị Vận động Chính sách Y tế toàn cầu) cho biết thêm: “Đuối nước hoàn toàn phòng tránh được từ sự quan tâm và hành động thiết thực của mỗi gia đình, cá nhân. Hơn ai hết, bố mẹ, người thân hay thầy cô giáo cần tăng cường giám sát trẻ em, tạo điều kiện để các con được học bơi an toàn và học các kỹ năng an toàn trong môi trường nước, học cách chủ động bảo vệ bản thân trong tình huống xấu”.

Hoạt động trong Ngày Hội gia đình phòng, chống đuối nước trẻ em

Hoạt động trong Ngày Hội gia đình phòng, chống đuối nước trẻ em

Ngày hội Gia đình phòng, chống tai nạn đuối nước tạo ra sân chơi cho các các gia đình cùng gắn kết và trải nghiệm, thông qua các hoạt động và trò chơi theo chủ đề an toàn nước, tương tác, cung cấp các thông tin phòng chống đuối nước.

Bên cạnh đó, bố mẹ có thể cùng con luyện tập các kỹ năng cứu đuổi thông qua hoạt động mô phỏng theo theo tác cứu người trong trường hợp nguy hiểm. Qua đó, trang bị cho trẻ các kỹ năng an toàn trong môi trưởng nước cũng như vai trò của gia đình, phụ huynh, người chăm sóc trẻ em trong việc phòng chống đuối nước.

Video cấp cứu trẻ bị đuối nước

Thái Bình

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/phong-chong-duoi-nuoc-de-cuu-song-2000-tre-em-viet-nam-moi-nam-169230722154703335.htm