Phòng chống 'giặc lửa' tại các chợ truyền thống Đà Nẵng: Ý thức là then chốt

Là nơi buôn bán đa dạng hàng hóa có nguy cơ cháy nổ cao, vì vậy, công tác an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại các chợ trên địa bàn Đà Nẵng cần được ban quản lý, lực lượng công an, tiểu thương quan tâm để không xảy ra tình trạng cháy, nổ gây thiệt hại về người và tài sản.

Công an hướng dẫn, kiểm tra cách sử dụng bình chữa cháy của tiểu thương các chợ. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Công an hướng dẫn, kiểm tra cách sử dụng bình chữa cháy của tiểu thương các chợ. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Hạ tầng, thiết bị xuống cấp

Sau vụ cháy chợ Tam Bạc, xảy ra tại TP Hải Phòng vừa qua được Cảnh sát PCCC và CNCH Công an quận Thanh Khê và Ban quản lý chợ Phú Lộc (phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê) tuyên truyền đến từng tiểu thương, ý thức của tiểu thương là vấn đề cốt lõi để đảm bảo an toàn cháy nổ tại chợ.

Tuy nhiên, qua kiểm tra tại chợ Phú Lộc, việc bố trí hàng hóa không đảm bảo khoảng cách an toàn, cản trở lối thoát nạn; hệ thống báo cháy tự động được đầu tư từ lâu, đến nay đã không còn hoạt động… Các lỗi vi phạm này đã từng bị Công an quận Thanh Khê xử phạt gần 7 triệu đồng. Đến nay, đâu lại vào đấy.

Hàng hóa lấn chiếm lối đi. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Hàng hóa lấn chiếm lối đi. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Theo ông Lê Hữu Ga, Trưởng Ban quản lý chợ Phú Lộc, một số gian hàng có hàng hóa nhiều nhưng diện tích lại nhỏ hẹp nên họ phải đẩy ra để khách xem rồi lại đẩy vào nếu người đi chợ đông đúc. Ban quản lý cũng rất căng thẳng về vấn đề này, nhiều trường hợp lấn chiếm lối đi chợ, lối thoát hiểm là vi phạm thì cắt điện hoàn toàn.

Về lâu dài, năm 2023, căn cứ vào những đề xuất của tiểu thương, quận sẽ đầu tư sửa chữa tại chợ như hoán đổi vị trí hay điều chỉnh không gian quầy hàng sao cho phù hợp với việc kinh doanh của từng tiểu thương. Tiếp tục kiểm tra tại Quán Hộ (phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê), hệ thống báo cháy tự động đã không còn hoạt động, hệ thống điện xuống cấp...

Thiếu úy Nguyễn Tấn Dũng, Công an phường Thanh Khê Đông (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng), đa số tiểu thương tại đây thì việc chấp hành PCCC của tiểu thương ở đây là có nhưng kiến thức còn hạn chế. Lực lượng công an cùng Ban quản lý luôn đẩy mạnh tuyên truyền đối với các tiểu thương với tần suất 2-3 lần/năm. Trong đó, ban tổ chức đưa ra các vụ cháy điển hình để bà con nắm vững các quy định pháp luật, cách sử dụng bình báo cháy, hướng dẫn cài app báo cháy 114…

Hệ thống điện xuống cấp. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Hệ thống điện xuống cấp. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Là một trong những chợ truyền thống được xây dựng lâu năm, chợ Cồn (quận Hải Châu) có tổng diện tích 15.000m2 với 2.111 hộ kinh doanh. Đây là khu chợ sầm uất với khối lượng hàng hóa lớn, kinh doanh nhiều mặt hàng nên nguy cơ cháy nổ cũng cao như: vải, hương đèn, vàng mã, tạp hóa...

Trải qua thời gian dài hoạt động, dù nhiều lần tu bổ, tuy nhiên hiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, công trình phụ trợ, hệ thống trang thiết bị và một số hạng mục tại chợ Cồn đã xuống cấp, không bảo đảm các tiêu chí của chợ theo quy định. Công tác bố trí các khu vực quầy hàng chưa phù hợp, thiếu đồng nhất, gây khó trong việc tổ chức kinh doanh, vệ sinh môi trường, PCCC...

Ông Phan Thành Thoại, Trưởng ban Quản lý chợ Cồn cho biết, dù có hạn chế về cơ sở vật chất, quầy hàng, lối đi… nhưng những năm qua, ban quản lý chợ quan tâm đến công tác PCCC và đã đầu tư nhiều thiết bị bảo đảm công tác này. Đơn cử, trang bị đủ số lượng bình chữa cháy xách tay, hệ thống chữa cháy vách tường, hệ thống ống PCCC mạch vòng ống kẽm, hệ thống chữa cháy tự động Sprinkler…

Ngoài ra, ban quản lý chợ đã thành lập đội PCCC với 39 thành viên (trong giờ hành chính 24 người, ngoài giờ hành chính 15 người) thường xuyên thực tập phương án và cho kiểm tra thiết bị máy nổ, mô-tơ điện vào tối thứ 3, thứ 6 hàng tuần.

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát

Khó khăn lớn nhất hiện nay trong công tác PCCC tại các chợ truyền thống là lô, quầy được bố trí dày đặc, lối đi nhỏ hẹp, cơ sở vật chất tại nhiều chợ đã xuống cấp.

TP Đà Nẵng có 74 chợ các loại 1. Trong đó, Sở Công Thương quản lý 4 chợ hạng 1 gồm chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Đống Đa và chợ đầu mối Hòa Cường; Sở NN và PTNT quản lý 1 chợ hạng 1 là chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang; các quận, huyện và phường, xã quản lý 67 chợ và 2 doanh nghiệp, hợp tác xã quản lý 2 chợ.

Tổng diện tích mặt bằng tại các chợ khoảng 275.983m², trong đó, diện tích kinh doanh tại các chợ khoảng 141.273m² (chiếm 54%) với tổng số hộ kinh doanh khoảng 22.077 hộ. Diện tích bán hàng bình quân của hộ kinh doanh khoảng 6,4m2/hộ, rộng hơn so với quy định hiện hành về diện tích quy chuẩn tối thiểu của điểm kinh doanh tại chợ (3m2/điểm).

Tuy nhiên, trong tổng số 74 chợ có khoảng 22 chợ có diện tích điểm kinh doanh bình quân nhỏ hơn 3m2/điểm như: chợ Thanh Bình, chợ Hàn (quận Hải Châu), chợ Thuận An (quận Thanh Khê), chợ Chiều (quận Sơn Trà)... Các chợ có diện tích kinh doanh bình quân/hộ cao nhất tập trung ở các chợ thuộc huyện Hòa Vang.

Công an và Ban quản lý chợ kiểm tra thường xuyên chất lượng các thiết bị phòng cháy, chữa cháy. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Công an và Ban quản lý chợ kiểm tra thường xuyên chất lượng các thiết bị phòng cháy, chữa cháy. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Theo ông Nguyễn Văn Trừ, Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng, mỗi ngày có hàng ngàn lượt khách đến chợ (đặc biệt các chợ lớn, phục vụ du lịch như chợ Hàn, chợ Cồn, chợ Đống Đa...), nếu xảy ra cháy nổ thì tiểu thương tại chợ là thiệt hại nhất, có thể phá sản, ảnh hưởng đến tính mạng. Vì vậy, sở đề nghị ban quản lý các chợ thường xuyên kiểm tra các vị trí xung yếu có nguy cơ cháy nổ, thiết bị phục vụ PCCC, hệ thống điện tại chợ, tăng cường tuần tra, trực đêm, định kỳ tổ chức tập huấn các phương án PCCC tại chỗ...

Đối với hộ kinh doanh và khách hàng, nghiêm cấm hút thuốc với mọi đối tượng trong phạm vi chợ; không câu móc sử dụng điện mà không được sự đồng ý của ban quản lý chợ; không trưng bày hàng hóa, lấn chiếm lối đi, cản trở lối thoát nạn...

“Sắp tới, sở sẽ tăng cường kiểm tra đột xuất công tác PCCC các chợ vào ban đêm, không thông báo trước. Nếu chợ nào không bố trí lực lượng trực đêm, không quản lý chặt chẽ các dạng nguồn nhiệt, thiết bị sinh lửa, thiết bị tiêu thụ điện... sẽ bị xử lý theo quy định”, ông Trừ thông tin.

Công an và Ban quản lý tổ chức diễn tập phương án PCCC nếu có sự cố xảy ra. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Công an và Ban quản lý tổ chức diễn tập phương án PCCC nếu có sự cố xảy ra. Ảnh: XUÂN QUỲNH

Bên cạnh đó, Phòng cảnh sát PCCC-CNCH TP Đà Nẵng cùng 7 quận, huyện đồng loạt triển khai kiểm tra việc chấp hành quy định an toàn PCCC tại tất cả các chợ.

Trung tá Trương Huy Chương, Phó trưởng Công an quận Thanh Khê cho biết, thực tế cho thấy, thiệt hại do cháy nổ tại các chợ đã khiến nhiều gia đình tiểu thương phá sản, không ít người bị thương vong… Vì vậy, hơn bao giờ hết, công tác bảo đảm an toàn về PCCC tại các chợ phải được quan tâm đặc biệt và giải pháp tiên quyết để chặn hỏa hoạn từ gốc, đó là công tác tuyên truyền.

Qua kiểm tra, công an nhắc nhở việc sắp xếp hàng hóa của các tiểu thương trong chợ, đồng thời cũng lập biên bản xử lý vi phạm các lỗi về phương tiện PCCC, lối thoát nạn, phương án chữa cháy của cơ sở không đảm bảo. Ngoài kiểm tra định kỳ, lực lượng công an tham gia tổ chức diễn tập phương án, nâng cao trách nhiệm của đội chữa cháy cơ sở cũng như tiểu thương, giảm thiểu nguy cơ cháy nổ xảy ra.

XUÂN QUỲNH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/phong-chong-giac-lua-tai-cac-cho-truyen-thong-da-nang-y-thuc-la-then-chot-post680075.html