Phòng, chống lụt bão, úng theo phương châm '4 tại chỗ'

Chủ động phòng, chống lụt bão, úng (PCLBU), trước mùa mưa, bão năm nay, các ngành, đơn vị, địa phương đã chủ động thi công, sửa chữa công trình thủy lợi, chuẩn bị phương tiện, vật tư, nhân lực PCLBU theo phương châm '4 tại chỗ'.

Huyện Tiên Lữ chuẩn bị vật tư sẵn sàng phòng, chống lụt bão, úng

Huyện Tiên Lữ chuẩn bị vật tư sẵn sàng phòng, chống lụt bão, úng

Theo nhận định của Đài khí tượng thủy văn Hưng Yên, mùa mưa bão năm nay xuất hiện khoảng 7-9 cơn bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) hoạt động trên Biển Đông, khả năng có 2 - 3 cơn bão và ATNĐ ảnh hưởng đến khu vực tỉnh Hưng Yên, thời gian ảnh hưởng tập trung từ tháng 7 đến tháng 10/2024. Tổng lượng mưa toàn mùa trên phạm vi toàn tỉnh ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm (1.200-1.300mm).

Trước diễn biến khó lường trong mùa mưa, bão năm nay, các ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã chủ động chuẩn bị các phương án, giải pháp để ứng phó, giảm thiểu thiệt hại. Chủ động PCLBU, xã Xuân Quan (Văn Giang) đã huy động các lực lượng khơi thông dòng chảy, nạo vét hàng nghìn m3 bùn, đất trên các kênh mương. Xã đã thành lập Ban chỉ huy PCLBU, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên; tại các thôn thành lập tiểu ban PCLBU. Để thực hiện có hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”, xã thành lập trung đội cắm cừ đào mò gồm 25 thành viên, lực lượng thông tin vận động, cứu thương gồm 12 người, đại đội xung kích với quân số 100 người, lực lượng khắc phục hậu quả 25 người, lực lượng canh gác đê với 12 người/điếm, điếm đê bối có 6 người. Các phương tiện như xe ba gác, xe bò, xe ô tô được xã ký hợp đồng với các chủ xe và phân bổ cho các thôn. Vật tư như phên, tre cây, xà beng, cuốc, xẻng, bao tải… được ký hợp đồng cụ thể đến các chủ vật tư và dự trữ trong kho…

Đồng chí Bùi Trung Kiên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Tiên Lữ cho biết: Thực hiện phương châm “4 tại chỗ” trong phòng, chống lụt bão, úng gồm: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ, huyện đã xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết, giao cho các đơn vị chuyên môn, địa phương triển khai thực hiện ngay từ đầu mùa mưa bão. Đối với tuyến đê sông Luộc qua địa phận huyện, công tác chuẩn bị dụng cụ, vật tư tại các điếm canh đê được thực hiện bảo đảm theo quy định. Thực hiện xây dựng phương án bảo vệ trọng điểm đê điều năm 2024, huyện xây dựng 2 phương án trọng điểm cấp huyện gồm: Phương án trọng điểm xử lý sạt lở kè Mai Xá từ C46 đến C52, thuộc địa phận xã Cương Chính và phương án trong điểm xử lý sạt lở kè Đồng Thiện từ K1+500 – K1+820 thuộc địa phận xã Thiện Phiến.

Hai phương án trên đều được xây dựng và chủ động phòng, chống theo phương châm “4 tại chỗ”. Trong đó, phương án trọng điểm xử lý sạt lở kè Đồng Thiện từ K1+500 – K1+820 thuộc địa phận xã Thiện Phiến, tổ chức thành lập Ban Chỉ huy xử lý phương án trọng điểm. Vật tư chuẩn bị gồm: Đá hộc lấy tại bãi đá dự trữ K10+000 xã Cương Chính; dây thép mạ kẽm 2,5mm mua tại phố Xuôi để đan con rồng, kích thước dài 10,8m, rộng 1,9 m. Đối với phương tiện, huyện đề nghị Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh huy động lực lượng, vật tư, phương tiện dùng 20 phao thép để định vị cầu công tác, thiết bị thả rồng bằng máy. UBND huyện, Ban Chỉ huy PCTT & TKCN huyện chuẩn bị 15 xe ô tô để vận chuyển vật liệu về công trường, giao cho các xã chuẩn bị (xã Đức Thắng 5 xe ô tô, xã Thụy Lôi 5 xe ô tô, xã Cương Chính 5 xe tô). Phương án nhân lực, huyện giao UBND các xã huy động nhân lực tại chỗ của địa phương, trong đó, xã Cương Chính 50 người vận chuyển đá hộc, xã Hải Triều 50 người bốc 40 rọ thép tại kho Triều Dương, xã Đức Thắng 50 người đan rồng thép, xã Thụy Lôi 50 người đan rồng thép. Ban Chỉ huy quân sự huyện điều động chiến sĩ thuộc lực lượng xung kích ứng cứu của huyện Yên Mỹ chi viện để hỗ trợ thi công…

Cùng với lập các phương án PCLBU để bảo vệ các tuyến đê, kè, sơ tán dân vùng bối, huyện Phù Cừ đã chủ động kiểm tra rà soát các loại vật tư, phương tiện PCLBU. Đồng thời, huyện đã đầu tư mua sắm vật tư, dụng cụ tại các điếm canh đê bảo đảm theo quy định như mai, cuốc, xẻng, quang gánh, dầu hỏa, đèn tín hiệu, áo phao... Với 9 điếm canh gác nước tập trung ở các xã Tống Trân, Nguyên Hòa, Tam Đa, Ban Chỉ huy PCTT & TKCN huyện chỉ đạo các địa phương thành lập 9 đội tuần tra canh gác nước bảo đảm quân số theo quy định. Ngoài ra, ở mỗi địa phương thành lập 1 đại đội xung kích ứng cứu hộ đê với quân số 100 người được trang bị đầy đủ dụng cụ cầm tay, được tập huấn sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố xảy ra; huyện thành lập 3 đội xung kích cơ động đủ quân số theo quy định…

Thời điểm này, công tác PCLBU được các cấp, ngành, đơn vị, địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện bằng các phương án, chuẩn bị vật tư, nhân lực, phương tiện PCLBU. Ngoài các phương án bảo vệ trọng điểm của tỉnh, các địa phương có tuyến đê đều xây dựng phương án trọng điểm để bảo vệ các tuyến đê, kè như chống sạt mái đê, mạch đùn, mạch sủi, chống sạt lở… Các địa phương có đê bối đã xây dựng phương án không để vỡ bối đột ngột, di dời và bảo vệ Nhân dân đến nơi an toàn; phối hợp với cơ quan chuyên môn chuẩn bị nhân lực, phương tiện sẵn sàng thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn.

Trong công tác chỉ đạo PCLBU, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu mỗi huyện, thị xã, thành phố thành lập 1 đại đội xung kích cơ động, quân số từ 120 - 150 người; mỗi xã phường, thị trấn, đơn vị xây dựng 2 trung đội xung kích cơ động, quân số 90 - 100 người; mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhỏ xây dựng từ 1 tiểu đội xung kích cơ động, quân số 15 - 20 người. Ngoài lượng vật tư dự trữ của nhà nước hiện có, các địa phương huy động mỗi km đê chuẩn bị 50 cây tre tươi, vật tư, dụng cụ sẵn có trong Nhân dân như tre cây, phên nứa, rơm, cuốc, xẻng... Các hộ dân ở ven đê chuẩn bị 2 bao tải và đất để có thể đóng bao tải hộ đê; các gia đình có giếng khơi ở gần đê phải chuẩn bị cát vàng, bao tải, gạch vỡ để sẵn sàng xử lý khi có sự cố xảy ra…

Đào Ban

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/phong-chong-lut-bao-ung-theo-phuong-cham-4-tai-cho-3174239.html