Phòng chống ma túy: Khó khăn khi tội phạm sử dụng công nghệ cao
Thời gian gần đây, hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy qua biên giới có chiều hướng gia tăng với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, như: cất giấu, ngụy trang ma túy thành hàng hóa, hành lý thông thường, mang theo người...Đặc biệt, tội phạm thường xuyên sử dụng công nghệ cao để trao đổi, móc nối, liên lạc, điều hành việc mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy.
Gia tăng tội phạm ma túy tuyến hàng không
Đặc biệt, theo đánh giá của hải quan, tình hình tội phạm ma túy có chiều hướng gia tăng tại tuyến hàng không, tập trung chủ yếu qua cảng hàng không quốc tế: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng từ các nước Châu Âu, Châu Mỹ, trong đó có sự chuyển dịch từ sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất ra sân bay quốc tế Nội Bài, sau đó vận chuyển bằng đường bộ, đường sắt vào phía Nam với các loại ma túy tổng hợp, các loại thuốc tân dược có chứa chất gây nghiện, hướng thần, cần sa.
Theo số liệu thống kê, từ ngày 16/5/2023 - 15/6/2023, Tổng cục Hải quan đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng Công an, Bộ đội Biên phòng phát hiện, bắt giữ: 47 vụ/36 đối tượng. Tang vật thu được gồm: 400gr thuốc phiện; gần 67 kg cần sa; hơn 14 kg heroin; hơn 306 kg cocain; hơn 30 kg và 4.052 viên ketamin; 172,8 kg ma túy tổng hợp, 283gr và 990 viên ma túy khác. Tính chung 6 tháng năm 2023, đã phát hiện, bắt giữ 140 vụ/148 đối tượng, giảm 7,3% về số vụ và tăng 0,7% về số đối tượng so với cùng kỳ năm 2022. Tang vật thu giữ bao gồm hơn 1.142 kg và 13.666 viên ma túy các loại.
Ông Nguyễn Văn Ổn, Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan cho biết, khó khăn trong công tác đấu tranh với tội phạm ma túy đó là, từ chính sách tạo thuận lợi thương mại đối với các hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh trên các tuyến, Việt Nam trở thành địa bàn thuận lợi để tội phạm ma túy lợi dụng vận chuyển trái phép chất ma túy qua biên giới, vận chuyển đi các tỉnh, thành phố trong cả nước hoặc đi các quốc gia khác để tiêu thụ.
Hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy qua biên giới diễn ra trên tất cả các tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ, đường biển, sân bay quốc tế và bưu điện quốc tế. Tội phạm ma túy trong và ngoài nước cấu kết chặt chẽ với nhau hình thành các đường dây, tổ chức tội phạm; hoạt động với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, không lường nhằm trốn tránh sự phát hiện của các lực lượng chức năng.
Phát hiện nhiều thủ đoạn tinh vi, liều lĩnh
Đặc biệt, tội phạm ma túy thường câu kết chặt chẽ giữa các đối tượng người trong nước và người nước ngoài lập các đường dây, ổ nhóm tổ chức hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy qua biên giới với quy mô lớn, xuyên quốc gia. Phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, liều lĩnh, manh động, các đối tượng buôn lậu ma túy được trang bị vũ khí nóng sẵn sàng chống trả các lực lượng chức năng khi bị phát hiện, truy bắt. Cụ thể, đầu tháng 5, từ nguồn thông tin PC04, Công an TP. Hà Nội, Đội Kiểm soát phòng chống ma túy, Cục Hải quan TP. Hà Nội và qua công tác soi chiếu của Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài, phát hiện lô hàng từ Hà Lan về Việt Nam có dấu hiệu nghi vấn. Tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng Hải quan và Công an đã phát hiện, thu giữ gần 20 kg ma túy gồm: hơn 14,6 kg ma túy tổng hợp MDMA; gần 5,3 kg ketamin. Số tang vật được các đối tượng ngụy rang dưới vỏ bọc của các lon bia.
Bên cạnh đó, tội phạm thường xuyên sử dụng công nghệ cao để trao đổi, móc nối, liên lạc, điều hành việc mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy; đồng thời, lợi dụng chính sách tạo thuận lợi thương mại đối với hoạt động xuất nhập khẩu và các điều kiện, quy định quản lý mang tính “thông thoáng” liên quan hàng hóa xuất, nhập khẩu theo đường bưu điện, chuyển phát nhanh tuyến hàng không mua bán, vận chuyển trái phép ma túy qua biên giới. Điều này đã tạo nên những thách thức ngày càng lớn đối với công tác đấu tranh phòng, chống ma túy của các lực lượng chức năng.
Một khó khăn nữa, đó là, hiện tại một số nước, xuất hiện khuynh hướng muốn hợp pháp hóa việc sử dụng và lưu hành một số loại ma túy. Ngoài ra, một vấn đề đáng quan ngại liên quan đến quy định, chính sách quản lý, kiểm soát chất ma túy của quốc gia láng giềng, đó là việc Thái Lan đã trở thành quốc gia Đông Nam Á đầu tiên hợp pháp hóa sử dụng cần sa trong nghiên cứu y khoa vào năm 2018. Điều này rất có thể sẽ tạo nguy cơ mới, khiến công tác kiểm soát ma túy của các nước, trong đó có Việt Nam trở nên phức tạp hơn...
Trước tình hình tội phạm ma túy trên các tuyến, địa bàn trọng điểm tiếp tục diễn biến phức tạp, gây ra nhiều thách thức, khó khăn đối với công tác đấu tranh phòng, chống ma túy, ông Nguyễn Văn Ổn cho biết, về phía cơ quan Hải quan nỗ lực, chủ động, đẩy mạnh triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả công tác tham mưu và trực tiếp đấu tranh phòng, chống ma túy và kiểm soát tiền chất; phối hợp, hợp tác với các lực lượng chức năng, bộ, ngành, cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế nhằm thúc đẩy hiệu quả công tác phòng, chống ma túy trong tất cả các khâu, các tuyến và địa bàn.
Đẩy mạnh hiệu quả triển khai các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát ma túy, làm tốt công tác thu thập, phân tích thông tin trong và ngoài nước, công tác điều tra cơ bản, xác minh các đối tượng, phương tiện có liên quan đến hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy, tiền chất để xác lập các kế hoạch, chuyên án đấu tranh với tội phạm mua bán, vận chuyển ma túy qua địa bàn hoạt động hải quan.
Để tăng cường công tác đấu tranh với tình hình buôn bán, vận chuyển trái phép ma túy, cần tăng cường sự phối hợp với các lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm ma túy như: Công an, Bội đội Biên phòng, Cảnh sát biển trong triển khai công tác xây dựng, triển khai các nhiệm vụ, yêu cầu, kế hoạch nghiệp vụ nhằm tăng cường công tác phòng, chống ma túy. Chủ động xây dựng kế hoạch, phương án đấu tranh nhằm khám phá thành công các chuyên án ma túy lớn, phương thức thủ đoạn tinh vi, phức tạp, manh động, có liên quan đến nhiều đối tượng, nhiều địa bàn...