Phòng, chống nắng nóng trong trường học

Do ảnh hưởng của dịch Covid – 19, học sinh trong cả nước nói chung và của tỉnh nói riêng phải lùi thời gian học kỳ II năm học 2019 – 2020 đến giữa tháng 7. Ngay những ngày đầu tháng 5, khi học sinh quay trở lại trường học, những đợt nắng nóng gay gắt đầu Hè cũng đã xuất hiện. Dự báo trong thời gian tới sẽ còn nhiều đợt nắng nóng với nền nhiệt cao, các trường học, nhất là trường có học sinh nội trú, bán trú cần có các phương án chống nóng, đảm bảo sức khỏe cho học sinh.

Phòng ở của học sinh Trường PTDT bán trú Tiểu học Du Tiến (Yên Minh).

Phòng ở của học sinh Trường PTDT bán trú Tiểu học Du Tiến (Yên Minh).

Đến Trường PTDT bán trú THCS xã Du Già (Yên Minh) trong những ngày giữa tháng 5, đúng đợt nắng nóng cao điểm, nền nhiệt duy trì từ 34 – 38 độ C, có nơi lên tới 40 độ. Dù là huyện vùng cao, nhưng Yên Minh có khí hậu tương đối giống thành phố Hà Giang nên có thể cảm nhận rõ không khí oi bức, khó chịu ngay cả khi trời đã tắt nắng hay tối. Theo anh Tạ Quang Hưng, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú THCS Du Già, trong những đợt nắng nóng gay gắt, buổi trưa và tối trường phải chia bớt học sinh ở bán trú lên các phòng học trên lớp ngủ để đảm bảo sức khỏe cho các em. Bởi hiện nay, toàn trường có 189 học sinh bán trú nhưng chỉ có 3 phòng ở, với 39 giường tầng, tương đương 78 giường, bình quân mỗi giường cho khoảng 2,5 em ngủ chung nếu các em đi đủ, rất chật chội. Tuy nhiên, quỹ đất nhà trường đã hết, nên hiện tại chưa thể đầu tư thêm phòng ở cho các em.

Cũng giống như ở Du Già, Trường PTDT bán trú Tiểu học xã Du Tiến có 213 học sinh bán trú, với 7 phòng ở, bình quân 30 em/phòng nhưng diện tích mỗi phòng chỉ khoảng 15 m2 (gồm cả phòng vệ sinh khép kín), nên cũng chỉ đủ kê được 6 giường tầng. Bình quân mỗi tầng giường dành cho hơn 2 em ngủ. Không gian chật chội và mỗi phòng chỉ có 2 quạt treo tường nên trong những hôm nắng gắt, nhà trường đều bố trí học sinh lên lớp học ngủ tránh nóng, nhất là trong giờ nghỉ trưa. Ngoài ra, theo lãnh đạo nhà trường, để đảm bảo sức khỏe cho học sinh trong những tháng học giữa Hè như năm nay, ngay từ đầu tháng 5, nhà trường đã đẩy lịch học buổi sáng lên sớm hơn 30 phút và buổi chiều muộn hơn 30 phút. Điều này nhận được sự đồng thuận cao và đúng mong muốn của phụ huynh học sinh.

Tình trạng phòng ở của học sinh bán trú chật chội, thiếu các thiết bị làm mát không chỉ riêng ở các trường trên địa bàn Yên Minh. Đó là trăn trở chung của các trường có học sinh nội trú, bán trú ở những vùng khó khăn. Đặc thù là tỉnh miền núi, dân cư phân bố thưa thớt, địa hình chia cắt, điều kiện đi lại khó khăn, những năm qua, tỉnh ta chú trọng thực hiện các phương án dồn, ghép điểm trường, đưa học sinh về trường chính đối với bậc tiểu học, gắn với xây dựng các trường nội trú, bán trú nhằm duy trì ổn định sĩ số, ngày càng nâng cao chất lượng giáo dục. Đến nay, từ bậc Tiểu học đến THPT, toàn tỉnh có 13 trường nội trú, 177 trường bán trú và 119 trường có học sinh bán trú. Tổng số học sinh ở nội trú, bán trú đạt trên 57 nghìn em. Ngoài ra, bậc Mầm non có trên 40 nghìn em học tại các điểm trường chính ăn, nghỉ trưa tại trường.

Theo chia sẻ của Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lâm Thế Hùng, ngay khi học sinh quay trở lại trường sau đợt nghỉ do dịch, Sở đã tham gia cùng đoàn công tác của các đồng chí lãnh đạo tỉnh đi kiểm tra việc triển khai dạy và học, phòng, chống dịch cho học sinh ở một số địa phương và trường học. Qua đó, ngành Giáo dục đã nhận thấy do lịch học chuyển sang những tháng giữa mùa Hè nên nhu cầu sử dụng nước uống, thiết bị làm mát đối với học sinh nội trú, bán trú là rất bức thiết. Những năm qua, thực hiện chủ trương phát triển các trường bán trú, các cấp và ngành Giáo dục đã quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, bổ sung trang thiết bị phục vụ dạy và học, chăm lo cho học sinh. Tuy nhiên, với điều kiện khó khăn của tỉnh ta và quỹ đất nhiều trường hạn chế, nhất là ở vùng cao, sâu, xa nên cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn. Vì vậy, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo, hướng dẫn các phòng Giáo dục, trường học chủ động, linh hoạt xây dựng các phương án phòng, chống nắng nóng cho các em, đảm bảo học sinh được sử dụng đủ nước uống, tăng cường huy động xã hội hóa bổ sung thiết bị làm mát…

Bài, ảnh: Lương Hà

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202006/phong-chong-nang-nong-trong-truong-hoc-761136/