Phòng chống ngập úng các đô thị: Lời giải bài toán về Quy hoạch và thực hiện quy hoạch

Không phải đến trận mưa lớn những ngày qua gây ngập úng nhiều khu vực vấn đề phòng chống ngập úng ở các đô thị mới được đặt ra mà đây là “mớ bòng bong” từ lâu chưa có có lối thoát. Phát triển đô thị ồ ạt, không thuận theo thế tự nhiên trong khi hạ tầng, nhất là hệ thống thoát nước chưa đáp ứng chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Tình trạng ngập úng ở các đô thị đã trở nên phổ biến. Chỉ cần một trận mưa lớn nhiều tuyến phố đã biến thành sông. Xe cộ, người tham gia giao thông “bơi” trong dòng nước bẩn. Đường xá đào lên, lấp xuống liên tục, những cái hố ẩn mình dưới nước vô tình trở thành cái bẫy bẫy người đi đường, không ít trường hợp thương tâm đã xảy ra. Nhiều khu vực trũng, đường tôn cao dần, nền nhà dân không theo kịp nên cứ mưa là ngập, cuộc sống rất nhiều phiền toái.

Không chỉ các đô thị vùng trũng, ven sông mới ngập úng mà ngay cả các đô thị ở trung du, miền núi cũng chung tình trạng này. Như vậy rõ ràng tiêu thoát nước ở các đô thị đang có vấn đề. Ngay từ khi mới hình thành và phát triển đô thị chúng ta chưa tính toán vấn đề này một cách cặn kẽ. Vùng đất nào cũng có địa thế tự nhiên và khi phát triển đô thị ở vùng đất đó đây là yếu tố đầu tiên cần tính toán để đảm bảo tính bền vững.

Thuận theo thế tự nhiên thì khi xây dựng công trình chúng ta không tác động nhiều đến môi trường sinh thái, cảnh quan. Chúng ta cũng dành đủ diện tích để việc tiêu thoát nước tự nhiên thuận lợi. Muốn tiết kiệm diện tích chúng ta phải có giải pháp công trình đủ sức tiêu thoát ở mức lớn nhất để đảm bảo đô thị không bị ngập úng trong bất cứ hoàn cảnh nào. Như ở Nhật Bản, Pháp, Hà Lan…người ta đầu tư những công trình trị thủy khổng lồ có thể chống ngập úng cho cả vùng rộng lớn.

Nhìn lại quá trình phát triển ở các đô thị lớn của ta có thể thấy hầu hết các đô thị đều theo xu thế chung là nằm cạnh những con sông, thuận tiện cho cả việc cấp và thoát nước. Vậy tại sao các đô thị vẫn hay bị ngập úng? Có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc chưa tính toán tổng thể, cặn kẽ cho việc tiêu thoát nước như đã nói ở trên.

Quá trình phát triển đã xây dựng công trình với mật độ quá dày, ảnh hưởng đến việc tiêu thoát nước tự nhiên. Chúng ta có thể thấy nhiều khu vực ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh trong phạm vị nhỏ nhưng mọc lên quá nhiều chung cư, chắc chắn gây quá tải hạ tầng, trong đó có việc tiêu thoát nước. Chúng ta chưa dành diện tích thỏa đáng cho việc tiêu thoát nước tự nhiên, trong khi không ít công trình mọc lên bít cả dòng chảy thì ngập úng là điều khó tránh.

Trong khi đó, nguồn lực còn có hạn nên chúng ta chưa thể đầu tư những công trình quy mô lớn, đủ sức chống ngập úng cho các đô thị chứ chưa nói cả vùng. Và vì vậy tình trạng ngập úng của các đô thị cứ kéo dài, không biết đến khi nào mới khắc phục triệt để.

Công bằng mà nói trong những năm qua, chính quyền các đô thị đã chú trọng đầu tưu hạ tầng, trong đó có hạ tầng cấp thoát nước để các đô thị ngày càng khang trang. Nhiều giải pháp, trong đó có cả giải pháp công trình được áp dụng để giảm thiểu tình trạng ngập úng. Điều đó có thể thấy rất nhiều khu vực thoát khỏi tình trạng này, các khu vực bị ngập nặng tiêu thoát nước nhanh hơn.

Chúng ta đang trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ. Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, lãnh chỉ đạo vấn đề này. Ngày 18/5 vừa qua, Ban Bí thư T.Ư Đảng vừa tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 06/NQ-TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Nghị quyết đặt ra mục tiêu rõ ràng: Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt tối thiểu 45%, đến năm 2030 đạt 50%. Tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 1,5-1,9% vào năm 2025, đến năm 2030 đạt khoảng 1,9-2,3%. Số lượng đô thị toàn quốc đến năm 2025 khoảng 950-1.000 đô thị, đến năm 2030 khoảng 1.000-1.200 đô thị. Kinh tế khu vực đô thị đóng góp vào GDP cả nước khoảng 75% vào năm 2025 và 85% vào năm 2030.

Để thực hiện mục tiêu này, lãnh đạo Đảng và Nhà nước yêu cầu cần phải đổi mới tư duy lý luận và phương pháp quy hoạch đô thị có tầm nhìn dài hạn, đảm bảo đồng bộ và hiện đại, lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm, văn hóa là nền tảng phát triển. Đặc biệt, cần hoàn thiện hệ thống pháp lý và ban hành cơ chế đột phá, vượt trội để phát triển đô thị bền vững… Trong đó, việc thực hiện quy hoạch phải luôn được chú trọng theo nguyên tắc tôn trọng quy chuẩn, quy hoạch dài hạn đã phê duyệt.

Với quyết tâm cao và giải pháp quyết liệt, chắc chắn các mục tiêu đặt ra sẽ đạt được. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, cần phát huy những kinh nghiệm đã đạt được nhưng cũng cần tránh lặp lại những bất cập, hạn chế đã chỉ ra thì đô thị mới phát triển bền vững.

Xuân Hòa

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/thoi-su/77649/phong-chong-ngap-ung-cac-do-thi-loi-giai-bai-toan-ve-quy-hoach-va-thuc-hien-quy-hoach.html