Phòng chống sốt xuất huyết: Đi từng ngõ, gõ từng nhà

Kiểm tra thực địa việc diệt bọ gậy, phòng chống sốt xuất huyết tại một hộ gia đình ở xã An Ninh Tây, huyện Tuy An. Ảnh: YÊN LAN

“Công tác phòng chống dịch bệnh cần có sự tham gia tích cực của Ủy ban MTTQ và các tổ chức hội, đoàn thể. Đặc biệt, vai trò của cộng đồng là yếu tố quyết định cho sự thành công trong việc phòng chống dịch bệnh”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Đình Phùng nhấn mạnh điều đó khi cùng lãnh đạo Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Phú Yên đi kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết.

Cần có những cách thức tuyên truyền cụ thể, có tính hướng dẫn cho người dân; đi từng ngõ, gõ từng nhà, gặp từng người, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong việc phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Đình Phùng

Không có bọ gậy thì không có sốt xuất huyết. Người dân đã biết điều này nhưng việc tổng vệ sinh diệt bọ gậy vẫn chưa triệt để. Khi đoàn đi kiểm tra thực địa tại một hộ gia đình ở thôn Hội Phú (xã An Ninh Tây, huyện Tuy An), người phụ nữ chủ nhà quả quyết với Phó Chủ tịch UBND tỉnh rằng trong nhà bà không có bọ gậy. Ngay cả mấy lọ hoa trên bàn thờ, bà cũng úp xuống hết rồi. Rõ ràng, người dân có ý thức phòng bệnh sốt xuất huyết. Tuy nhiên khi kiểm tra, đoàn phát hiện có bọ gậy trong chậu đựng nước cho gà uống. Đến ngôi nhà thứ hai, đoàn lại thấy có bọ gậy.

Số ca mắc sốt xuất huyết bắt đầu tăng từ tuần thứ 22 và tăng cao trong tuần thứ 25, 26, vượt qua số ca mắc cùng kỳ năm 2019, là năm chu kỳ của dịch sốt xuất huyết. Sở Y tế đã thành lập đoàn kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết tại những địa phương có số ca mắc tăng cao nhằm khắc phục những tồn tại, thiếu sót và đề ra các biện pháp can thiệp kịp thời. Sở cũng đã tổ chức 3 lớp tập huấn, trong đó có 2 lớp về công tác giám sát, xử lý ổ dịch và điều tra côn trùng cho cán bộ y tế tuyến huyện và tuyến tỉnh; tổ chức phun hóa chất chủ động sớm tại các xã, phường trọng điểm…

Theo báo cáo của CDC Phú Yên, đến ngày 12/7, toàn tỉnh ghi nhận hơn 3.000 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó huyện Tuy An có 676 ca, huyện Phú Hòa có 428 ca, TP Tuy Hòa có 422 ca, TX Sông Cầu 400 ca. Toàn tỉnh có 147 ổ dịch; trong đó TP Tuy Hòa có đến 35 ổ dịch; huyện Tuy An và TX Sông Cầu, mỗi địa phương có 23 ổ dịch; huyện Tây Hòa có 16 ổ dịch… Tất cả các ổ dịch trên địa bàn tỉnh đã được xử lý.

Biểu đồ theo dõi sốt xuất huyết đến tuần 28 (ngày 12/7/2020). Ảnh: YÊN LAN

Biểu đồ theo dõi sốt xuất huyết đến tuần 28 (ngày 12/7/2020). Ảnh: YÊN LAN

Tại hội nghị phòng, chống bệnh sốt xuất huyết năm 2020 do UBND tỉnh tổ chức mới đây, nguyên nhân số ca mắc tăng cao đã được đưa ra phân tích, trong đó có việc người dân chứa nước để dùng và vẫn còn chủ quan trong việc tổng vệ sinh diệt bọ gậy. Các ban ngành, đoàn thể của địa phương chưa phối hợp tốt, chưa tham gia tích cực vào công tác phòng chống sốt xuất huyết. Các hoạt động diệt bọ gậy của cộng tác viên, y tế thôn… còn qua loa, chưa triệt để. Công tác truyền thông giáo dục sức khỏe chưa mang lại hiệu quả cao. Người dân còn chủ quan, ỷ lại vào cán bộ y tế, chưa tự giác xử lý dụng cụ chứa nước xung quanh nhà. Công tác giám sát ca bệnh còn chậm nên việc thông báo xử lý ổ dịch chưa kịp thời. Các ổ dịch sau khi xử lý lần hai vẫn còn ca mắc do việc tổng vệ sinh diệt bọ gậy chưa hiệu quả... Từ những tồn tại đó, hàng loạt biện pháp đã được tăng cường nhằm phòng chống bệnh truyền nhiễm này, trong đó có công tác giám sát dịch tễ chủ động, củng cố mạng lưới cộng tác viên, tiếp tục triển khai các chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi, vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy; tăng cường hoạt động truyền thông…

Phó Giám đốc Sở Y tế Phú Yên Trần Ngọc Dưng cho biết: Chúng tôi chỉ đạo bộ phận chuyên môn hàng tuần có báo cáo các chỉ số ở tất cả các địa phương. Sở Y tế tiếp tục cùng lãnh đạo tỉnh tăng cường kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết.

YÊN LAN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/79/242398/phong-chong-sot-xuat-huyet--di-tung-ngo-go-tung-nha.html