Phòng, chống sốt xuất huyết - Trách nhiệm của mỗi người

Sốt xuất huyết (SXH) là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virút Dengue gây ra. Hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh SXH. Vì vậy, người dân cần nâng cao ý thức, thường xuyên thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng, diệt muỗi để phòng bệnh.

Hiểu về muỗi vằn để phòng bệnh

Bệnh SXH lây lan chủ yếu do muỗi vằn đốt người bệnh sau đó truyền bệnh cho người khỏe mạnh qua vết đốt. Đặc điểm để phân biệt muỗi vằn và các loại muỗi khác là muỗi có màu đen, trên thân và chân có những đốm trắng. Muỗi vằn cái sẽ đốt người và hoạt động mạnh vào ban ngày, nhất là sáng sớm và chiều tối. Chúng thường trú ngụ ở những nơi tối tăm như xó nhà, mùng, mền,...

Các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức trong thực hiện các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết cho người dân

Các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức trong thực hiện các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết cho người dân

Phó Trưởng khoa Bệnh Truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh - kỹ sư Huỳnh Tấn Phát cho biết: “Muỗi vằn sinh sản và trú ngụ trong các ao, vũng nước hoặc các dụng cụ chứa nước xung quanh nhà như lu, bình hoa, chậu cây,... và kể cả những vật dụng phế thải. Trứng muỗi vằn có thể tồn tại trong điều kiện khô hạn suốt nhiều tháng và nở khi tiếp xúc với nước. Chỉ cần có chút nước, trứng có thể nở thành bọ gậy, sau đó phát triển thành lăng quăng rồi muỗi trưởng thành trong một thời gian ngắn. Hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh cũng như thuốc đặc trị bệnh SXH. Vì vậy, biện pháp phòng bệnh SXH tốt nhất vẫn là làm giảm mật độ hoạt động của muỗi vằn. Ngoài ra, cũng nên áp dụng các biện pháp phòng muỗi đốt như mặc áo dài tay và quần dài màu sáng, lưới chống muỗi, phun hóa chất diệt muỗi, ngủ mùng kể cả ban ngày,...”.

Tránh muỗi đốt được xem là một trong những cách tốt nhất để hạn chế nguy cơ mắc bệnh SXH hay các bệnh truyền nhiễm khác do vật trung gian là muỗi. Thay vì sử dụng các loại hóa chất, thuốc phun, xịt được bán trên thị trường, nhiều người dân sử dụng những loại cây như bạc hà, hương thảo, sả, chanh,... để xua muỗi. Trên thực tế, các loại cây trồng hoặc tinh dầu có mức độ xua đuổi côn trùng đạt hiệu quả nhất định. Do đó, người dân cần thường xuyên vệ sinh môi trường khu vực sinh sống, giữ cho nhà cửa khô thoáng, sạch sẽ để hạn chế sự sinh sôi của muỗi. Và cách hiệu quả nhất vẫn là không để muỗi phát sinh bằng cách diệt lăng quăng thường xuyên.

Muỗi vằn sinh sản và trú ngụ trong các ao, vũng nước hoặc các dụng cụ chứa nước xung quanh nhà

Muỗi vằn sinh sản và trú ngụ trong các ao, vũng nước hoặc các dụng cụ chứa nước xung quanh nhà

Bộ Y tế khuyến cáo người dân mỗi tuần dành 10 phút để diệt lăng quăng/bọ gậy và thực hiện các biện pháp phòng bệnh:

- Kiểm tra, phát hiện và diệt lăng quăng/bọ gậy trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt.

- Diệt muỗi và phòng muỗi đốt.

- Tích cực phối hợp ngành Y tế trong các chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy và các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

- Khi bị sốt: Đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn điều trị; không tự ý điều trị tại nhà.

Kiên quyết không để dịch bệnh lây lan

Hiện tình hình dịch bệnh SXH diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh. “Tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 561 ca mắc bệnh SXH (375 ca nội trú, 186 ca ngoại trú), tăng 5 lần so cùng kỳ (năm 2022 có 116 ca), số ca nội trú tăng 25,4% so với số ca mắc trung bình 5 năm 2016-2020 (299 ca) và 1 ca tử vong. Số ca mắc bệnh SXH đều tăng tại 15/15 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, đặc biệt là số ca nặng; tập trung cao tại các huyện: Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc, Thủ Thừa, Châu Thành và TP.Tân An” - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh - Huỳnh Hữu Dũng cho biết.

Thường xuyên súc rửa các vật dụng chứa nước để diệt lăng quăng

Thường xuyên súc rửa các vật dụng chứa nước để diệt lăng quăng

Huyện Đức Hòa là địa phương có số ca mắc bệnh SXH cao nhất tỉnh do đây là địa bàn công nghiệp, dân cư tập trung đông. Theo Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đức Hòa - Lương Thị Hồng Thắm, Trung tâm chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống bệnh SXH Dengue năm 2023 trên địa bàn huyện và đang thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp phòng, chống dịch bệnh. Trong đó, tăng cường công tác tuyên truyền; tập trung xử lý các ổ dịch nhỏ; triển khai phun hóa chất diệt muỗi kết hợp với chiến dịch diệt lăng quăng ngay từ đầu mùa dịch nhằm ngăn chặn nguy cơ bùng phát; phát huy khả năng điều trị “định bệnh sớm, điều trị đúng” nhằm giảm tỷ lệ chết do bệnh SXH Dengue nặng tại các cơ sở y tế;...

Dự báo trong thời gian tới, tình hình dịch bệnh SXH tiếp tục diễn biến phức tạp, có nguy cơ bùng phát mạnh trên địa bàn tỉnh do điều kiện thời tiết nắng nóng, chỉ số côn trùng tăng cao. Nhằm tăng cường hơn nữa công tác phòng, chống bệnh SXH, bảo vệ sức khỏe người dân, UBND tỉnh ban hành Công văn số 892/UBND-VHXH, ngày 10/02/2023 về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh SXH. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu lãnh đạo các địa phương, các cấp, các ngành, mọi người dân không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, nghiêm túc và có trách nhiệm cao trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh SXH, kiên quyết không để dịch bệnh lây lan, bùng phát trong cộng đồng.

Khi bị sốt, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn điều trị

Khi bị sốt, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn điều trị

Đồng thời, tập trung chỉ đạo, rà soát, triển khai tích cực các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả theo chỉ đạo của Chính phủ, bộ, ngành Trung ương, chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 145/UBND-VHXH, ngày 06/01/2023 và các văn bản khác liên quan. Trong đó, tập trung các địa điểm tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm cao như bệnh viện, trường học, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu dân cư; nơi từng có các ổ dịch và bệnh SXH lưu hành.

“Vắc-xin” tốt nhất để phòng bệnh SXH là sự tham gia tích cực của mỗi người dân trong việc thực hiện các biện pháp diệt muỗi, lăng quăng; đồng thời, theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe, nếu phát hiện các dấu hiệu của bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời./.

Để góp phần khống chế dịch bệnh SXH bùng phát trên địa bàn tỉnh, người dân cần nâng cao ý thức, chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh tại gia đình. Đặc biệt là chủ động diệt lăng quăng, diệt muỗi”.

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh - Huỳnh Hữu Dũng

Tính đến ngày 20/02/2023, huyện Đức Hòa ghi nhận 190 ca mắc bệnh SXH, tăng 3,9 lần so cùng kỳ năm 2022; 56 ổ dịch, tăng 2,4 lần so cùng kỳ. Số ca bệnh ghi nhận cao ở các xã: Mỹ Hạnh Nam, Mỹ Hạnh Bắc, Đức Hòa Hạ, Đức Hòa Đông và thị trấn Hiệp Hòa. Thời gian tới, Trung tâm Y tế huyện tiếp tục triển khai, thực hiện kế hoạch phòng, chống bệnh SXH Dengue với mục tiêu giảm tỷ lệ mắc, giảm tỷ lệ chết, không để dịch lớn xảy ra”.

Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đức Hòa - Lương Thị Hồng Thắm

Qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi biết dịch bệnh SXH rất nguy hiểm. Do đó, mọi người không nên chủ quan. Để bảo vệ sức khỏe người thân, tôi thường xuyên súc rửa các lu chứa nước ở hiên nhà, sử dụng nhang xua muỗi, cho các cháu mặc quần, áo dài tay, vệ sinh xung quanh nhà để môi trường thông thoáng, không cho muỗi có nơi sinh sản”.

Nguyễn Thị Ngàn (khu phố 8, thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức)

Huỳnh Hương

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/phong-chong-sot-xuat-huyet-trach-nhiem-cua-moi-nguoi-a150126.html