Phòng chống tác hại rượu, bia: Chế tài xử phạt các hành vi vi phạm
Mặc dù Bình Thuận không để xảy ra vụ ngộ độc liên quan sử dụng rượu, bia, nhưng số trường hợp vi phạm nồng độ cồn tăng khá cao. Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đề ra một số giải pháp để làm tốt phòng chống tác hại rượu, bia.
Không ngộ độc rượu, bia
Rượu, bia xuất hiện ở tất cả các cuộc vui như cưới hỏi, hội họp, gặp mặt, ma chay, lễ, tết… Cùng với đó, thói quen lạm dụng việc uống rượu, bia gây ra nhiều vấn đề trong xã hội. Đó là tác hại sức khỏe, ngộ độc rượu, bia, đả thương gây mất an ninh trật tự xã hội, tai nạn giao thông. Tuy nhiên, năm 2023 đến nay, điểm nổi bật, Bình Thuận không để xảy ra vụ ngộ độc liên quan đến việc sử dụng các loại rượu, bia. Các địa điểm được quy định không bán rượu bia đạt tỷ lệ 100%. Để có kết quả này, các sở, ngành liên quan phối hợp thực hiện các biện pháp quản lý việc cung cấp rượu, bia, phòng ngừa tai nạn giao thông…
Phòng chống tác hại rượu, bia (ảnh minh họa).
Năm 2023, Cục Quản lý thị trường Bình Thuận kiểm tra các cơ sở có kinh doanh mặt hàng rượu, bia trên toàn tỉnh và không phát hiện vi phạm. Công an tỉnh đã phối hợp với các cơ quan liên quan phát hiện, xử lý 4 vụ, 4 đối tượng về hành vi kinh doanh hàng hóa không dán nhãn phụ tiếng Việt, xử phạt với số tiền 9,4 triệu đồng, tịch thu 264 chai bia. Thông qua kiểm tra nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, số trường hợp vi phạm nồng độ cồn là 8.660 trường hợp, tăng 6.661 trường hợp so với cùng kỳ năm 2022. Bên cạnh đó, ngành y tế tỉnh thực hiện sàng lọc phát hiện sớm, tư vấn, can thiệp giảm tác hại cho người có yếu tố nguy cơ sức khỏe do uống rượu, bia; chẩn đoán, điều trị, phục hồi chức năng cho người mắc bệnh hoặc rối loạn chức năng do uống rượu, bia; phòng chống tái nghiện rượu bia. Tất cả các trường hợp bị tai nạn giao thông đến cấp cứu tại cơ sở y tế được thực hiện kiểm tra nồng độ cồn trong máu. Tại cộng đồng, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động xây dựng nếp sống văn hóa, phát động phong trào không lạm dụng rượu, bia.
Tiếp tục các giải pháp
Mặc dù các đơn vị nỗ lực thực hiện tốt công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia, nhưng một số khó khăn vẫn còn đó. Cụ thể, ý thức chấp hành pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia của người dân còn chưa cao. Số trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông tăng cao. Nhận thức của cộng đồng về nâng cao sức khỏe, phòng chống yếu tố nguy cơ chưa đầy đủ. Tỷ lệ người dân có kiến thức đúng để tự theo dõi, phát hiện sớm bệnh, chăm sóc và tuân thủ điều trị bệnh còn thấp. Thêm vào đó, việc triển khai các quy định về Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia chưa được quan tâm đúng mức, nhất là việc kiểm soát mua, bán lẻ rượu, bia. Do đó, việc lạm dụng rượu, bia ở một số nơi đã làm mất trật tự xã hội và an toàn giao thông. Khó khăn trong việc quản lý các hộ kinh doanh quy mô nhỏ lẻ hoặc rất nhỏ, chủ yếu nấu rượu để phục vụ chăn nuôi không đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị sản xuất chế biến theo quy định.
Để công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia được triển khai thực hiện có hiệu quả tại tỉnh trong thời gian đến, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đề ra giải pháp như tiếp tục đổi mới hình thức tuyên truyền theo hướng thông tin hai chiều. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nội dung Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia; các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, không điều khiển phương tiện giao thông khi đã sử dụng rượu, bia. Các chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm về nồng độ cồn để người dân nâng cao ý thức và tự giác chấp hành quy định. Thường xuyên tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Đồng thời, triển khai các biện pháp phòng, chống rượu, bia nhập lậu, hàng giả, không bảo đảm chất lượng.