Phòng, chống tai nạn thương tích cho học sinh
Phòng, tránh tai nạn thương tích, bảo đảm an toàn cho trẻ mầm non trong môi trường giáo dục là vấn đề được xã hội rất quan tâm. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vừa tổ chức tập huấn nhằm cung cấp cho các giáo viên những kỹ năng sơ, cấp cứu, phòng, tránh và ứng phó các tai nạn thương tích thường gặp của trẻ mầm non.
Phòng, tránh tai nạn thương tích, bảo đảm an toàn cho trẻ mầm non trong môi trường giáo dục là vấn đề được xã hội rất quan tâm. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vừa tổ chức tập huấn nhằm cung cấp cho các giáo viên những kỹ năng sơ, cấp cứu, phòng, tránh và ứng phó các tai nạn thương tích thường gặp của trẻ mầm non.
Việc một học sinh mầm non 4 tuổi Trường mầm non Đông La (huyện Hoài Đức) gặp sự cố suýt gây nguy hiểm tính mạng khi đang chơi cầu trượt trong sân trường gần đây, đã được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) Hà Nội xác nhận và lên tiếng cảnh báo với các cơ sở giáo dục trên toàn thành phố. Theo báo cáo của Phòng GD và ĐT huyện Hoài Đức, sự việc xảy ra sáng 30-11, khi hai giáo viên phụ trách lớp tổ chức cho trẻ chơi cầu trượt ở khu vui chơi liên hoàn. Khi đó, cháu T.T.T mặc áo ấm có dây buộc ở mũ áo. Trong lúc chơi cầu trượt, dây mũ áo của cháu bị mắc vào ốc vít của cầu trượt. Nhân viên y tế trường đã sơ cứu và chuyển cháu bé đến trạm y tế xã. Sau đó, gia đình cháu T. đã chuyển con ra Bệnh viện đa khoa Hà Đông và chuyển tiếp đến Bệnh viện Nhi Trung ương. Hiện tại, cháu T. đang được theo dõi, điều trị tại Khoa Hồi sức cấp cứu của Bệnh viện Nhi Trung ương theo hướng ổn định.
Qua sự việc có thể thấy, trường học vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn tới tai nạn thương tích ở trẻ, do vậy, giáo viên và người lớn phải luôn quan tâm chăm sóc trẻ, không để trẻ chơi một mình, vì chỉ một phút người lớn thiếu tập trung cũng có thể dẫn đến hậu quả vô cùng đáng tiếc. Sở GD và ĐT Hà Nội đã yêu cầu Phòng GD và ĐT huyện Hoài Đức chỉ đạo Trường mầm non Đông La tích cực phối hợp gia đình chăm sóc, điều trị sức khỏe cho trẻ, đồng thời nhắc nhở các đơn vị, trường học nhất là các trường mầm non quan tâm, rà soát toàn bộ các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi để kịp thời phát hiện các nguy cơ gây mất an toàn cho trẻ.
Ông Hoàng Hữu Trung, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD và ĐT Hà Nội cho biết, vấn đề phòng tránh tai nạn thương tích, bảo đảm an toàn cho trẻ mầm non trong môi trường giáo dục luôn là vấn đề quan tâm của cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, phụ huynh nói riêng và toàn xã hội nói chung. Ngày 3-12, Sở GD và ĐT Hà Nội đã phối hợp các đơn vị chức năng tổ chức tập huấn nhằm cung cấp cho các học viên những kiến thức về kỹ năng sơ cấp cứu và thực hành nâng cao kỹ năng về phòng tránh và ứng phó tai nạn thương tích thường gặp của trẻ mầm non.
Khóa tập huấn được tổ chức với quy mô hơn 300 học viên gồm các cán bộ quản lý, cán bộ y tế, giáo viên chủ chốt của các phòng giáo dục và các cơ sở giáo dục mầm non của 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP Hà Nội. Khóa tập huấn năm nay đặc biệt quan tâm bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho giáo viên tại các điểm lẻ của các cơ sở giáo dục mầm non để kịp thời sơ cấp cứu cho trẻ khi không may có tai nạn thương tích xảy ra. Khóa học đã tập huấn cho học viên các kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích như kỹ năng xử trí khi trẻ đuối nước, kỹ năng xử trí khi trẻ hóc dị vật; kỹ năng xử trí khi trẻ bị gãy xương (vùng tay, chân, cổ…); kỹ năng băng bó cầm máu vết thương, kỹ năng xử trí tai nạn thương tích thường gặp ở trẻ, kỹ năng xử lý cấp cứu…
Qua buổi tập huấn, rất nhiều thầy giáo, cô giáo bày tỏ mong muốn Sở GD và ĐT tổ chức nhiều buổi tập huấn cho các cơ sở giáo dục mầm non thuộc quận, huyện, thị xã để cán bộ y tế, giáo viên nâng cao kỹ năng phòng, tránh tai nạn thương tích và kỹ năng sơ cấp cứu, kỹ năng cấp cứu cho trẻ. Tuy nhiên, để triển khai rộng khắp các cơ sở giáo dục, Hà Nội cần có cơ chế, chính sách, hướng dẫn cụ thể để căn cứ vào đó đưa thành hoạt động chính thức trong trường học vì việc tập huấn, phổ cập các kỹ năng này tới toàn thể giáo viên, cán bộ quản lý nhà trường đòi hỏi sự phối hợp của nhiều ngành chức năng, chuyên môn cao như y tế, công an và cần có kinh phí tổ chức thường xuyên. Đây là lý do Hà Nội mới chỉ đang triển khai thí điểm, mà chưa thể thực hiện đại trà, mặc dù việc trang bị những kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ mầm non là hết sức cần thiết.