Phòng, chống tham nhũng hiệu quả ngay từ nhận thức

Phòng, chống tham nhũng (PCTN) phải gắn liền với công tác giáo dục chính trị, tư tưởng một cách thường xuyên, liên tục để tác động mạnh mẽ vào nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Do đó, Thanh tra tỉnh Sóc Trăng đã tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án 'Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN giai đoạn 2019 - 2021'. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Sóc Trăng đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Việt Hoàn - Chánh Thanh tra tỉnh.

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết việc triển khai thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN giai đoạn 2019 - 2021”?

Đồng chí Nguyễn Việt Hoàn:UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn tỉnh phải nghiêm túc quán triệt việc thực hiện Quyết định số 861/QĐ-TTg, ngày 11-7-2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN giai đoạn 2019 - 2021. Khi đó, Thanh tra tỉnh tham mưu UBND tỉnh hướng dẫn hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về PCTN tại các sở, ngành và địa phương; thực hiện cập nhật, đăng tải các văn bản chỉ đạo, điều hành của Trung ương, địa phương về PCTN trên trang thông tin điện tử của Thanh tra tỉnh.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả đề án, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3284/QĐ-UBND thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN giai đoạn 2019 - 2021”. Theo đó, cơ cấu Trưởng ban Ban Chỉ đạo là Chánh Thanh tra tỉnh và 13 thành viên tại các sở, ngành liên quan tham gia; giao Thanh tra tỉnh là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án. Trong 3 năm qua, Ban Chỉ đạo thực hiện đề án đã tiến hành kiểm tra 9 cuộc về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật PCTN và kịp thời kiến nghị các đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đối với công tác này. Hàng năm, Thanh tra tỉnh còn tham mưu UBND tỉnh thực hiện kế hoạch thanh tra trách nhiệm việc thực hiện pháp luật về PCTN tại các đơn vị, địa phương.

Phóng viên: Hiệu quả từ đề án đối với từng địa bàn, lĩnh vực, đối tượng cụ thể như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Việt Hoàn: Trên tinh thần chỉ đạo, cấp ủy, thủ trưởng các đơn vị, địa phương luôn nâng cao tinh thần trách nhiệm, tính nêu gương và chú trọng thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN. Nhờ vậy, đa số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có chuyển biển tích cực về tư tưởng, nhận thức trong công tác đấu tranh phòng, chống tiêu cực, tham nhũng. Mỗi cá nhân đã tự giác tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, không có biểu hiện “tự diễn biến ”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Từ năm 2019 đến nay, các vụ việc liên quan đến tiêu cực, tham nhũng vẫn còn xảy ra nhưng chủ yếu vi phạm trong công tác quản lý, sử dụng và công khai, minh bạch tài chính, tài sản; các vi phạm được xử lý kịp thời, nghiêm minh, thể hiện tính giáo dục, răn đe. Đáng ghi nhận, việc phân công cụ thể trách nhiệm của từng đơn vị chủ trì thực hiện trên các lĩnh vực liên quan đã phát huy hiệu quả, nhất là gắn với trách nhiệm chuyên môn nên các chỉ tiêu kế hoạch đề án đều đạt yêu cầu.

Phóng viên: Các cơ quan, địa phương đã tập trung các phương thức gì để đẩy mạnh thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Việt Hoàn: Để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, UBND tỉnh đã chỉ đạo tổ chức, kiện toàn nâng cao năng lực đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật về PCTN; đội ngũ giáo viên, giảng viên giảng dạy môn giáo dục công dân, môn pháp luật tại các cơ sở giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 124 báo cáo viên cấp tỉnh và 258 báo cáo viên cấp huyện được kiện toàn. Lực lượng tuyên truyền viên pháp luật ở cấp xã được củng cố kịp thời, đến nay có 1.549 người.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật là mặt công tác quan trọng trong đấu tranh PCTN trên địa bàn tỉnh. Theo đó, thông qua việc triển khai thực hiện đề án, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Các cơ quan, đơn vị, địa phương còn tổ chức treo panô, băng rôn khẩu hiệu tuyên truyền trên các tuyến đường chính, các điểm công cộng, các điểm tập trung đông dân cư, phóng thanh bằng xe thông tin trên các tuyến đường trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng còn đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN và đạo đức liêm chính thông qua hoạt động văn hóa, tuyên truyền lưu động, xét xử các vụ án tham nhũng (5 vụ án tham nhũng). Tổ chức các hoạt động tôn vinh, nhân rộng mô hình, gương tiêu biểu trong PCTN và xây dựng đạo đức liêm chính; tổ chức các cuộc thi, giải thưởng có chủ đề PCTN (23 cuộc) và xây dựng đạo đức liêm chính (trên 31.000 người tham dự). Riêng năm 2021, Thanh tra tỉnh đã triển khai Cuộc thi tìm hiểu pháp luật về PCTN đến toàn thể cán bộ, công chức, người lao động, nhân dân trên địa bàn tỉnh, có hơn 800 bài dự thi.

Ngoài ra, chú trọng biên soạn, phát hành tài liệu, tờ rơi, tranh ảnh, khẩu hiệu cổ động, ấn phẩm tuyên truyền pháp luật về PCTN. Lựa chọn mô hình điểm tuyên truyền, phố biến, giáo dục pháp luật PCTN tại địa phương và cơ quan, đơn vị; xây dựng tủ sách pháp luật; tuyên truyền thông qua các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, tọa đàm, sinh hoạt của cơ quan, tổ chức, đơn vị và nhân dân trên địa bàn… Đặc biệt, lồng ghép tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật PCTN thông qua các hoạt động chuyên môn. Từ năm 2019 đến nay, toàn tỉnh đã triển khai 77 cuộc thanh tra trách nhiệm việc thực hiện các quy định của pháp luật về PCTN. Qua đó, đoàn thanh tra đã chỉ ra các hạn chế và kiến nghị các cơ quan, đơn vị khắc phục, chấn chỉnh. Cũng từ các cuộc thanh tra đã lồng ghép tuyên truyền để cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tại các đơn vị là đối tượng thanh tra hiểu rõ hơn tầm quan trọng của công tác đấu tranh PCTN.

Phóng viên: Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN sẽ được triển khai thực hiện ra sao trong thời gian tới, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Việt Hoàn: Thanh tra tỉnh sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh thực hiện tốt công tác tuyên truyên, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN; có kế hoạch kiện toàn, nâng cao năng lực cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên trong thực hiện nhiệm vụ. Xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng hàng đầu trong công tác đấu tranh, phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng trong nội bộ. Đồng thời, tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nâng cao ý thức, hiểu biết, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của người dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tiêu cực, tham nhũng. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của thủ trưởng các đơn vị, địa phương trong thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN gắn với nhiệm vụ công tác chuyên môn. Nghiên cứu đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN theo hướng đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung, hiện đại, dễ nắm, dễ tìm hiểu, dễ tiếp cận.

Phóng viên: Xin chân thành cảm ơn đồng chí!

SỚM MAI (Thực hiện)

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/phap-luat-ban-doc/phong-chong-tham-nhung-hieu-qua-ngay-tu-nhan-thuc-53248.html