Phòng, chống thiên tai với phương châm '4 tại chỗ'

.

Bão số 3 tuy không gây ảnh hưởng lớn đến tỉnh Bình Thuận, tuy nhiên trong tháng 8 và những ngày đầu tháng 9/2024 vừa qua, tại một số địa phương trong tỉnh như: TP. Phan Thiết, Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh đã xảy ra mưa lớn, kéo dài nhiều ngày liên tục gây ngập lụt cục bộ, sạt lở đất, cát, đuối nước, lũ cát… ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và giao thông của người dân. Đặc biệt, đêm 27/8/2024 đến sáng 28/8/2024, do ảnh hưởng của mưa lớn cục bộ, liên tục kéo dài trên lưu vực sông Cát (Hàm Thuận Nam), với tổng lượng mưa đo được trong 5 ngày tại một số trạm như: Trạm Hàm Cường 260,8mm, trạm Hàm Kiệm 188,6mm, trạm Mương Mán 157,3mm đã gây ngập lụt trên diện rộng tại thôn Phú Sơn và Phú Khánh, xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam. Chiều ngày 3/9/2024, mưa to nước chảy mạnh từ trên đồi cao ở tuyến đường Võ Nguyên Giáp (đường 706B) xuống đường Nguyễn Thông, phường Phú Hài, TP. Phan Thiết cuốn theo một lượng cát đỏ hơn 500 m3 tràn trên đường với độ dày hơn 50 cm, gây ách tắc giao thông cục bộ, hư hỏng tài sản, đồ dùng của nhân dân trong khu vực.

Khắc phục cát tràn trên đường Hàm Tiến - Mũi Né. Ảnh: tư liệu

Khắc phục cát tràn trên đường Hàm Tiến - Mũi Né. Ảnh: tư liệu

Theo cảnh báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ tháng 9 - 11/2024, hiện tượng ENSO sẽ chuyển sang trạng thái Lanina với xác suất từ 60 - 70%, hoạt động của bão, áp thấp nhiệt đới trên khu vực biển Đông có khả năng xuất hiện ở mức xấp xỉ đến cao hơn trung bình nhiều năm, đề phòng khả năng bão, áp thấp nhiệt đới hình thành ngay trên khu vực biển Đông. Dự báo tổng lượng mưa các khu vực trong tỉnh ở mức cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ khoảng 5 - 15%. Để chủ động ứng phó, phòng tránh hiệu quả và khắc phục nhanh, kịp thời hậu quả do mưa lớn cục bộ gây ra ngập lụt và sạt lở cát nêu trên, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra trong mùa mưa, bão, lũ năm 2024, nhất là ứng phó với thời tiết cực đoan, mưa lớn gây ngập lụt trên diện rộng, sạt lở đất, cát, lốc xoáy cục bộ, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương kiểm tra việc thực hiện đảm bảo yêu cầu phòng, chống thiên tai, xử lý các tình huống, hoạt động làm gia tăng nguy cơ rủi ro thiên tai, sự cố, nguy cơ xảy ra sự cố, nguy cơ mất an toàn giao thông và khắc phục hậu quả thiên tai thuộc phạm vi quản lý các khu vực sạt bị lở đất, cát.

Đánh giá tình hình thiệt hại do mưa lũ, ngập lụt vừa qua trên địa bàn để tập trung nguồn nhân lực khắc phục hậu quả trong sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại do ngập lụt, hướng dẫn người dân khôi phục sản xuất, xem xét hỗ trợ giống cây trồng kịp thời cho các hộ dân có diện tích bị thiệt hại theo quy định hiện hành. Tổ chức rà soát, kiểm tra, đánh giá lại các khu dân cư, trường học, cơ sở y tế, trụ sở cơ quan, các khu vực sườn đồi dốc, vùng trũng ven sông, suối, các tuyến đường giao thông trên địa bàn mình quản lý để kịp thời phát hiện các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở khi mưa lớn hoặc ngập lụt, lũ quét, sẵn sàng phương án di dời, sơ tán dân khu vực nguy cơ cao xảy ra sạt lở, ngập lụt sâu nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân, hạn chế thiệt hại về cơ sở hạ tầng trong khu vực. Đồng thời tổ chức kiểm tra rà soát, cập nhật kịch bản ứng phó tình huống xảy ra bão mạnh, áp thấp nhiệt đới đổ bộ trực tiếp đến khu vực của tỉnh hoặc thời tiết nguy hiểm gây mưa to, kéo dài nhiều ngày, kết hợp lũ lớn và xả lũ công trình thủy lợi, thủy điện, sạt lở đất, đá nghiêm trọng, nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp cơ sở để thực hiện tốt công tác phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” ở các địa phương. Đối với thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan theo chức năng quản lý nhà nước được giao chỉ đạo theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai cực đoan, dự báo mưa lớn, sạt lở, kịp thời triển khai công tác phòng, chống, ứng phó kịp thời và khắc phục hậu quả do thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị và phối hợp với các địa phương triển khai công tác ứng phó, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ khi có tình huống, sự cố xảy ra, đảm bảo kịp thời, an toàn và hiệu quả. Trong thời gian xảy ra thiên tai, sự cố phải cử người trực ban để theo dõi, nắm bắt tình huống liên tục, tham mưu xử lý kịp thời, tổng hợp báo cáo ngay các vấn đề phát sinh vượt quá thẩm quyền về UBND tỉnh để chỉ đạo xử lý, giải quyết...

PHAN LIÊN

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/phong-chong-thien-tai-voi-phuong-cham-4-tai-cho-123917.html