Phòng COVID-19: Không để bệnh nhân nằm ghép
Ngưng hoạt động thăm bệnh, một bệnh nhân một người nhà chăm sóc, chỉ phẫu thuật những bệnh nhân nguy cơ tử vong cao… là các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại các bệnh viện.
Chiều 31-3, BS Trần Văn Sóng, Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Nhân dân 115 TP.HCM, cho biết BV này đã triển khai nhiều hoạt động để ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan trong BV và nhân viên y tế.
Chỉ một thân nhân chăm sóc người bệnh
Theo BS Sóng, BV áp dụng hình thức “một thân nhân một người bệnh” và tuyệt đối không cho vào thăm bệnh. Thân nhân và người bệnh phải mang thẻ do BV cấp. Bảo vệ cương quyết mời những ai không có thẻ ra ngoài.
BS Sóng cho biết trước đây bệnh nhân tăng huyết áp, đái tháo đường được cấp thuốc bảo hiểm y tế sử dụng trong một tháng. Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 có chiều hướng gia tăng, hiện BV cấp thuốc đủ dùng trong hai tháng để hạn chế bệnh nhân đi lại, tránh xảy ra những rủi ro không hay.
“Đối với bệnh nhân khám theo yêu cầu, BV cũng cho thuốc sử dụng trong nhiều ngày thay vì ít ngày như trước đây. BV cũng tăng cường tư vấn qua điện thoại” - BS Sóng nói.
BS Sóng khuyến cáo nếu bệnh không nặng không nên đi xa, không di chuyển từ tỉnh lên TP.HCM mà có thể khám tại BV địa phương. Đặc biệt, lưu ý bệnh nhân trên 60 tuổi bị thận mạn tính, đái tháo đường, cao huyết áp, suy giảm miễn dịch… nếu sức khỏe ổn định nên hạn chế tới BV, gọi điện thoại để được tư vấn tình hình sức khỏe.
BS Sóng cho biết trước đây nhân viên y tế BV đặt thức ăn, đồ uống từ ngoài mang vào. Tuy nhiên, hiện nay BV yêu cầu ngưng và khuyến khích mang theo thức ăn, đồ uống từ nhà. “Nhân viên y tế trong giờ làm việc muốn ra ngoài phải được giám đốc BV đồng ý và phải nói rõ đi đâu, gặp ai. BV cũng khuyến khích nhân viên y tế hạn chế ra ngoài trong giờ nghỉ trưa” - BS Sóng nói thêm.
Không để bệnh nhân nằm ghép
“Để ngăn chặn dịch COVID-19 xâm nhập, BV Nhân dân Gia Định TP.HCM kiểm soát chặt lượng người ra vào ở các cổng và tổ chức sàng lọc, khai báo y tế tất cả trường hợp. BV quy định một bệnh nhân chỉ một người nuôi bệnh và không giải quyết khách đến thăm bệnh” - TS-BS Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc BV Nhân dân Gia Định.
Theo BS Dũng, BV xây dựng quy trình và tập huấn thực hiện tốt việc sàng lọc phát hiện, chẩn đoán, điều trị cách ly. BV cũng tập huấn phòng ngừa chuẩn, kiểm soát nhiễm khuẩn cho toàn bộ nhân viên y tế và người lao động.
Còn tại BV Chợ Rẫy, BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc BV, cho biết hiện trong giai đoạn cao điểm của dịch COVID-19 nên BV chỉ phẫu thuật cho những bệnh nhân thực sự cần thiết, nguy cơ tử vong cao.
“BV cũng thực hiện sàng lọc mỗi bệnh nhân nhập viện qua ba lần kiểm tra: Khi vào khoa cấp cứu, trước khi nhập khoa điều trị và khi tiếp nhận tại khoa điều trị. BV không để bệnh nhân nằm ghép, nằm ngoài hành lang. Số bệnh nhân đủ với số giường cố định và đảm bảo khoảng cách an toàn, chống lây nhiễm” - BS Thức cho biết thêm.
Theo quy định của Sở Y tế TP.HCM, các phòng khám chuyên khoa tư nhân cũng phải đóng cửa. Vì vậy, với người có biểu hiện bệnh thông thường như cảm, ho, sổ mũi… nên đến trung tâm y tế quận, huyện để được khám và khai thác kỹ yếu tố dịch tễ. Nếu thực sự có yếu tố nghi ngờ, nơi đây sẽ có hướng xử trí tiếp theo.
BS TRẦN VĂN SÓNG
Theo BS Thức, BV ngừng hoạt động thăm bệnh. Người nuôi bệnh cũng phải thực hiện khai báo y tế và tuân thủ các biện pháp chống dịch, không tụ tập. “Người nuôi bệnh khi vào thang máy phải được kiểm tra thân nhiệt và đứng chờ cách nhau ít nhất 2 m. Mỗi lượt thang máy không chở quá bốn người” - BS Thức nói.
BS Thức còn cho biết BV cũng cố định danh sách nhân viên làm sạch, nhân viên cung cấp suất ăn theo từng khoa. Không phân công một nhân sự làm ở nhiều khoa. Người làm việc tại BV Chợ Rẫy không làm nơi khác. “Nhân viên làm sạch, nhân viên cung cấp suất ăn phải thực hiện khai báo y tế và đo thân nhiệt hằng ngày. Người có liên quan yếu tố dịch tễ hoặc có một trong những biểu hiện của yếu tố lâm sàng không được đến BV làm việc” - BS Thức nói thêm.
Theo BS Thức, BV chỉ sử dụng xe cấp cứu của BV hoặc của công ty hợp đồng vận chuyển bệnh nhân với BV. “Điều đáng lưu ý, xe cấp cứu buộc phải khử khuẩn trước và sau vận chuyển bệnh nhân. Tất cả tài xế phải khai báo y tế, đo thân nhiệt, trang bị găng tay và mang khẩu trang khi vận chuyển bệnh nhân” - BS Thức nói rõ.
Các bệnh viện lên sẵn phương án cách ly
BS Trần Văn Sóng cho biết thực hiện chỉ đạo của Sở Y tế TP.HCM, BV Nhân dân 115 trang bị kính bảo hộ cho tất cả nhân viên y tế. BV cũng chuẩn bị đầy đủ khẩu trang y tế, đồ phòng hộ chuẩn và lên phương án cách ly nhân viên y tế nếu như có tiếp xúc người bệnh COVID-19.
Theo BS Nguyễn Tri Thức, trong trường hợp BV Chợ Rẫy bị cách ly, ước tính tổng cộng từ 6.500 đến 7.000 bệnh nhân, người nhà, nhân viên y tế, nhân viên hợp đồng… sẽ thực hiện cách ly.
BS Thức cho biết do nhân sự ở lại sinh hoạt tại BV nên sẽ áp dụng chế độ hai ca, hai kíp (ca làm việc 12 tiếng). BV trưng dụng các khoa điều trị theo yêu cầu, hội trường cho nhân viên y tế nghỉ khi ra ca trực.
Nguồn PLO: https://plo.vn/suc-khoe/phong-covid19-khong-de-benh-nhan-nam-ghep-901766.html