Phòng dịch hiệu quả để chăn nuôi an toàn

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 21 ổ dịch tả heo châu Phi tại các huyện, thị xã gồm: Bù Đăng, Hớn Quản, Phước Long, Bù Gia Mập, Phú Riềng, Đồng Phú và TP. Đồng Xoài. Dịch tả heo châu Phi xuất hiện rải rác tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo cho các hộ chăn nuôi heo ở Bình Phước. Bởi dịch đã gây hậu quả nặng nề đối với ngành chăn nuôi vào năm 2019. Tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch tả heo châu Phi là việc làm cấp bách trong giai đoạn hiện nay.

Những ngày gần đây, khi nghe dịch tả heo châu Phi xuất hiện trở lại tại xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập, nhiều hộ chăn nuôi heo tại thôn 4, xã Đắk Ơ đã thực hiện ngay các biện pháp phòng bệnh cho đàn heo. Hộ ông Hà Văn Hòa ở thôn 4, xã Đắk Ơ đang nuôi 8 con heo nái, 10 heo thịt. Để phòng bệnh cho đàn heo, ông rắc vôi xung quanh chuồng và tiêu độc khử trùng môi trường. Ông Hòa cho biết: “Nghe tin có dịch tả heo châu Phi, 4-5 ngày tôi lại phun thuốc sát trùng chuồng trại 1 lần. Chuồng heo được bao lưới để hạn chế ruồi, muỗi, côn trùng từ xung quanh bay vào. Dù số lượng không nhiều nhưng đàn heo là cả gia tài với gia đình tôi, mọi chi tiêu đều trông chờ hết vào đàn heo này nên phải phòng bệnh tốt”.

Chăn nuôi an toàn sinh học là giải pháp duy nhất, hữu hiệu phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi

Chăn nuôi an toàn sinh học là giải pháp duy nhất, hữu hiệu phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi

Cũng tại thôn 4, xã Đắk Ơ, gia đình ông Sầm Văn Quý đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm tăng sức đề kháng, phòng bệnh cho đàn heo. Bởi dịch tả heo châu Phi chưa có thuốc đặc trị, tỷ lệ heo mắc bệnh dẫn đến chết rất cao, gây thiệt hại lớn về kinh tế.

Tuy nhiên, bên cạnh nhiều hộ chăn nuôi có tinh thần cảnh giác, phòng bệnh cao cũng còn rất nhiều hộ chủ quan, lơ là trước bệnh dịch này. Thống kê từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 21 ổ dịch tả heo châu Phi tại 7 huyện, thị xã, thành phố. Tổng số heo phải tiêu hủy hơn 900 con. Nguyên nhân gây bệnh được xác định do các hộ mua con giống không rõ nguồn gốc; sử dụng thức ăn dư thừa, thu gom từ chợ, nhà hàng; hoặc phát sinh từ ổ dịch cũ… Những nguyên nhân này đã được cơ quan thú y trên địa bàn tỉnh tuyên truyền sâu rộng đến người chăn nuôi. Tuy nhiên, nhiều hộ vẫn còn chủ quan. Bà Hồ Thị Kiều Hạnh ở thôn Bù Lư, xã Bù Gia Mập cho biết: “Hằng ngày, gia đình tôi vẫn lấy thức ăn thừa từ quán ăn, nhà hàng tại xã Bù Gia Mập về nấu chín để nuôi heo. 20 năm nuôi heo tôi vẫn lấy thức ăn như thế, chưa thấy vấn đề gì, cũng không biết có nguy hiểm gì cho đàn heo hay không”.

Chăn nuôi heo an toàn sinh học đã chứng minh được hiệu quả phòng bệnh trên đàn heo. Từ năm 2019 đến nay, trong số hơn 300 cơ sở nuôi heo trên toàn tỉnh thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học không có cơ sở nào xảy ra dịch tả heo châu Phi.

Ông Trần Văn Phương, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Ông Trần Văn Phương, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học khiến công tác phòng bệnh cho đàn heo chưa hiệu quả. Đây được coi là một trong những nguyên nhân khiến dịch tả heo châu Phi có nguy cơ bùng phát trở lại. Chính tâm lý chủ quan của nhiều hộ chăn nuôi trước bệnh dịch tả heo châu Phi đang đẩy nguy cơ bùng phát dịch lên cao.

Các ổ dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, cơ bản đã được khống chế kịp thời. Ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo người dân không chủ quan trước dịch bệnh này. Bởi hiện nay vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh; tỷ lệ heo chết khi mắc bệnh dịch tả heo châu Phi rất cao, thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi bò rất lớn. Biện pháp hữu hiệu nhất để phòng bệnh chính là thực hiện chăn nuôi heo theo biện pháp an toàn sinh học.

Lê Na

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/125038/phong-dich-hieu-qua-de-chan-nuoi-an-toan