Phòng dịch hiệu quả để không mất tiền oan
Trước thực trạng các ca nhiễm COVID-19 không ngừng tăng lên mỗi ngày, nhiều người đã chi tiền triệu mua kit test nhanh, khẩu trang, xét nghiệm PCR cùng nhiều thực phẩm cần thiết khác để phòng chống dịch... Tuy nhiên, vì quá lo lắng, không ít người đã mua những thứ không cần thiết, dẫn đến lãng phí tiền và khi sử dụng, nếu không tuân theo sự chỉ dẫn của bác sĩ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân.
Ngay thời điểm trường học nơi mình công tác có đồng nghiệp bị F0, chị Thanh Hoài (thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh) đã có cảm giác COVID-19 đang đến rất gần nên vội vàng lên danh sách mua đủ thứ để phòng khi COVID-19 “ghé thăm” nhà mình.
Với suy nghĩ “phòng hơn chống” nhưng chị cũng than trời vì chỉ trong vòng hai tuần đã phải chi tiền triệu để mua kit test nhanh và khẩu trang... dù cả 6 thành viên trong gia đình chưa ai là F0. Chị kể, nhà có bố mẹ già, 2 đứa con nhỏ học tiểu học chưa tiêm mũi vắc xin nào nên cứ 2 - 3 ngày chị lại test cho toàn bộ thành viên trong gia đình một lần. Cùng với đó, cả nhà bổ sung các loại vitamin, trái cây để tăng sức đề kháng cho cơ thể nên rất tốn kém. Nay trong cơ quan xuất hiện F0, chị tiếp tục bổ sung vào danh sách phòng dịch khẩu trang loại N95 (có giá đắt hơn các loại khẩu trang bình thường, được khuyến cáo dùng trong trường hợp đông người), vitamin C, dung dịch sát khuẩn, xịt họng và nước súc miệng… Vì nhà có 3 thế hệ cùng chung sống nên khi mua chị đều tính đến việc sử dụng phù hợp cho các độ tuổi khác nhau. Nhất là các loại thực phẩm chức năng tăng cường sức đề kháng, nghe ai nói có loại nào tốt là chị gửi mua cho bằng được. Lương viên chức của chị mỗi tháng chưa đến 5 triệu đồng nhưng phải chi gần hết số tiền đó để mua các mặt hàng liên quan đến phòng ngừa, hỗ trợ điều trị COVID-19 khiến các khoản chi tiêu khác của gia đình phải giảm bớt. Những ngày gần đây, vợ chồng chị liên tục là F1 khi đồng nghiệp, người thân lần lượt là F0. “Thu nhập bị giảm do dịch trong khi chi phí sinh hoạt tăng, nhất là các loại vật tư y tế. Riêng kit test và khẩu trang từ trước đến nay đã tốn tiền triệu, đó là tôi còn chưa mua súng khử khuẩn, máy xông, máy SP02… do trong nhà chưa có F0”, chị Hoài cho biết.
Trường hợp của gia đình chị Hoài mới chỉ là chi phí chi trả cho việc phòng dịch, còn đối với gia đình có F0 thì khoản chi phí đó lại tăng lên rất nhiều. Mắc COVID-19 nhưng do không có triệu chứng nên đến khi phát hiện bệnh, chồng chị Nguyễn Thị Phượng (TP. Đông Hà) đã lây cho hai con gái của mình. Trước đó, cũng như nhiều gia đình khác, chị Phương luôn trữ sẵn kit test, khẩu trang, thuốc khử khuẩn. Chị nhẩm tính, chỉ riêng tiền hai thùng khẩu trang người lớn và một thùng khẩu trang trẻ em vừa mua đã hết hơn 1 triệu đồng, tiền kit test nhanh 2 hộp (25 bộ/hộp) hết 4 triệu đồng, sát khuẩn và các loại vitamin hết gần 2 triệu đồng. Nhưng khi nhà có F0 thì danh sách các thứ cần mua dài thêm rất nhiều. Chị Phượng đặt mua thêm máy xông, máy đo nồng độ ô xy trong máu, nhiệt kế điện tử, thuốc hạ sốt, khẩu trang N95… với số tiền hơn 4 triệu đồng. Chưa kể thực đơn hằng ngày cho 3 F0 trong nhà khiến chị xây xẩm mặt mày. Để tăng sức đề kháng cho các thành viên trong gia đình, nghe ai bảo có thứ gì bổ, ngon, có thể “đánh bay COVID” chị đều tìm mua cho bằng được.
COVID-19 khiến chi phí sinh hoạt của nhiều gia đình đội lên nhiều so với bình thường, đó là thực trạng chung hiện nay khi số ca mắc tăng nhanh và nhiều người được điều trị tại nhà. Chuyện phải chi tiền triệu để mua khẩu trang, kit test nhanh... dù chưa phải F0 không còn là chuyện hiếm. Nhiều người khi tiếp xúc với F0 dù đã test nhanh nhưng chưa yên tâm nên làm thêm xét nghiệm PCR rất tốn kém. Ghi nhận trên thị trường, giá một số loại kit test nhanh, khẩu trang, máy SP02... phục vụ cho việc phòng ngừa và hỗ trợ điều trị COVID-19 đều tăng. Một số mặt hàng loạn giá, loạn xuất xứ khiến người dân không chỉ tốn kém mà còn như lạc vào “ma trận”, không biết chọn lựa thế nào cho chuẩn để tránh tiền mất tật mang. Vì thế, nếu người tiêu dùng không bình tĩnh thì rất dễ tốn tiền vào các khoản không cần thiết.
Như trường hợp của chị Hoài, vì quá lo lắng cho ba mẹ già khi không may bị COVID-19, chị dự trữ sẵn các loại thực phẩm chức năng tăng cường sức đề kháng và các loại thuốc kháng viêm, kháng vi rút. Nhưng mua về rồi, chị mang hỏi bác sĩ cách sử dụng cho đúng thì mới biết các loại vitamin C của chị thành phần chồng chéo lên nhau (nghĩa là đã sử dụng loại này thì không cần phải sử dụng loại khác), còn các loại kháng viêm, kháng vi rút thì bác sĩ khuyến cáo không được dùng khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Trong khi đó, các loại thuốc này được quảng cáo là hàng xách tay nên khá đắt đỏ.
Việc người bệnh quá lo lắng, tự mách nhau cách dùng thuốc hoặc “biến tấu” đơn thuốc do ngành y tế ban hành, không tuân thủ theo đúng chỉ định… có thể khiến việc điều trị trở nên phức tạp và dịch bệnh khó kiểm soát hơn. Điều này dẫn tới tâm lý mua sẵn tích trữ, khan hiếm một số mặt hàng ở hiệu thuốc bán lẻ và trên mạng. Đây cũng chính là điều kiện để các đối tượng xấu lợi dụng thực hiện nhiều hành vi lừa đảo, trục lợi qua không gian mạng.
Theo các chuyên gia y tế, người dân không nên có tâm lý “mua phòng sẵn một số loại thuốc cho yên tâm” khi chưa biết hiệu quả điều trị tới đâu. Các F0 điều trị tại nhà nói chung và F0 không triệu chứng nói riêng chỉ cần dự phòng một số loại thuốc và vật tư y tế cần thiết, tránh tình trạng mua quá nhiều thứ dẫn đến tiền mất mà không sử dụng được hoặc sử dụng không hiệu quả, nhất là các loại thuốc được cho là phòng chống lây nhiễm tốt. Tăng cường hệ miễn dịch giúp cơ thể chống được sự xâm nhập của vi rút là một quá trình lâu dài, cần kết hợp các yếu tố khác như: ăn uống đủ chất, tập luyện đều đặn, ngủ nghỉ hợp lý chứ không phải đợi khi ốm đau, dịch bệnh mới vội vàng bổ sung. Theo các bác sĩ, việc dùng quá nhiều thuốc bổ, vitamin, thuốc tăng cường miễn dịch dẫn đến dư thừa chất, ảnh hưởng đến một số chức năng, bộ phận trong cơ thể về lâu dài.