Phong Điền làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa

Quản lý và sử dụng nguồn quỹ 'Đền ơn đáp nghĩa' hợp lý, hiệu quả, Phong Điền đã phần nào chăm lo đời sống cho người có công chu đáo hơn.

Công trình ghi công liệt sĩ tại xã Phong Chương bị xuống cấp kịp thời được sửa chữa

Công trình ghi công liệt sĩ tại xã Phong Chương bị xuống cấp kịp thời được sửa chữa

Tháng 7, tháng của sự tri ân. Đây cũng là thời điểm mà ngôi nhà ông Nguyễn Văn Khâm, xã Phong Chương, huyện Phong Điền vừa được sửa chữa xong. Ngôi nhà có mái lợp bằng ngói xi măng thường xuyên bị mưa dột trước đó đã được thay bằng ngói mới. Mái ngói mới màu đỏ tươi, hàng lối thẳng tắp, đồng thời được sơn sửa lại nên ngôi nhà khang trang và đẹp hơn rất nhiều.

Ông Nguyễn Văn Khâm năm nay 78 tuổi và vợ là bà Nguyễn Thị Thu. Vợ chồng ông là đối tượng người có công, đã giúp đỡ cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ. Vợ chồng ông được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, đang hưởng trợ cấp hàng tháng. Ngôi nhà có mái đã xuống cấp từ lâu. Mỗi lần mưa là bị dột ướt. Để sửa chữa cần kinh phí khá lớn, vượt qua khả năng của vợ chồng ông. Xét thấy cần hỗ trợ kinh phí để sửa chữa cho người có công, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Phong Điền đã tham mưu UBND huyện, quyết định trích 20 triệu đồng từ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của huyện để sửa chữa nhà cho ông Khâm.

Trong căn nhà mới sửa xong, ông Khâm cười tươi, cảm ơn Nhà nước, các cơ quan chức năng đã quan tâm, hỗ trợ để gia đình sửa chữa lại nhà. Với cuộc sống phụ thuộc vào nguồn hỗ trợ hàng tháng của Nhà nước, hai vợ chồng muốn dành dụm sửa nhà lắm, nhưng lâu rồi mà chưa đủ.

Theo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Phong Điền, thông qua các nguồn lực huy động, phát động các phong trào xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa và từ nguồn quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của huyện, thời gian qua, đã hỗ trợ xây mới, sửa chữa được 10 nhà cho người có công, với tổng kinh phí hơn 650 triệu đồng.

Vào các dịp lễ, tết, kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7), ngoài việc tổ chức trao quà của Chủ tịch nước, quà của tỉnh đến người có công, thông qua nguồn quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, huyện Phong Điền còn trao tặng những phần quà đến người có công tiêu biểu hoặc có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, huyện phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tổ chức tặng quà cho người có công trên địa bàn. Kinh phí tặng quà ước tính khoảng 5 tỷ đồng/năm. Công tác thực hiện chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe cho người có công và thân nhân người có công được đảm bảo. Trong năm 2024, có hơn 880 người được điều dưỡng chăm sóc sức khỏe.

Trên địa bàn huyện Phong Điền có 9 nghĩa trang liệt sĩ, 15 công trình ghi công liệt sĩ với 4.937 mộ liệt sĩ. Ngoài nguồn kinh phí cấp trên phân bổ để sửa chữa, nâng cấp các công trình, với nguồn quỹ huy động được, Phong Điền đã chủ động sửa chữa chu đáo các công trình bị hư hỏng. Như mới đây, công trình ghi công liệt sĩ tại xã Phong Chương bị xuống cấp kịp thời được sửa chữa. Đặc biệt là tại Nghĩa trang liệt sĩ Hương Điền, huyện Phong Điền cũng bố trí kinh phí để sửa chữa một số công trình bị hư hỏng, trồng thêm cây, trang trí thêm hoa… Dịp 27/7 này, người dân, thân nhân đến với nghĩa trang sẽ cảm thấy sự trang nghiêm, ấm áp hơn hẳn.

Trong các cuộc kháng chiến và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, quê hương Phong Điền có 11.000 người có công và thân nhân của người có công với cách mạng; trong đó, 3.662 liệt sĩ; 805 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh; thân nhân liệt sĩ hưởng trợ cấp hàng tháng; 2.641 người có công giúp đỡ cách mạng; 535 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; 624 Mẹ Việt Nam Anh hùng (còn sống 7 Mẹ); 328 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; 115 con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.

Ông Nguyễn Văn Lương, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Phong Điền cho biết, để có thể làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, thực hiện có hiệu quả công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng ở Phong Điền như thời gian qua, huyện đã phát triển rất hiệu quả quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”. Thông qua công tác tuyên truyền đã nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn thể Nhân dân đối với chính sách, pháp luật về người có công với cách mạng. Nhờ đó, việc đóng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” trên địa bàn huyện đạt hơn 2,3 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Văn Lương, nguồn quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” ở Phong Điền được thu đúng, thu đủ và sử dụng nguồn quỹ hợp lý, đúng đối tượng. Tất cả việc sử dụng nguồn quỹ đều đúng mục đích, công khai, minh bạch, hỗ trợ cho nhiều đối tượng thật sự cần. Đây là động lực để Phong Điền đặt mục tiêu triển khai hiệu quả hơn nữa công tác đền ơn đáp nghĩa; tiếp nối truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” của thế hệ trẻ đối với những người có công với cách mạng, với Tổ quốc.

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/doi-song/phong-dien-lam-tot-cong-tac-den-on-dap-nghia-143257.html