Phòng huyết khối tĩnh mạch sâu nhờ 7 bước đơn giản ai cũng có thể thực hiện
Huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT) là tình trạng xảy ra khi cục máu đông hình thành trong tĩnh mạch sâu, thường là ở chân… có thể gây tắc mạch phổi, nguy hiểm cho tính mạng.
Khi bị huyết khối tĩnh mạch sâu, những cục máu đông trong tĩnh mạch có thể vỡ ra. Các mảnh nhỏ sẽ theo dòng máu đi lên phổi, gây ra tình trạng thuyên tắc phổi (PE). Triệu chứng của tình trạng này bao gồm khó thở, tức ngực, nhịp tim nhanh, choáng váng hoặc ngất xỉu và có thể đe dọa tới tính mạng.
Các tình huống có thể dẫn đến cục máu đông, từ thông thường (như nghỉ ngơi trên giường kéo dài sau phẫu thuật, đi các chuyến bay dài), đến những tình huống ít phổ biến hơn (như mang thai và rối loạn cục máu đông di truyền)… Nếu bạn bị béo phì hoặc là người hút thuốc, nguy cơ mắc huyết khối tĩnh mạch sâu sẽ tăng lên.
Những cách đơn giản dưới đây có thể giảm thiểu rủi ro này:
1. Tránh ngồi lâu khi đi du lịch giúp giảm huyết khối tĩnh mạch sâu
Bất kể phương tiện di chuyển của bạn là gì, điều quan trọng là thỉnh thoảng bạn phải đứng dậy và vươn vai khi thực hiện một chuyến đi dài.
TS. Andrea Obi, Đại học Y tế Michigan (Hoa Kỳ) giải thích: Máu dồn lại ở các chi khi bất động, có thể làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, đặc biệt đối với những chuyến bay dài hơn 8 giờ và có khớp cố định (bó bột hoặc nẹp).
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến cáo, khi ở trên máy bay đường dài, hãy thường xuyên đứng dậy và đi lại trên các lối đi của máy bay. Trong khi ngồi, hãy uốn cong bắp chân và mắt cá chân thường xuyên.
Nếu bạn đang di chuyển một quãng đường dài bằng ô tô, cứ sau 60 đến 90 phút, nên dừng lại và đi bộ một đoạn ngắn. Điều này sẽ kích thích cơ bắp chân và giúp máu lưu thông, từ đó làm giảm nguy cơ tụ máu và đông máu, vì huyết khối tĩnh mạch sâu có thể xảy ra với bất kỳ ai, nên việc dừng duỗi chân sẽ tốt ngay cả đối với người chưa từng bị cục máu đông.
Điều tương tự cũng đúng ngay cả khi bạn không đi du lịch. Các chuyên gia khuyên bạn nên tránh ngồi trong thời gian dài trong cuộc sống hàng ngày. Nên đứng dậy để giãn cơ định kỳ khi đang làm việc hoặc xem tivi.
2. Giữ đủ nước để giảm nguy cơ đông máu
Mất nước cũng là một yếu tố nguy cơ gây ra huyết khối tĩnh mạch sâu. Vì vậy hãy đảm bảo chú ý đến lượng nước uống hàng ngày. TS. Obi cho biết, việc cung cấp nước rất quan trọng vì nó làm giảm độ nhớt của máu. Khi bạn bị mất nước, máu có thể đặc lại và điều này có thể dẫn đến đông máu.
Hãy nhớ rằng rượu và một lượng lớn đồ uống có chứa caffein là thuốc lợi tiểu có thể làm tăng nguy cơ mất nước.
3. Cân nhắc sử dụng tất nén để kích thích tuần hoàn máu
Đối với người đã có nguy cơ mắc huyết khối tĩnh mạch sâu cao hơn, hãy trao đổi với bác sĩ về việc sử dụng vớ (tất) nén. Loại tất này giúp tạo áp lực lên bắp chân, kích thích lưu thông máu.
Tất nén có đủ hình dạng, kích cỡ và áp lực khác nhau. Người bệnh nên dùng bất kỳ mức độ nén nào có thể chịu đựng được (tìm loại thích hợp cho mình). Nên đi tất càng nhiều càng tốt. Đối với một số bệnh nhân có thể phải mang tất hàng ngày.
Nếu bạn định đi bộ trong thời gian dài hoặc sắp thực hiện những chuyến đi dài bằng máy bay, thì bạn cần đi loại tất này, đặc biệt đối với người có tiền sử huyết khối tính mạch sâu hoặc tăng huyết áp.
4. Ngừng hút thuốc để giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính
Nếu bạn hút thuốc, hãy bỏ thuốc và nếu bạn không hút thuốc, đừng bắt đầu. CDC lưu ý rằng, hút thuốc lá ảnh hưởng đến quá trình đông máu và lưu thông máu, do đó làm tăng nguy cơ mắc huyết khối tĩnh mạch sâu.
Ngừng hút thuốc sẽ giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh, bao gồm cả DVT.
5. Duy trì cân nặng khỏe mạnh
Theo CDC, thừa cân hoặc béo phì làm tăng áp lực trong tĩnh mạch ở chân, là một yếu tố nguy cơ khác gây huyết khối tĩnh mạch sâu, có thể khắc phục được.
TS. Obi cho biết, áp lực tăng lên sẽ làm chậm lưu lượng máu và nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu tăng theo chỉ số BMI. Tỷ lệ mắc bệnh tăng nhẹ ở những người có chỉ số BMI lớn hơn 25. Nguy cơ này tăng gấp ba lần ở những người có chỉ số BMI lớn hơn 35.
Do đó, những người thừa cân hoặc béo phì nên đặt mục tiêu đưa trọng lượng cơ thể về mức bình thường, để giảm nguy cơ mắc huyết khối tĩnh mạch sâu và các vấn đề sức khỏe khác. Bất kỳ sự giảm cân nào cũng có thể làm giảm nguy cơ huyết khối.
6. Tiếp tục dùng thuốc khi đi nghỉ
Đối với các kỳ nghỉ rời khỏi nơi cư trú, hãy đảm bảo rằng bạn không ngừng dùng thuốc. Nếu bác sĩ yêu cầu bạn dùng aspirin liều thấp hoặc các loại thuốc chống đông máu khác hàng ngày, để ngăn ngừa cục máu đông, hãy dùng chúng theo chỉ định bất kể bạn đang ở đâu hay đang làm gì.
Nếu bạn khó nhớ, hãy đặt báo thức trên điện thoại thông minh để nhắc nhở bạn uống thuốc thường xuyên.
7. Nếu bạn đang mang thai, hãy tiếp tục vận động để cải thiện lưu lượng máu
Đối với người mang thai, một số thay đổi nhất định xảy ra trong cơ thể sẽ làm giảm lưu lượng máu và khiến máu dễ bị đông lại. Ví dụ, sự thay đổi nội tiết tố khi mang thai làm tăng nguy cơ mắc huyết khối tĩnh mạch sâu. Nguy cơ đông máu không giảm cho đến khi phụ nữ hồi phục sau sinh ít nhất sáu tuần, TS. Obi cho biết.
Một nghiên cứu cho thấy, phụ nữ mang thai có nguy cơ mắc huyết khối tĩnh mạch sâu cao gấp 5 lần so với những phụ nữ không mang thai. Vì vậy, khi bụng to hơn, bạn có thể cảm thấy muốn đi chậm lại, nhưng điều quan trọng là bạn vẫn phải tiếp tục vận động để máu lưu thông.
TS. Obi cũng lưu ý rằng, phụ nữ mang thai có nhiều khả năng bị huyết khối tĩnh mạch sâu ở chân trái hơn. Trọng lượng tăng thêm của tử cung càng chèn ép tĩnh mạch. Do đó, bạn nên ngủ nghiêng bên trái để cải thiện tuần hoàn và tránh ngủ ngửa. Hãy nâng cao chân vào cuối ngày và mua một đôi tất nén tốt nếu bạn bị sưng hoặc giãn tĩnh mạch.