Phòng khám đầu tiên cho người chuyển giới ở Trung Quốc

Nơi này được mở ra với mục tiêu 'giảm bớt cảm xúc tiêu cực' và 'cải thiện mối quan hệ gia đình' của người chuyển giới thông qua đánh giá, chẩn đoán và can thiệp đa ngành.

Bệnh viện Nhi của Đại học Phục Đán (Thượng Hải) mới đây thông báo đã mở một phòng khám dành riêng cho trẻ em và thanh thiếu niên chuyển giới.

Cộng đồng người chuyển giới và các nhà hoạt động nhân quyền tại đất nước tỷ dân đã lên tiếng ủng hộ phòng khám khi đã phục vụ cho nhóm thiểu số, từ lâu phải đối mặt với sự phân biệt đối xử tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe.

"Đó thực sự là một dấu hiệu tốt", Xin Ying, giám đốc Beijing LGBT Center, người đã tham gia vận động quyền của người chuyển giới trong nhiều năm, nói với Sixth Tone.

 Đây là nơi đầu tiên tại Trung Quốc cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh cho người chuyển giới. Ảnh: People Visual.

Đây là nơi đầu tiên tại Trung Quốc cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh cho người chuyển giới. Ảnh: People Visual.

Bà nói thêm động thái của bệnh viện là phù hợp với bản cập nhật ICD năm 2019 của Tổ chức Y tế Thế giới - giúp chẩn đoán và theo dõi các vấn đề sức khỏe trên toàn cầu.

Trong đó hướng dẫn "xác định lại sức khỏe liên quan đến bản dạng giới", với sự bất hợp lý về giới được chuyển từ phần "rối loạn tâm thần và hành vi" sang "các tình trạng liên quan đến sức khỏe tình dục".

Tuy nhiên, ở Trung Quốc, các cá nhân chuyển giới được yêu cầu cung cấp "giấy chứng nhận mắc bệnh tâm thần vì chứng phiền muộn giới tính" trước khi sử dụng hormone hoặc phẫu thuật chuyển đổi giới tính.

 Cộng đồng LGBT ở Trung Quốc vẫn còn chịu nhiều định kiến xã hội. Ảnh: AFP.

Cộng đồng LGBT ở Trung Quốc vẫn còn chịu nhiều định kiến xã hội. Ảnh: AFP.

Ước tính có khoảng 4 triệu người chuyển giới ở đất nước tỷ dân, nhưng cộng đồng này phần lớn "vô hình" và bị phân biệt đối xử do nhận thức giới tính cứng nhắc cùng các hạn chế chính sách hiện hành.

Theo một báo cáo năm 2017 về cộng đồng người chuyển giới của quốc gia này, 61,5% người chuyển giới bị trầm cảm và gần 1/2 có ý nghĩ tự làm hại bản thân.

Nhiều người chuyển giới cũng cho biết họ phải chịu sự phân biệt đối xử tại trường học và nơi làm việc, cùng một số hành động pháp lý chống lại những định kiến đó.

Năm 2019, một tòa án ở tỉnh Chiết Giang đã trở thành một trong những tổ chức đầu tiên thừa nhận cáo buộc của một người chuyển giới bị phân biệt đối xử, mặc dù phán quyết vẫn chưa được công bố.

Trước đây, có rất ít các phòng khám ở Thượng Hải và Bắc Kinh cung cấp dịch vụ y tế tiến bộ cho người chuyển giới.

Đinh Phạm

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/phong-kham-dau-tien-cho-nguoi-chuyen-gioi-o-trung-quoc-post1276281.html